Án hình sự ngày càng nghiêm trọng

“Tính chất án hình sự ngày càng nghiêm trọng”. Đó là nhận định của VKSND Cấp cao tại TP.HCM (Viện Cấp cao 3) trong hội nghị triển khai công tác năm 2016 sáng 31-12-2015.

Án giết người chiếm tới 69%

Theo Viện cấp cao 3, năm 2015 số lượng án hình sự có giảm nhưng tính chất ngày càng nghiêm trọng, phương pháp và thủ đoạn phạm tội cũng tinh vi hơn, nhất là tội phạm về trị an, xâm phạm quyền sở hữu, kinh tế và tội phạm liên quan đến ngân hàng…

Năm 2015, số lượng án hình sự Viện cấp cao 3 thụ lý là 1.036 vụ, giảm so với năm trước. Nhưng điều đáng chú ý là án giết người chiếm tới 69%, án hiếp dâm trẻ em chiếm hơn 17%, mặt khác tội phạm sử dụng công nghệ cao lôi kéo nhiều người để chiếm đoạt tài sản cũng diễn biến khá phức tạp.

Dẫn chứng cho tính chất nghiêm trọng của tội phạm, Phó Viện trưởng Viện Cấp cao 3 Nguyễn Thanh Sơn cho biết có những vụ giết người đặc biệt nghiêm trọng; có vụ ma túy thu giữ tới 600 bánh heroin; nhiều vụ án lớn về tài chính, ngân hàng, tham nhũng như vụ Huỳnh Thị Huyền Như, vụ Vũ Quốc Hảo… làm thất thoát hàng chục ngàn tỉ đồng của Nhà nước, khiến dư luận bức xúc.

Phó Viện trưởng VKSND Tối cao Trần Công Phàn (thứ ba từ phải qua) trao cờ thi đua của Chính phủ cho ban lãnh đạo Viện Cấp cao 3. Ảnh: T.TÙNG

Ý thức pháp luật kém, đạo đức xuống cấp

Ông Nguyễn Thanh Sơn đánh giá nguyên nhân chủ yếu của tình hình tội phạm là do công tác quản lý chưa theo kịp sự phát triển kinh tế-xã hội, trong một số lĩnh vực kinh tế còn có nhiều thiếu sót, sơ hở. Bên cạnh đó là nguyên nhân ý thức chấp hành pháp luật kém và sự xuống cấp, suy thoái về đạo đức của một bộ phận cán bộ, người dân.

Về các loại án khác, theo ông Sơn, tranh chấp dân sự, kinh doanh thương mại, lao động vẫn phức tạp, đa dạng trên mọi mặt của đời sống, diễn ra nhiều năm, quá trình giải quyết kéo dài, trong khi pháp luật liên quan có nhiều thay đổi. Nổi bật là những tranh chấp dân sự có liên quan đến tài sản, nhà đất. Trong lĩnh vực kinh doanh thương mại nổi lên những tranh chấp liên quan đến lĩnh vực đầu tư, tài chính, ngân hàng… Công tác kháng nghị, giải quyết án giám đốc thẩm, tái thẩm bị quá tải do số lượng đơn khiếu nại quá nhiều trong khi nhân sự của cơ quan ít và chủ yếu phải tham gia xét xử.

Tiếp tục cải cách tư pháp mạnh mẽ

Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, năm qua Viện Cấp cao 3 đã đề ra các giải pháp nâng cao các khâu của công tác kiểm sát. Đặc biệt là việc xây dựng hồ sơ kiểm sát, chất lượng thực hành quyền công tố, tranh luận tại phiên tòa và kiểm sát hoạt động tư pháp án hình sự để tránh oan, sai hoặc bỏ lọt tội phạm. Đã có hơn 1.300 vụ án được nghiên cứu lập hồ sơ kiểm sát đúng hạn luật định, có chất lượng, thu thập và phân tích đầy đủ chứng cứ tài liệu phục vụ cho hoạt động tranh tụng tại phiên tòa.

Phó Viện trưởng VKSND Tối cao Trần Công Phàn lưu ý năm 2016 là thời điểm triển khai thực hiện bảy bộ luật, luật sửa đổi có liên quan trực tiếp đến ngành kiểm sát với nhiều quy định rất mới hướng tới cải cách tư pháp. Viện trưởng VKSND Tối cao đã ban hành chỉ thị về công tác của ngành năm 2016, trong đó có nội dung tăng cường chất lượng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, chống oan sai và bỏ lọt tội phạm. Vì thế áp lực công việc của Viện Cấp cao 3 sẽ lớn hơn nhưng phải tập trung vào chất lượng, nhất là các kế hoạch triển khai cải cách tư pháp.

Nửa năm, tiếp nhận 7.149 khiếu nại giám đốc thẩm

Từ 1-6-2015, Viện Cấp cao 3 đã tiếp nhận 7.149 đơn và 310 hồ sơ khiếu nại giám đốc thẩm, tái thẩm. Viện Cấp cao 3 đã giải quyết được 166 đơn và 98 hồ sơ, trong đó ban hành 24 quyết định kháng nghị giám đốc thẩm, một quyết định kháng nghị tái thẩm và 95 thông báo trả lời không kháng nghị.

Về kiểm sát hoạt động tư pháp, Viện Cấp cao 3 đã ban hành 14 kháng nghị phúc thẩm, 10 kiến nghị, 18 thông báo rút kinh nghiệm, 23 hướng dẫn điều tra, 25 công văn trả lời thỉnh thị VKS địa phương và ba báo cáo đề nghị VKSND Tối cao kháng nghị giám đốc thẩm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm