Ai được nhờ luật sư bào chữa cho người bị buộc tội?

Khi đề nghị cấp giấy chứng nhận người bào chữa, LS xuất trình các giấy tờ sau: thẻ LS; giấy yêu cầu LS của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo hoặc của người khác.

Thủ tục cấp giấy chứng nhận người bào chữa nói trên đã được BLTTHS 2015 thay thế bằng thủ tục đăng ký bào chữa. Khoản 2 Điều 78 BLTTHS 2015 quy định khi đăng ký bào chữa, LS phải xuất trình thẻ LS kèm theo bản sao có chứng thực và giấy yêu cầu LS của người bị buộc tội hoặc của người đại diện, người thân thích của người bị buộc tội. Người đại diện của người bị buộc tội xuất trình CMND hoặc thẻ CCCD kèm theo bản sao có chứng thực và giấy tờ có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về mối quan hệ của họ với người bị buộc tội.

Luật sư đang làm nhiệm vụ tại một phiên tòa. Ảnh: HTD

Như vậy, đã có sự vênh nhau giữa Luật LS và BLTTHS 2015: Theo Luật LS, có hai nhóm người được nhờ LS bào chữa là “người bị tạm giữ, bị can, bị cáo” và “người khác”. Còn theo BLTTHS 2015, có hai nhóm người được nhờ LS bào chữa là “người bị buộc tội” và “người đại diện, người thân thích của người bị buộc tội”. Nếu hiểu theo câu chữ của điều luật thì “người khác” trong Luật LS có thể hiểu là bất cứ ai (gia đình, người thân, bạn bè của người bị buộc tội), còn BLTTHS 2015 lại hạn chế, thu hẹp phạm vi người được nhờ LS bào chữa cho người bị buộc tội hơn.

Theo cá nhân tôi, để thống nhất thì nên sửa các luật theo hướng cho phép “người khác” được nhờ LS bào chữa cho người bị buộc tội để phù hợp với tinh thần của Hiến pháp 2013 là “người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử có quyền tự bào chữa, nhờ LS hoặc người khác bào chữa”.

Bên cạnh đó cũng cần có hướng dẫn giải thích một số nội dung chưa rõ trong quy định tại Điều 78 BLTTHS 2015 để tạo thuận tiện cho việc đăng ký bào chữa:

Thứ nhất, người đại diện khi nhờ người bào chữa cho người bị buộc tội thì xuất trình CMND hoặc thẻ CCCD kèm theo bản sao có chứng thực và giấy tờ có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về mối quan hệ của họ với người bị buộc tội. Vậy xác nhận mối quan hệ ở đây cụ thể là mối quan hệ gì?

Thứ hai, người thân thích của người bị buộc tội là những ai? Có thể hiểu theo quy định của BLTTHS 2015 về người thân thích của người tham gia tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng (vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha chồng, mẹ chồng, cha vợ, mẹ vợ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi; ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột; cụ nội, cụ ngoại, bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, cháu ruột) hay không?

Thứ ba, nếu trong trường hợp người bị buộc tội bị bắt mà không có họ hàng thân thích, không có người đại diện tại nơi họ bị bắt, bản thân họ cũng không có điều kiện mời LS thì người yêu của họ có quyền nhờ LS cho họ hay không? Nếu họ nhờ thì cơ quan tố tụng có làm thủ tục đăng ký cho LS để tham gia theo quy định pháp luật hay từ chối đăng ký?

            LS NGUYỄN TƯỜNG LINH, Đoàn LS tỉnh Khánh Hòa

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm