Xe lăn: chưa hẳn là xe ba bánh thô sơ!

Người đồng tình với cơ quan điều tra, người lại phản đối... Cái chết của nạn nhân là một mất mát lớn nhưng không phải vì thế mà đánh đồng yếu tố lỗi của các bên.

Theo một kiểm sát viên VKSND TP.HCM, điểm 19 Điều 3 Chương I Luật Giao thông đường bộ 2008 đã quy định rõ phương tiện giao thông thô sơ đường bộ gồm xe đạp, kể cả xe đạp máy; xe xích lô; xe lăn dùng cho người khuyết tật; xe súc vật kéo và các loại xe tương tự.

Rủi ro tự gây ra?

Như vậy, chiếc xe lăn dùng cho người khuyết tật trong vụ án này là xe thô sơ. Khi đường đã có biển báo cấm xe thô sơ ba và bốn bánh thì mọi phương tiện phải tuân thủ, kể cả xe lăn. Việc nạn nhân lưu thông vào đường cấm như trên phần lỗi hoàn toàn thuộc về phía nạn nhân vì đã vi phạm luật giao thông và gây cản trở giao thông. Người đi xe lăn vi phạm luật giao thông cũng giống các loại xe thô sơ khác đều phải được đánh giá như nhau. Do đó, việc cơ quan điều tra không xử lý hình sự người đi xe máy là hoàn toàn có lý.

Đồng tình, thẩm phán Phạm Công Hùng (Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM) nói trước hết phải khẳng định nạn nhân đã vi phạm pháp luật khi đi xe ba bánh vào đường dành riêng cho xe hai bánh. Trong vụ này, hành vi vi phạm nêu trên là nguyên nhân gây ra vụ tai nạn nghiêm trọng. Không thể xử lý người đi xe máy vì đã điều khiển phương tiện đi đúng luật.

Xe lăn: chưa hẳn là xe ba bánh thô sơ! ảnh 1

Thẩm phán Hùng phân tích: Chúng ta phải công bằng đánh giá với nguyên tắc ai nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật thì được pháp luật bảo vệ, ai vi phạm thì bị xử lý. Lâu nay chúng ta thường có tâm lý ra đường hễ cứ thấy xe to đụng xe nhỏ là cho rằng xe to có lỗi. Nhưng theo góc độ luật học, việc có xử lý hình sự hay không là tùy mức độ lỗi của những người liên quan. Nếu công bằng đánh giá như vậy sẽ tạo được nếp văn hóa đúng đắn về pháp luật và tạo thói quen phải tuân thủ pháp luật cho người dân khi ra đường. “Tôi chia sẻ và thấy đáng tiếc cho tình cảnh của ông Ánh nhưng đây rõ ràng là một rủi ro mà ông tự gây ra, không thể đổ lỗi cho ai được” - thẩm phán Hùng nhấn mạnh.

Luật sư Cao Minh Triết (Đoàn Luật sư tỉnh Tiền Giang) dẫn chứng ở TP.HCM đã từng tuyên phạt tù một người đi bộ vi phạm luật giao thông làm cản trở giao thông gây tai nạn làm người đi xe máy chết. Điều này chứng tỏ việc tuân thủ pháp luật mới là điều kiện tiên quyết khi xử lý một người vi phạm không chỉ trong lĩnh vực giao thông. Ở vụ án này, cái chết của nạn nhân là một mất mát lớn nhưng không phải vì thế mà đánh đồng yếu tố lỗi của các bên. Rõ ràng nạn nhân đã sai khi vi phạm luật giao thông, chính việc vi phạm này làm cho người gây tai nạn chủ quan khi chạy xe nên xảy ra sự cố. Mặt khác, pháp luật hình sự cũng có nguyên tắc suy đoán có lợi cho người vi phạm, trong trường hợp lỗi rất nhỏ thì không coi là tội phạm.

Lỗi nhỏ nhưng hậu quả to: Phải xử?

Ngược lại, luật sư Lê Văn Bình (Đoàn Luật sư TP.HCM) tỏ ra băn khoăn về việc cơ quan điều tra cho rằng xe lăn là xe ba bánh thô sơ. Bởi lẽ thực tế có những loại xe lăn tay chỉ có hai bánh hoặc hai bánh to, một bánh nhỏ như chiếc xe lắc tay để hỗ trợ người khuyết tật, đôi khi xe lăn lại được gắn động cơ… Như vậy khái niệm về xe lăn chưa rõ nên việc kết luận xe lăn là xe ba bánh thô sơ là chưa tâm phục khẩu phục. Theo luật sư Bình, đây là xe chuyên dùng của người tàn tật, thương binh nên phải được xem là khác so với các loại xe ba bánh thô sơ khác.

Không bàn chuyện xe lăn có phải là xe ba bánh thô sơ hay không, luật sư Trương Xuân Tám (Ủy viên Ban Chấp hành Liên đoàn Luật sư Việt Nam) lại đi sâu phân tích yếu tố lỗi của người đi xe máy. Theo ông, việc cơ quan điều tra cho rằng người đi xe máy không làm chủ được tốc độ nên không xử lý kịp chứng tỏ người này cũng có phần lỗi trong vụ tai nạn. Do đó dù có lỗi ít hay nhiều nhưng đã gây tai nạn làm chết người thì đều phải chịu trách nhiệm hình sự, còn tính chất, mức độ trách nhiệm ra sao phụ thuộc vào mức độ lỗi của người đó.

Luật sư Bình bổ sung: Yếu tố lỗi của nạn nhân sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc định khung hình phạt truy tố. Nếu nạn nhân có lỗi lớn thì trách nhiệm hình sự của người gây tai nạn sẽ giảm đi và ngược lại. Vụ tai nạn là sự kiện pháp lý, còn nguyên tắc trong pháp luật hình sự là người vi phạm có lỗi đến đâu thì xử lý đến đó. Việc bồi thường dân sự cũng phụ thuộc vào tỉ lệ lỗi của từng bên.

Tai nạn đáng tiếc

Như Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh, ông Ánh là thương binh loại 1/4 (bị liệt hai chân khi tham gia chiến tranh). Năm 2009, ông được cấp cho một chiếc xe lăn tay để ông làm phương tiện đi lại. Tối 30-8-2010, đang trên đường đi về nhà, ông đã bị một người đàn ông chạy xe máy từ phía sau tông thẳng tới. Dù được người gây tai nạn đưa đi cấp cứu ngay nhưng ông đã không qua khỏi...

Sau khi khám nghiệm hiện trường, cơ quan điều tra Công an quận 3 (TP.HCM) kết luận ông Ánh lưu thông trên đường cấm xe thô sơ ba và bốn bánh là sai. Lỗi chính trong vụ tai nạn này thuộc về ông Ánh. Người gây tai nạn đã đi đúng phần đường, chiều đường. Tuy nhiên, khi gặp tình huống nguy hiểm, người gây tai nạn đã không làm chủ được tốc độ, xử lý không hiệu quả nên cũng có một phần lỗi. Xét thấy lỗi này chỉ là vi phạm hành chính, cơ quan điều tra quyết định không khởi tố vụ án hình sự mà chỉ phạt hành chính.

Đi bộ làm chết người, bị tội

Cuối năm 2009, TAND huyện Mỹ Hào (Hưng Yên) đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thị Dương chín tháng tù treo và 18 tháng thử thách về tội cản trở giao thông đường bộ.

Ngày 14-7-2009, trên đường đi làm thủ tục dự thi về, Dương đi bộ qua làn đường xe cơ giới chiều Hà Nội - Hải Dương (đoạn thuộc thị trấn Bần) để sang đường (khu vực không cho phép người đi bộ qua đường) khiến một người điều khiển xe máy tông phải và té ngã. Vụ tai nạn khiến Dương bị thương, còn người đi xe máy chết. 

Trước đó, tháng 8-2004, TAND quận 1 (TP.HCM) cũng từng tuyên phạt bị cáo Ngô Thị Mỹ Yên chín tháng cải tạo không giam giữ và buộc phải bồi thường cho gia đình người bị hại 7,5 triệu đồng về tội cản trở giao thông đường bộ.

Năm 2003, bị cáo Yên đi bộ từ cầu thang dưới đất lên mặt đường Cầu Ông Lãnh rồi băng qua đường trên mặt cầu, nơi có dải phân cách. Lúc này anh V. chạy xe máy lưu thông qua cầu đụng vào người Yên làm cả hai té xuống đường. Tai nạn khiến anh V. bị chấn thương sọ não nặng, chết trên đường đi cấp cứu, Yên chỉ bị xây xát nhẹ.

Theo tòa, lỗi chính gây ra tai nạn là do bị cáo Yên đi bộ không đúng nơi quy định và băng qua đường nơi có dải phân cách. Bị cáo nhận thức rõ việc băng qua đường không đúng phần đường của người đi bộ là trái pháp luật nhưng vẫn vi phạm nên gây tai nạn nghiêm trọng làm chết người.

SONG NGUYỄN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm