Vu cáo bị xử tội ra sao?

Hình luật: Có kiện ngược mới bị tội

Theo luật xưa tại nước ta, nếu ai đó tự bịa đặt chuyện không đâu rồi tố cáo với cơ quan chức năng để người khác bị bắt, điều tra, trừng phạt về kỷ luật là phạm tội vu cáo nếu qua điều tra, thẩm cứu, xác minh cho thấy người đó vô tội. Lúc đầu, luật buộc phải có một quyết định giải quyết dứt khoát nội vụ tố cáo và có đơn thưa ngược lại của người bị vu cáo thì kẻ vu cáo mới có thể bị truy tố.

Điều 373 Hình luật canh cải chỉ phạt những sự vu cáo trước một số nhà chức trách tư pháp hoặc hành chính và buộc phải có đơn viết tay của người tố cáo thì mới xử lý. Khó khăn hơn, có án lệ còn buộc phải có một quán quyết của tòa án xác nhận việc tố cáo là không có thật thì mới cấu thành tội vu cáo. Còn nếu nội vụ được xếp lại không có kết luận cuối cùng thì người tố cáo khống cũng chẳng bị xử lý vì cả.

Luật ngày 8-10-1943: Chỉ cần thêm bớt cũng phạm tội

Ngày 8-10-1943, Pháp ban hành đạo luật tại ba nước Đông Dương mở rộng những hành vi phạm tội vu cáo hơn. Theo luật này, không cần người vu cáo phải có đơn tố cáo khống và cũng không cần phải tố cáo với nhà cầm quyền nào nhất định, chỉ cần tố cáo khống bằng lời nói với một người có tư cách để chấp nhận lời tố cáo hoặc chuyển lời tố cáo đến người có thẩm quyền là đã phạm tội. Người bị vu cáo cũng không cần phải thỉnh cầu tòa án phán quyết xem nội dung tố cáo đúng hay sai mà chỉ cần vụ việc được biện lý cuộc xếp lại là đã có thể kiện ngược kẻ vu cáo.

Ví dụ: việc tố cáo với người có thẩm quyền hoặc tổng trưởng, viện trưởng đại học, tổng giám đốc hành chính v.v... có thể làm cho công chức bị trừng trị quy định về hành chính thì quyết định của những người có thẩm quyền trên sẽ xác định có sự tố cáo gian hay không cũng đủ làm cơ sở để kiện người vu cáo. Còn tố cáo người làm với chủ xí nghiệp tư thì chỉ cần quyết định của chủ xí nghiệp đủ làm cơ sở kiện vu cáo.

Trong một vụ nọ, một giáo sư bị nhiều nữ sinh làm đơn thưa với bộ trưởng Bộ Giáo dục vì đã có nhiều hành vi công xúc tu sỉ. Bộ Giáo dục cho điều tra mới biết các nữ sinh ấy đã bị chuyện do sự xúi giục của một hay nhiều giáo sư khác vì ganh tị, muốn cho Bộ không tái lập hợp đồng sử dụng giáo sư kia nữa. Giáo sư bị tố cáo sai đã kiện bọn cáo gian ra tòa.

Tòa tiểu hình thiếu nhi tha bổng các bị can vì chúng tố cáo với Bộ Giáo dục chứ không phải với nhà chức trách tư pháp. Xử như vậy là sai, vì sự tố cáo của các nữ sinh có thể làm cho giáo sư đó bị khiển trách về mặt hành chính, còn người nhận đơn là thượng cấp của giáo sư có quyền quyết định việc kỷ luật. Nếu tòa án cần chờ quyết định chính thức của bộ trưởng Bộ Giáo dục thì phải hoãn xử chứ không được tha bổng các bị cáo. Mặt khác, nếu cho rằng sự tố cáo của các nữ sinh có thẩm làm cho giáo sư đó bị truy tố về tội hình (chẳng hạn tội xâm phạm mỹ tục) mà không có một quyết định tư pháp dứt khoát chứng minh sự cáo gian thì tòa mới được tha bổng các nữ sinh.

Đồng thời với sự thay đổi trên, án lệ cũng nới rộng quan niệm về sự kiện vu cáo. Chỉ cần tố cáo một việc có thật nhưng người tố cáo cố ý thêm bớt một vài chi tiết để tòa tưởng rằng việc ấy đáng trị tội là đã phạm tội vu cáo. Điều 373 Hình luật quy định người phạm tội vu cáo sẽ bị phạt từ sáu tháng đến năm năm tù và phạt tiền từ 1.000 quan đến 50.000 quan x 4. Đến Đạo luật ngày 8-10-1943 sửa đổi lại mức phạt tiền xuống từ 400 đồng đến 20.000 đồng.

Mội tội thành hai

Nếu lời tố cáo sai được in ra giấy rồi công bố trên mặt báo thì can phạm sẽ bị truy tố về tội phỉ báng lẫn tội vu cáo, hai tội này có thể bị truy tố riêng mà không trái luật. Có khi một người làm đơn yêu cầu tòa án truy tố người khác nhưng nội dung đơn không đúng sự thật. Khi đó, dự thẩm miễn tố cho người bị tố cáo hay ra trước tòa người này được tha bổng, người cáo gian có thể bị công tố viện đứng ra truy tố về tội mạ lỵ thẩm phán theo Điều 222 Hình luật canh cải. Trong trường hợp này, người cáo gian có thể bị truy tố cả hai khinh tội vu cáo và mạ lỵ thẩm phán. Tuy nhiên, tòa sẽ chỉ tuyên hình phạt nặng nhất, ở đây là hình phạt của tội vu cáo.

Vai trò công tố viện

Công tố viện có thể truy tố thẳng can phạm phạm tội vu cáo mà không cần có đơn xin truy tố hay có người đứng dân sự nguyên cáo. Nhưng nếu bị can được tòa tha bổng thì công tố quyền sẽ bị tiêu diệt, khi đó tòa hình sẽ không có quyền xét đơn xin bồi thường của người bị tố cáo.

Yếu tố cấu thành tội vu cáo

Trong tội vu cáo, gian ý của can phạm là một yếu tố chính cấu thành tội này. Gian ý không thể đương nhiên suy luận do sự miễn tố của người bị tố cáo trong vụ án trước đó. Một bản án kết phạt can phạm về tội vu cáo mà chỉ viện lý lẽ là người bị tố cáo đã được miễn tố thì đương nhiên hành vi tố cáo của can phạm đã cấu thành tội vu cáo. Bản án này bị phá vì thiếu lý do và căn bản pháp lý do không nêu sự kiện nào khác chứng tỏ can phạm có gian ý. Ngay cả khi kết tội vu cáo nhưng tòa án chỉ bày tỏ sự ngờ vực mà không xác nhận chính thức, chắc chắn gian ý của can phạm thì án cũng sẽ bị hủy.

Thưa ẩu: Dễ mắc tội

Thông thường, trong giới thương mại, nhiều người hay dùng cách truy tố ra tòa hình để dọa người thiếu nợ sợ mà phải trả tiền cho mình. Cách này ít nhiều có hiệu quả, vừa nhanh vừa ít tốn công sức hơn là đi kiện đòi nợ tại tòa dân sự. Để làm vậy, chủ nợ thường thêm mắm thêm muối vô sự kiện để kết tội con nợ là lường gạt hay sang đoạt tài sản của mình. Nhưng chỉ khi nguyên cáo chứng minh được người cố cáo có gian ý, biết rõ việc mình tố cáo là không có thật và có ác ý muốn làm hại người bị tố cáo thì mới thành tội.

Theo một án lệ xưa của Pháp, ông F. giao thiệp, buôn bán với ông B. và bị ông B. thiếu 40.000 quan nhưng không chịu trả. Ông F. kiện ông B. ra tòa về tội sang đoạt và lường gạt. Cuộc thẩm vấn được kết thúc bằng một án lệnh miễn tố cho ông B., bởi vì ông F. không trưng ra được những bằng chứng bị can đã dùng mánh khóe gian dối để bản thân đưa tiền cho bị can. Trái lại, căn cứ vào bản giao kèo giữa hai bên thì số tiền thiếu nợ là do chính ông F. giao cho ông B. để buôn bán.

Sau đó, ông B. kiện ngược lại ông F. về tội vu cáo. Tòa thượng thẩm cho rằng ông F. không có ác ý trong lúc tố cáo ông B. nên tha bổng ông F. Nhưng tòa phá án đã hủy bản án trên vì cho rằng ông F. đã bịa đặt để tòa cho rằng trong vụ thiếu nợ trên có tính chất hình sự là đã cố tình làm sai lệch sự thật cho được việc của mình.

Đúng là trong những vụ truy tố tội vu cáo, thẩm phán xét xử được toàn quyền phán đoán tính gian ý hay ngay tình của nguyên cáo, nhưng những lý do thẩm phán đó đưa ra trong phán quyết không được chỏi ngược nhau. Tương tự như án lệ trên, trong một án lệ khác về tội vu cáo tòa đã tha bổng bị cáo vì cho rằng anh ta không có ác ý khi tố cáo con nợ phạm tội lường gạt và bội tín. Bị cáo chỉ có lỗi là đã không suy nghĩ kỹ càng đã vội vàng kiện về hình sự thay vì kiện về thương mại. Bản án này bị tòa phá án hủy vì lẽ kẻ nào thêm bớt, thêu dệt thêm khiến tòa lầm lạc cho rằng vụ việc có tính chất hình sự là đã làm biến chất sự thật.

VƯƠNG BÌNH sưu tầm

(Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm