Xử tham nhũng: Biết là có tham ô nhưng chỉ xử được cố ý làm trái

“Tham nhũng ngày càng phức tạp, thủ đoạn ngày càng tinh vi nhưng công tác phòng, chống tham nhũng chưa tương xứng với tình hình, chưa đạt hiệu quả như mong muốn, chưa đáp ứng mong mỏi của người dân”. Đó là nhận xét của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu tại hội thảo hoàn thiện pháp luật, bảo đảm tính khả thi, tăng cường hiệu quả thực hiện các biện pháp phòng, chống tham nhũng do Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức tại TP Tuy Hòa (Phú Yên) ngày 30-7.

Án tham ô, chỉ xử cố ý làm trái

Theo phó chủ tịch Quốc hội, để đấu tranh phòng, chống tham nhũng mạnh hơn, trước hết cần một hệ thống pháp luật đồng bộ, chặt chẽ, quy định rõ ràng, cụ thể. Các văn bản pháp luật này phải phù hợp với Công ước Quốc tế về chống tham nhũng. Để tăng tính công khai và minh bạch, phải sớm loại bỏ lợi ích cục bộ, lợi ích ngành, cơ chế “xin-cho”, chấm dứt thủ tục hành chính phiền hà, sách nhiễu, tạo điều kiện cho tham nhũng. Những luật trực tiếp hoặc liên quan đến phòng, chống tham nhũng đều phải quy định rõ ràng, cụ thể trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong phòng, chống tham nhũng.

Phó chủ tịch Quốc hội cho rằng cần phải hoàn thiện hơn nữa Luật Phòng, chống tham nhũng, trong đó các biện pháp phòng, chống tham nhũng phải rõ ràng, cụ thể nhất là về kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập và trách nhiệm người đứng đầu...

Cũng theo phó chủ tịch Quốc hội, một thực trạng không thể chấp nhận khác là việc thực hiện pháp luật chưa nghiêm, chưa triệt để. “Trong xử lý tham nhũng có sự nể nang, né tránh. Nhiều vụ án tham ô lớn nhưng chỉ chứng minh được cố ý làm trái, trong khi nếu không có tham ô thì làm sao có những việc này. Hay nếu thanh tra, kiểm toán bảo tốt cả, đến khi điều tra phát hiện đơn vị ấy sai, tiêu cực thì phải truy ra trách nhiệm của đoàn thanh tra, kiểm toán ấy chứ!” - phó chủ tịch Quốc hội nói.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu trao đổi với các đại biểu dự hội thảo. Ảnh: TẤN LỘC

Quá nhiều bất cập

Trong các phiên luận của hội thảo, nhiều ý kiến cũng phân tích những bất cập, khó khăn hiện nay trong phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm tham nhũng.

Theo Trung tướng Trần Đăng Yến (Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm - Bộ Công an), những vụ tham nhũng lớn, nghiêm trọng thường mang tính tập thể, có nhiều đối tượng tham gia, có quan hệ chặt chẽ với nhau, thông tin khép kín trong phạm vi nhất định nên rất khó phát hiện để tố cáo, tố giác. Tội phạm tham nhũng là loại tội phạm có chủ thể đặc biệt, là những người có chức vụ, quyền hạn, có trình độ chuyên môn nhất định, có ảnh hưởng và quan hệ phức tạp, thủ đoạn che giấu tinh vi, luôn tìm cách gây khó khăn đối với cơ quan điều tra. Ngoài ra, một số ngành, đơn vị còn từ chối cung cấp thông tin, tài liệu cho cơ quan điều tra khi chưa có quyết định khởi tố vụ án hình sự.

“Các tội danh quy định trong BLHS về tham nhũng còn thiếu cụ thể, chưa đồng bộ với Luật Phòng, chống tham nhũng và nhất là chưa đồng bộ với thực tế khách quan của tội phạm. Do đó, có trường hợp sau khi cơ quan điều tra (CQĐT) chuyển hồ sơ sang VKS thì bị can được đổi tội danh từ các tội tham nhũng sang các tội kinh tế khác nhẹ hơn như cố ý làm trái, thiếu trách nhiệm... Điều quan trọng hơn, nó phản ánh không đúng bản chất của hành vi phạm tội” - Trung tướng Trần Đăng Yến bức xúc.

Tương tự, ông Nguyễn Sơn (Phó Chánh án TAND Tối cao) cũng cho rằng nhận diện tội phạm tham nhũng của các cơ quan tố tụng hiện nay chưa có sự thống nhất cao, nhất là về tội danh. Khi đưa ra xét xử, tòa án xác định phạm tội khác, trả hồ sơ nhưng CQĐT, VKS không thống nhất. Theo ông Sơn, hiện nay các vụ án tham nhũng rất lớn, có rất nhiều đồng phạm nhưng không đơn giản để khởi tố, truy tố hết khiến người dân bức xúc, cho rằng không công bằng.

“Luật Phòng, chống tham nhũng quy định người có chức vụ càng cao thì càng phải xử lý nghiêm khắc. Tuy nhiên, những người này lại có nhiều tình tiết giảm nhẹ như có quá trình công tác, có điều kiện khắc phục hậu quả. Có không ít trường hợp trong giai đoạn được tặng thưởng các danh hiệu cũng chính là thời điểm người đó phạm tội. Vậy có nên thu hồi các danh hiệu đó hay không, có được xem xét để giảm nhẹ hay không?”.

Cũng theo ông Sơn, một vấn đề bức xúc khác là không thu hồi được tài sản tham nhũng bởi có nhiều vụ CQĐT không chứng minh được tài sản tham nhũng, nhận hối lộ, tài sản do phạm tội mà có. Nguyên nhân là do không kiểm tra, kiểm soát được tài sản, thu nhập của người tham nhũng nên không thể nói đó là tài sản bất minh.

TẤN LỘC

Chống can thiệp, mua chuộc

Trước hết phải đấu tranh chống tham nhũng ngay trong chính các cơ quan chống tham nhũng. Một người bạn của tôi làm ở cơ quan chống tham nhũng cho biết vụ tham nhũng nào cũng có can thiệp, vụ nào cũng có mua chuộc, không vụ nào không có. Chính vì thế, án tham nhũng là án “đầu voi đuôi chuột”, cứ teo dần. Do đó, thực tế đòi hỏi người chống tham nhũng phải cực kỳ bản lĩnh, làm sao để chống lại sự can thiệp, không bị mua chuộc.

Ông NGUYỄN VĂN HIỆN, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp

“Xử” cấp trên nếu bao che

Cần có quy định xử lý cả cấp trên khi bao che cho cấp dưới tham nhũng. Luật phải chặt mới chống được tham nhũng.

Ông Y KHÚT NIÊ, Phó đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm