3 thẩm phán xử Nguyễn Khắc Thủy dâm ô có trách nhiệm như nhau

Liên quan diễn biến mới vụ ông Nguyễn Khắc Thủy dâm ô ở Vũng Tàu, chủ tọa phiên toà phúc thẩm bị đình chỉ, nhiều người thắc mắc HĐXX phúc thẩm gồm ba thẩm phán có quyền ngang nhau, biểu quyết theo đa số nhưng sao chỉ mới đề cập đến một người?

Trước đó, trao đổi với PV Pháp Luật TP.HCM, Chánh án TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, xác nhận đã nhận được quyết định kháng nghị giám đốc thẩm của TAND Cấp cao tại TP.HCM cũng như chỉ đạo của lãnh đạo TAND Tối cao vụ đình chỉ chủ tọa phiên xử phúc thẩm, nhưng ông không bình luận gì thêm.

Như đã thông tin, sau khi báo chí đăng thông tin về bản án phúc thẩm tuyên giảm án cho bị cáo Thủy từ ba năm tù xuống còn 18 tháng tù treo, TAND Tối cao yêu cầu rút hồ sơ lên để xem xét và đánh giá toàn diện vụ án, nếu có đủ căn cứ cho rằng bản án phúc thẩm có sai sót thì TAND Tối cao sẽ kháng nghị giám đốc thẩm.

Nguyễn Khắc Thủy tại phiên tòa phúc thẩm

Đồng thời lãnh đạo TAND Tối cao đã chỉ đạo chánh án TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tạm đình chỉ công tác của thẩm phán chủ tọa phiên tòa phúc thẩm Huỳnh Ngọc Thiện để họp và xem xét kiểm điểm. Thẩm phán chủ tọa và các thẩm phán còn lại trong HĐXX cũng phải làm giải trình để đánh giá trách nhiệm của từng người trong việc xét xử phúc thẩm vụ án này.

Việc chỉ đạo của TAND Tối cao, qua trao đổi với các thẩm phán trong ngành là dựa theo Quyết định 120 của TAND Tối cao ngày 19-6-2017 ban hành Quy định xử lý trách nhiệm người giữ chức danh tư pháp trong TAND.
Theo đó, người giữ chức danh tư pháp trong TAND gồm chánh án, phó chánh án, thẩm phán, thẩm tra viên và thư ký tòa án có hành vi vi phạm nhưng chưa đến mức phải xử lý kỷ luật thì có thể bị xử lý trách nhiệm bằng các hình thức sau đây: Kiểm điểm trước cơ quan, đơn vị; tạm dừng thực hiện nhiệm vụ được giao; bố trí làm công việc khác; chưa xem xét đề nghị bổ nhiệm lại thẩm phán; không xem xét đề nghị bổ nhiệm lại thẩm phán.
Về thẩm quyền xử lý trách nhiệm đối với thẩm phán thì người đứng đầu cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý hoặc được phân cấp quản lý tiến hành xử lý trách nhiệm và quyết định hình thức xử lý trách nhiệm. Và theo quy định thời hạn xử lý trách nhiệm là 30 ngày đối với việc có liên quan đến nhiều người hoặc có tình tiết phức tạp cần có thời gian thanh tra, kiểm tra để xác minh làm rõ thì thời hạn xử lý trách nhiệm có thể kéo dài nhưng tối đa không quá 60 ngày.

Trong các hình thức xử lý kỷ luật được đề cập trên đáng chú ý thẩm phán sẽ bị xử lý kỷ luật nếu cho bị cáo hưởng án treo, cảnh cáo, phạt tiền (hình phạt chính), cải tạo không giam giữ không đúng quy định của pháp luật...

Ngoài việc đề cập đến việc xác định trách nhiệm của thẩm phán chủ tọa, quy định 120 cũng đề cập cụ thể đến việc xác định trách nhiệm của các thẩm phán trong HĐXX .

Trong vụ án này, cạnh việc tạm đình chỉ đối với chủ tọa là thẩm phán Huỳnh Ngọc Thiện để họp và xem xét kiểm điểm thì ông Thiện và các thẩm phán còn lại trong HĐXX cũng phải làm giải trình để đánh giá trách nhiệm của từng người trong việc xét xử phúc thẩm. Như vậy việc xem xét có xử lý kỷ luật và xử lý như thế nào không chỉ có mình chủ tọa mà còn của cả HĐXX.

Tuy nhiên xung quanh diễn biến mới của vụ án này, nhiều thẩm phán cũng băn khoăn việc chỉ đạo xử lý chủ tọa phiên xử này có quá vội vã không. Khi bản án này đang bị đề nghị giám đốc thẩm theo hướng huỷ án, chưa có kết quả chính thức, chưa kết luận bản án phúc thẩm có sai hay không, sai thế nào, lỗi chủ quan của thẩm phán ra sao...

Việc tuyên án thế nào thì bản thân thẩm phán đã phải chịu trách nhiệm về việc bản án bị huỷ, sửa theo quy định khá chặt của ngành thậm chí chịu trách nhiệm hình sự nếu cố tình làm sai. Việc chưa có một bản án, quyết định nào xác định bản án đó sai đã vội quy kết thẩm phán thì có quá vội không...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm