20 năm mới tạm khép một vụ án dân sự

Tòa ghi nhận sự thỏa thuận của công an đồng ý bồi thường 250 triệu đồng cho mỗi nguyên đơn. Tương tự, tòa tuyên buộc Công ty Vikamex bồi thường hơn 128 triệu đồng cho mỗi nguyên đơn. Đồng thời, tòa bác yêu cầu phản tố của Công ty Vikamex đòi nguyên đơn bồi thường vì cho rằng yêu cầu này không có cơ sở.

Như vậy, vụ kiện giam xe oan đã tạm khép lại với kết quả mỗi nguyên đơn được bồi thường 378 triệu đồng. Trước đó, phiên xử này đã được hoãn nhiều lần, chưa kể vụ án đã qua 10 lần xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, kéo dài gần 20 năm vẫn chưa có hồi kết. Mỗi lần tòa mở, phóng viên đều nghe điệp khúc: “Ông Đạo năm nay hơn 70 tuổi, không thể đi xa nên ông Vinh phải một mình từ Quy Nhơn vượt hàng trăm cây số, đại diện khăn gói hầu tòa”.

Vô phúc đáo tụng đình, vợ con ông Vinh quá ngán ngẩm với vụ kiện nên nhiều lần khuyên ông thôi bỏ quách đi cho rồi, kiện tụng chỉ thêm mệt. Nhưng ông Vinh lại kiên quyết: “Không phải là vấn đề bồi thường thiệt hại mà phải làm cho rõ sự việc, tìm cho được công lý”.

Một vụ án dân sự nếu không kéo dài thời gian đến 20 năm ắt hẳn đương sự đã không phải nhắc đến từ công lý với niềm tin mãnh liệt vào sự công minh của quan tòa như thế.

2. Chuyện bắt đầu từ tháng 2-1992, khi đó ông Đạo đại diện cho 10 chủ xe tải ký hợp đồng vận chuyển gỗ từ Campuchia về TP.HCM cho Công ty Vikamex. Trong một chuyến chở gỗ, một số xe tải đổ gỗ xuống tỉnh Sông Bé (cũ) theo lệnh riêng của vài cán bộ trong Vikamex. Ông Đạo báo lại sự việc cho Vikamex và rắc rối bắt đầu phát sinh. Vikamex cho rằng ông Đạo chiếm đoạt tài sản XHCN nên yêu cầu Công an TP.HCM tạm giữ xe của ông Đạo, ông Vinh (nhưng không hề lập biên bản).

Sau 19 tháng tạm giữ xe và điều tra không có kết quả, Công an TP.HCM đã đình chỉ vụ án, trả xe lại cho các khổ chủ. Nhận hai chiếc xe trong tình trạng bị hư hỏng nặng, hai ông cho rằng Vikamex và cơ quan chức năng giữ xe trái phép gây thiệt hại nên kiện ra TAND quận 1 (TP.HCM) đòi bồi thường. Và từ đó, án cứ bị hủy đi hủy lại vì nhiều lý do khiến cho các bên mệt mỏi đeo đuổi vụ kiện…

Năm 2008, TAND TP.HCM nhận lại vụ kiện và bắt đầu giải quyết lại từ đầu theo trình tự sơ thẩm. Rất nhiều lần tòa đã đưa vụ án ra xét xử nhưng sau đó phải hoãn đến... ba năm vì vụ án rắc rối trong vấn đề bồi thường. Thẩm phán và thư ký nỗ lực hòa giải nhưng vẫn không đạt được kết quả mong muốn.

Gần đây, tòa đã được hồi đáp tốt từ phía công an với thiện chí hòa giải theo hướng đồng ý bồi thường cho hai nguyên đơn mỗi người 250 triệu đồng vì xét thấy có phần lỗi trong câu chuyện từ năm 1992 đến nay. Nhưng rắc rối lại nảy sinh từ phía Công ty Vikamex (bị đơn) khi đơn vị này chẳng những không chấp nhận bồi thường mà còn phản tố đòi hai nguyên đơn phải bồi thường ngược cho họ do làm mất 80 m3 gỗ. Đơn phản tố nộp năm 2008 và đến năm 2013 đơn vị này mới nộp tạm ứng án phí.

3. Tại phiên xử ngày 16-4, HĐXX lần nữa muốn được hòa giải cho các đương sự. Thẩm phán nói: “Tòa mong dứt điểm vụ án vì hai nguyên đơn đi kiện từ khi tóc còn xanh đến nay tóc đã bạc trắng, giờ chờ thi hành án nữa e có khi...”. Thẩm phán không nói hết câu nhưng ai dự tòa cũng hiểu ý nghĩa của cái dấu chấm lửng ấy. Họ ái ngại sợ rằng không chừng đến khi nhắm mắt nguyên đơn chưa chắc đã nhận được tiền bồi thường.

Rồi thẩm phán hướng về đại diện Công ty Vikamex phân tích: “Nghĩ đi cũng phải nghĩ lại, Vikamex là công ty lớn. Đối với cá nhân, số tiền đó có thể nhiều nhưng với công ty thì không đáng là bao. Bản thân tôi cũng đã nhiều lần hòa giải cả ba bên, cũng gặp riêng để phân tích ngọn ngành với công ty. Trong vụ án này, thiệt hại cá nhân sức khỏe cũng như việc đi tới đi lui mà nguyên đơn gánh chịu là không thể tính hết”...

Tuy nhiên, đại diện Công ty Vikamex vẫn giữ nguyên quan điểm “đối trừ thiệt hại, nguyên đơn bồi thường gỗ, bị đơn bồi thường lại”.

Lẽ dĩ nhiên nguyên đơn không chấp nhận, vì họ cho rằng việc phản tố của bị đơn là vô căn cứ, không thể có việc bị đòi ngược như thế. Họ giữ nguyên quan điểm buộc công ty phải bồi thường cho mỗi người khoảng 440 triệu đồng.

Cuối cùng, tòa đã ra phán quyết như đã nói ở trên. Hy vọng sau phiên tòa này sẽ không còn ai kháng cáo, kể cả Công ty Vikamex. Nếu không, thời gian kéo dài vụ án dễ được ghi vào kỷ lục Guinness...

HOÀNG YẾN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm