36 con bò mà biết nói năng...

Quyết định tiêu hủy bò do UBND huyện Củ Chi ban hành nhưng việc ban hành này dựa trên ủy quyền của chủ tịch UBND TP.HCM nên người bị kiện là chủ tịch UBND TP.HCM. Vụ kiện do TAND TP.HCM thụ lý, xét xử.

Ông Lê Tấn Hữu, chủ số bò trên, nghẹn giọng kể lại "buổi chiều hôm đó, rất nhiều người, nhiều cơ quan chức năng đến trại bò của tôi bao vây. Họ ra sức lôi từng con bò lên xe, bò nào bò nấy chảy nước mắt ròng ròng, 36 con bò đều đang có thai bò con trong bụng. Tôi cũng quíu, thương mình thì chưa kịp nghĩ tới, mà thấy bò mẹ khóc, mình cũng mếu theo. Họ lôi bò ra đập đầu, xử lý rồi đẩy xuống hố chôn. Từ đó trở đi, hễ nhìn mấy con bò là tôi thấy muốn khóc".

Theo ông Lê Tấn Hữu, ngày 10-8-2014, ông mua 40 con bò sữa (đang mang thai) từ Long An về huyện Củ Chi để nuôi. Số bò trị giá trên 1 tỉ đồng.

Khi đưa bò về, một số con khó đi nên ông Hữu đề nghị bác sĩ thú y trong xã đến chữa trị.

Ngày 14-8-2014, đoàn kiểm tra thú y huyện đến, ghi nhận đàn bò có 20 con nghi bị lở mồm long móng. Chiều cùng ngày, trạm đến lấy 40 mẫu máu và một số mẫu dịch hầu để xét nghiệm. Hôm sau, 15-8, cơ quan thú y tiếp tục đến kiểm tra.

Ngày 29-8-2014, chủ tịch UBND huyện Củ Chi ra quyết định tiêu hủy 36 con bò trong đàn vì có kết quả dương tính với virus lở mồm long móng type A. (bốn con bò trong đàn đã chết trước đó).

Quyết định tiêu hủy đàn bò được căn cứ vào kết quả xét nghiệm của Trung tâm Chẩn đoán, xét nghiệm bệnh động vật (Cơ quan Thú y vùng VI). Kết quả này được xét nghiệm trên mẫu bệnh phẩm thu thập vào ngày 15-8.

Vấn đề là "kết quả lấy mẫu ngày 15-8-2014 là cơ sở quan trọng trong việc tiêu hủy đàn bò nhưng việc lấy mẫu có nhiều bất thường", ông Hữu khẳng định.

Chủ tịch TP.HCM bị kiện vì 36 con bò bị giết oan - ảnh 1
Ông Lê Tấn Hữu

Luật sư Lê Thanh Trang, Giám đốc Công ty luật Tia Sáng, nêu ra các nghi vấn xung quanh biên bản lấy mẫu ngày 15-8 này. Thứ nhất, biên bản phải có 2 liên, cơ quan lập biên bản giữ liên chính (viết tay), người dân giữ liên giấy than. Tuy nhiên, trong vụ việc này, cơ quan thú y cho rằng bản chính đã bị... mất. Trên bản phụ (viết qua giấy than) xuất hiện mã số của Cơ quan Thú y vùng VI, mà theo lý thì sau khi lấy mẫu, đưa mẫu về đến cơ quan này, cơ quan này tiếp nhận mẫu thì mới cấp mã số mẫu và ghi lên biên bản chính. Vì vậy việc xuất hiện mã số này trên biên bản cho thấy biên bản này không thể được lập tại trại bò của ông Hữu.

Về điều này, ông Huỳnh Tấn Phát, Chi cục phó Chi cục Thú y TP, giải thích là có... gọi điện thoại cho Cơ quan Thú y vùng VI để xin mã số và ghi mã số lên biên bản ngay tại hiện trường.

Mặt khác, cơ quan thú y cung cấp bản chính của biên bản dưới dạng scan trên máy scan, giải thích rằng trong quá trình xử lý vụ việc, có scan cho UBND huyện nên máy scan còn lưu bản chính này.

Tuy nhiên, luật sư Lê Thanh Trang khẳng định bản scan không được xem là chứng cứ thay cho bản chính. Ông chứng minh ngay tại tòa, bằng cách trình ra một văn bản gốc có đóng dấu tươi, chữ ký tươi và bản scan do ông tự chỉnh sửa, lắp ghép dấu tươi, chữ ký tươi hoàn toàn khác, nhưng in ra trông y như thật, không phát hiện được chỗ chỉnh sửa.

Ông Huỳnh Tấn Phát cho rằng với biên bản lấy mẫu ngày hôm trước, có chữ ký đầy đủ các bên, còn đầy đủ chứng từ, và kết quả xét nghiệm bò có bệnh lở mồm long móng là cũng đã đủ để xử lý tiêu hủy đàn bò. Việc lấy mẫu vào ngày hôm sau (15-8) chỉ để xác định đúng chủng loại virus mà thôi. Ông cũng giải thích rằng cơ quan thú y không có thù oán nào, không có động cơ, mục đích gì để phải “triệt” đàn bò của ông Hữu cả.

Tuy nhiên, bên khởi kiện cho rằng việc tiêu hủy đàn bò là không hợp lý, nhất là việc khuất tất trong biên bản lấy mẫu, mất biên bản gốc.

"Tiêu hủy cả tỉ đồng của người dân mà thủ tục, chứng từ không minh bạch là không được", ông Hữu uất ức.

Với nhiều tình tiết phức tạp như trên, TAND TP.HCM đã quyết định dời tuyên án sang ngày khác.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm