Xử án cố ý gây thương tích: Vướng về tội danh, chứng cứ, giám định

Tại buổi thảo luận, hàng loạt vướng mắc đã được nêu ra đối với loại án đang có xu hướng ngày càng tăng và phức tạp hơn này.

Vấn đề đầu tiên là nhiều tội chưa có ranh giới rõ ràng như cố ý gây thương tích với cố ý gây thương tích trong trạng thái tinh thần kích động mạnh, hay cố ý gây thương tích dẫn đến chết người với giết người... Vì thế, việc xác định tội danh của người phạm tội thường gây ra nhiều quan điểm khác nhau giữa các ngành tố tụng cũng như giữa các cấp xét xử.

Tranh cãi về tội danh

Một vụ án mới xử gần đây đã được đưa ra mổ xẻ: Hồ Sĩ Quan cùng bạn gái ra Công viên Tao Đàn chơi thì gặp hai thanh niên mời mua tăm. Quan từ chối, một thanh niên liền ném bịch tăm về phía Quan, dẫn đến cãi vã. Quan bị đấm đá túi bụi nên đã sử dụng con dao thường mang trong người đâm hai thanh niên gây thương tật vĩnh viễn từ 42% đến 50%.

Quan bị khởi tố, truy tố, phạt tù về tội cố ý gây thương tích. Tuy nhiên, sau đó tòa phúc thẩm lại kết luận Quan phạm tội cố ý gây thương tích trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh và cho Quan hưởng án treo.

Từ vụ án này, nhiều người cho rằng xác định thế nào là bị kích động mạnh và hành vi trái pháp luật của phía nạn nhân đến mức nào mới xem là nghiêm trọng thì tùy vào nhận thức của từng cán bộ tố tụng.

Xử án cố ý gây thương tích: Vướng về tội danh, chứng cứ, giám định ảnh 1

Việc phân biệt giữa tội cố ý gây thương tích dẫn đến chết người và tội giết người vẫn xảy ra nhiều tranh cãi khi xét xử. Trong ảnh: Một phiên xử lưu động về tội giết người. Ảnh minh họa: HTD

Một số đại biểu còn băn khoăn: Trong tội cố ý gây thương tích do vượt quá phòng vệ chính đáng, làm sao xác định sự chống trả như thế nào là cần thiết hay không cần thiết? Ngoài ra, việc phân biệt giữa tội cố ý gây thương tích dẫn đến chết người và tội giết người dù đã có nhiều văn bản hướng dẫn nhưng thực tế áp dụng vẫn xảy ra nhiều tranh cãi…

Khó về thu thập chứng cứ

Nhiều vụ án, cơ quan điều tra không thể thu thập được chứng cứ để xử lý.

Gần đây nhất là vụ bảo vệ đánh khách ở quán cơm Minh Đức (đường Tôn Thất Tùng, phường Phạm Ngũ Lão). Theo hồ sơ, tối 30-7, ông Lê Văn Ngai (Việt kiều Hà Lan) đến quán này ăn cơm. Ra về, ông yêu cầu bảo vệ lấy xe nhưng bảo vệ nói ông tự lấy nên đôi bên cự cãi. Ba bảo vệ, người xô ông Ngai té vào hàng rào, người đánh vào mặt, người đánh vào vai ông rồi bỏ vào trong quán. Ông Ngai gọi điện thoại kêu người cháu thì nhóm này cũng gọi điện thoại cho công ty đến hỗ trợ. Một lúc sau, một nhóm thanh niên (công an không xác định được nhân thân) đến dùng roi điện tấn công ông Ngai và người cháu gây thương tật 8% vĩnh viễn.

Đến nay dù phía nạn nhân cương quyết yêu cầu xử lý hình sự nhưng cơ quan tố tụng bó tay vì không xác định được ai gây thương tích. Các bảo vệ đánh ông Ngai chỉ thừa nhận dùng tay đánh lần thứ nhất. Vụ án cuối cùng bế tắc do không có nhân chứng và không thu thập được chứng cứ cần thiết.

Trong án cố ý gây thương tích, một vướng mắc nữa là nếu nạn nhân bị nhiều người cùng tham gia hành hung thì việc thu thập chứng cứ để xác định tỉ lệ thương tật do từng thủ phạm gây ra là rất khó.

Chẳng hạn vụ Nguyễn Thị Hằng xô xát với hai bạn gái ở cùng dãy nhà trọ. Được can ngăn, Hằng bỏ đi rồi gọi điện thoại nhờ các bạn trả thù. Tại nhà trọ, Hằng và một số phụ nữ đánh nhau với người vừa xô xát. Anh trai của người bị đánh ra can thì bị các bạn nam của Hằng lao vào đánh gây thương tật 38%. Quá trình điều tra, cơ quan tố tụng không thể xác định được các vết thương của nạn nhân do người nào gây ra, mỗi người gây ra bao nhiêu. Vì thế, cơ quan điều tra đành phải chuyển sang xử lý Hằng và đồng phạm về tội gây rối trật tự công cộng.

Giám định “kéo rê”

Khi giải quyết án cố ý gây thương tích, một yêu cầu bắt buộc là phải xác định tỉ lệ thương tật của nạn nhân. Việc này do cơ quan giám định thực hiện theo trưng cầu của cơ quan tố tụng. Thực tế rất nhiều vụ án, thời hạn giám định này kéo dài làm ảnh hưởng đến thời hạn tố tụng.

Tháng 4-2008, cơ quan điều tra khởi tố vụ Ong Ngọc Tuấn gây thương tích cho anh T. Hết thời hạn điều tra, tháng 9-2008, công an phải ra quyết định tạm đình chỉ điều tra để tiếp tục chờ kết quả giám định. Mãi đến tháng 11-2008, khi đã có kết luận giám định, vụ án mới được phục hồi điều tra...

Ngoài ra, có nhiều vụ, lúc đầu nạn nhân đồng ý đi giám định. Do mới chỉ có tỉ lệ thương tật tạm thời, cơ quan tố tụng phải chờ cho đến khi có tỉ lệ thương tật vĩnh viễn để xử lý chính xác. Thời gian này, nạn nhân lại không hợp tác để có kết quả giám định cuối cùng, gây khó khăn cho việc giải quyết án.

Xử lý án cố ý gây thương tích thuộc khoản 1 Điều 104 BLHS, cơ quan tố tụng còn lúng túng khi gặp một loạt tình huống mà pháp luật hình sự chưa hướng dẫn:

- Trường hợp thứ nhất: Vụ án có nhiều người tham gia nhưng nạn nhân chỉ bãi nại cho mỗi mình người chủ mưu. Theo luật, đối với những vụ cố ý gây thương tích theo khoản 1 Điều 104 BLHS, cơ quan chức năng chỉ được khởi tố theo yêu cầu của nạn nhân. Như vậy, nạn nhân bãi nại cho người chủ mưu thì không thể khởi tố người này. Nhưng nếu chỉ đem những người thực hành, giúp sức ra xử lý thì sẽ bất công vì vai trò của người chủ mưu nặng hơn họ rất nhiều mà lại không hề hấn gì…

- Trường hợp thứ hai: Không lấy được yêu cầu của nạn nhân bằng văn bản. Chẳng hạn vụ ông G. muốn công an khởi tố người cháu nhưng lúc đầu ông chỉ có thể lăn dấu vân tay, không thể tự viết yêu cầu. Sau một thời gian điều trị, ông G. bị nhiễm trùng máu, chết trong khi vẫn chưa có bản tự viết yêu cầu của bản thân.

- Trường hợp thứ ba: Nạn nhân liên tục thay đổi yêu cầu khởi tố, thay đổi lời khai...

HOÀNG YẾN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm