7 cựu chiến binh bị quy tội oan?

Sáng 14-12, TAND tỉnh Đắk Nông đã mở phiên xử phúc thẩm lần hai vụ bảy cựu chiến binh (CCB) chỉ dọn dẹp rừng nhưng bị TAND thị xã Gia Nghĩa phạt 6-7 tháng tù.

Bị cáo, nhân chứng: Rừng không còn nữa

Trong phần thủ tục, luật sư (LS) Nguyễn Thị Kim Vinh (Đoàn LS TP.HCM, nguyên thẩm phán TAND Tối cao) đã đề nghị HĐXX xem xét việc thiếu vắng các nhân chứng sẽ làm ảnh hưởng đến quyền lợi của các bị cáo. LS đề nghị trong quá trình xét hỏi, nếu có vấn đề liên quan cần làm rõ thì HĐXX áp giải nhân chứng tới tòa.

Tuy nhiên, đại diện VKS đề nghị HĐXX tiếp tục làm việc vì cho rằng lời khai của các nhân chứng đã có đầy đủ trong hồ sơ. HĐXX đã hội ý ngay tại chỗ rồi tiếp tục xét xử bình thường.

Tại phiên tòa, bảy bị cáo tiếp tục khẳng định họ chỉ dọn dẹp rừng (phát dọn cây bụi, cây nhỏ, dây leo) chứ trên thực tế đã không còn rừng nữa. Ngoài ra, có bị cáo còn cho rằng mình bị điều tra viên hướng dẫn cách khai rồi tự ghi, đến khi hỏi xong thì điều tra viên cũng đã ghi xong hết rồi.

Các nhân chứng có mặt tại tòa cũng khẳng định xung quanh nơi các bị cáo phát dọn thì người dân đã làm rẫy trồng cà phê, tiêu… cách đây cả chục năm rồi, không còn rừng nữa.

Các bị cáo tại phiên xử phúc thẩm lần hai. Ảnh: N.NGA

Chỉ có thể phạt hành chính?

Trong khi đó, đại diện VKS vẫn cho rằng các bị cáo không thành khẩn, thay đổi lời khai ban đầu. Theo đại diện VKS, trước khi các bị cáo khai phá thì toàn bộ là rừng già, tương đối rậm rạp. Các bị cáo từng thừa nhận tội và có đơn xin giảm nhẹ hình phạt. Ngoài ra, hồ sơ có rất nhiều chứng cứ để buộc tội nên không có căn cứ chấp nhận kháng cáo và đề nghị HĐXX giữ nguyên hình phạt.

Ngược lại, các LS bào chữa đều đề nghị HĐXX đình chỉ vụ án, trả tự do cho các bị cáo ngay tại phiên tòa.

Theo các LS, rất tiếc là tòa đã không đến tận nơi xem xét để thấy sự thật là các bị cáo chỉ dọn dẹp rừng chứ không còn rừng để hủy hoại. Tòa sơ thẩm chỉ căn cứ vào bản cáo trạng và kết luận điều tra, giám định dựa vào chứng cứ là lời khai của một số nhân chứng, trong đó có người mâu thuẫn với các bị cáo để cho rằng còn rừng là không có cơ sở.

Mặt khác, đối với tội hủy hoại rừng phải chứng minh được các bị cáo có lỗi cố ý, có nhận thức được hành vi đốt phá rừng trái phép hoặc có hành vi khác hủy hoại rừng là nguy hiểm cho xã hội nhưng vẫn mong muốn thực hiện. Trong vụ án này, Chi hội CCB chỉ tổ chức phát dọn bụi cây để lấy đất trồng cây keo, sản xuất gây quỹ hoạt động chứ không có ý hủy hoại rừng.

Luật sư phản đối cách hỏi của kiểm sát viên

Trong phần xét hỏi, hai LS Nguyễn Thị Kim Vinh và Lê Văn Hoan (Đoàn LS TP.HCM) đã đề nghị chủ tọa phiên tòa xem lại cách đại diện VKS đặt câu hỏi với các bị cáo. Theo các LS, “kiểm sát viên đặt câu hỏi giống như “bẫy” của điều tra viên trong vụ án”.

Cả khán phòng vỗ tay dồn dập. Chủ tọa phải nhắc mọi người giữ trật tự. Sau đó, đại diện VKS trả lời: “Luật sư có nhắc né câu “phá rừng” nên tôi không nói nữa”. Từ đó, đại diện VKS chuyển sang dùng từ “dọn dẹp rừng” khi hỏi về hành vi của các bị cáo. 

Ngoài ra, tháng 3-2015, Hạt Kiểm lâm thị xã có văn bản xác định 0,98 ha rừng (nơi các bị cáo phát dọn 0,78 ha) bị hủy hoại đã thiệt hại 100%. Như vậy, phải loại trừ trách nhiệm của bảy bị cáo với phần diện tích 0,38 ha mà họ phát dọn trong tháng 4-2015 và chỉ có thể xem xét trách nhiệm của họ với phần diện tích 0,4 ha mà họ phát dọn trong tháng 1-2015. Nếu cơ quan tố tụng chứng minh được bảy bị cáo có hành vi hủy hoại 0,4 ha (4.000 m2) rừng sản xuất trong tháng 1-2015 đi chăng nữa thì cũng chưa đủ định lượng để khởi tố mà chỉ có thể xử phạt hành chính họ theo Nghị định 157/2013 của Chính phủ và Thông tư liên tịch số 19/2007 của Bộ NN&PTNT - Bộ Tư pháp - Bộ Công an - VKSND Tối cao - TAND Tối cao.

Hơn nữa, các bị cáo gây thiệt hại không lớn, nơi cư trú rõ ràng, nhân thân tốt. Họ không có biểu hiện bỏ trốn, không cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử nhưng ngày 23-8, tòa sơ thẩm lại ra lệnh bắt tạm giam họ là trái pháp luật, vi phạm cơ bản quyền con người.

Trước khi phiên xử tạm dừng, các LS đề nghị HĐXX cho các bị cáo được tại ngoại. Tuy nhiên, chủ tọa phiên tòa phúc thẩm cho rằng để đảm bảo việc xét xử được tiếp tục diễn ra, ngày 15-12 HĐXX mới xem xét vấn đề này.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về phiên xử này.

Nội dung vụ án

Theo hồ sơ, tại cuộc họp tháng 1-2015, cho rằng rừng (loại rừng sản xuất) đã bị lấn chiếm nên Chi hội CCB thôn 6 (xã Trường Xuân, huyện Đắk Song) thống nhất phát dọn rừng để lấy đất trồng cây keo gây quỹ. Trong hai ngày tháng 1-2015, bảy CCB của chi hội đã chặt cây bụi, cây nhỏ, dây leo với diện tích 0,4 ha; trong hai ngày tháng 4-2015 họ dọn tiếp 0,38 ha.

Vì hành vi trên, bảy CCB bị khởi tố, truy tố về tội hủy hoại rừng. Các cơ quan tố tụng thị xã Gia Nghĩa xác định họ gây thiệt hại hơn 42 triệu đồng. Tháng 4-2016, TAND thị xã Gia Nghĩa xử sơ thẩm lần đầu đã phạt họ 6-7 tháng tù. Bảy bị cáo kháng cáo kêu oan, cho rằng thời điểm họ dọn dẹp thì đã không còn rừng nữa.

Tại phiên xử phúc thẩm lần đầu của TAND tỉnh Đắk Nông, đại diện VKS tỉnh đề nghị hủy án sơ thẩm. Theo đại diện VKS, Chi cục Kiểm lâm thị xã Gia Nghĩa xác định cả khu rừng 0,98 ha (nơi các bị cáo phát dọn 0,78 ha) đã thiệt hại 100% từ trước tháng 3-2015. Vì vậy, việc cấp sơ thẩm tính cả 0,38 ha mà các bị cáo dọn dẹp hồi tháng 4-2015 vào diện tích rừng bị hủy hoại là không phù hợp... Đồng tình, tòa phúc thẩm đã hủy án sơ thẩm.

Tháng 9-2017, xử sơ thẩm lần hai, TAND thị xã Gia Nghĩa vẫn kết luận bảy bị cáo hủy hoại tổng cộng 0,78 ha rừng và phạt họ 6-7 tháng tù.

Sau khi Pháp Luật TP.HCM phản ánh về vụ án, rất nhiều chuyên gia pháp luật đã lên tiếng phân tích rằng theo quy định hiện hành thì chỉ có thể xử phạt hành chính bảy CCB này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm