Bị cáo khai dùng tiền bảo kê để ‘chạy chức’

Ngày 22-6 là ngày thứ hai TAND TP Cần Thơ xử vụ bảy thanh tra giao thông (TTGT) thuộc Sở GTVT TP Cần Thơ cùng hai người khác bị truy tố về tội nhận hối lộ. Theo kế hoạch, buổi chiều phiên tòa bước vào phần tranh luận. Tuy nhiên, đại diện VKS đề nghị HĐXX hoãn xử để VKS ban hành lại cáo trạng. Theo đại diện VKS, lời khai của các bị cáo tại phiên tòa về số tiền nhận hối lộ có chênh lệch so với cáo trạng, nếu truy tố họ theo cáo trạng thì sẽ bất lợi cho họ. Sau khi hội ý, HĐXX chấp nhận đề nghị này và tuyên bố hoãn phiên tòa.

Chi hàng trăm triệu cho sếp để lên chức?

Trước đó, trong phần xét hỏi buổi sáng, luật sư hỏi bị cáo Dương Minh Tâm (nguyên phó chánh TTGT - Sở GTVT TP Cần Thơ): “Số tiền nhận hối lộ theo cáo trạng (hơn 400 triệu đồng), ngoài chi ăn uống tại đội và chi xài cá nhân thì còn dùng vào việc gì?”. Bị cáo Tâm khai đã chi 370 triệu đồng để bị cáo được bổ nhiệm từ đội trưởng TTGT lên phó chánh TTGT. Luật sư hỏi Tâm đã chi cho ai, Tâm khai chi cho ông Trương Văn Phúc (thời điểm đó là phó chánh TTGT, khi các bị cáo bị bắt thì ông Phúc là chánh TTGT).

Nguyên đội trưởng Đội TTGT số 3 (quận Ninh Kiều) Võ Hoàng Anh cũng khai trước tòa rằng đã dùng 350 triệu đồng nhận từ các nhà xe đưa cho ông Phúc để được cất nhắc trong công việc. Khi tòa hỏi có chứng cứ gì chứng minh không thì Hoàng Anh nói không có vì đưa trực tiếp tại nhà ông Phúc.

Các bị cáo nghe tòa tuyên bố hoãn xử chiều 22-6. Ảnh: NN

Ngoài ra, bị cáo Tâm khai khi nhận tiền từ các nhà xe thì hằng tháng các đội đều phải nộp một phần về cho chánh TTGT chứ cấp phó như Tâm không được nhận. Lời khai này của Tâm được bị cáo Hoàng Anh xác nhận trước tòa.

Được biết khi vụ án xảy ra, ông Phúc phủ nhận những thông tin liên quan đến mình. Hiện ông này đã được điều chuyển sang công tác khác.

Cái gì cũng xin...

Bị cáo Tâm còn trả lời HĐXX là thường lấy tiền của xe tải, đặc biệt là xe chở vật liệu xây dựng vì hay chở quá tải. Nghe xong, chủ tọa phiên tòa cảm thán: “Chính các bị cáo đã tiếp tay cho bao nhiêu vụ tai nạn từ xe tải mà ra. Người dân gọi các xe tải gây tai nạn là hung thần cũng đúng! Nhà nước sắm các bị cáo ra để làm gì? Để đảm bảo an lành cho người dân nhưng các bị cáo làm vậy thì an lành ở đâu? Ra đường lúc nào cũng lo lắng không biết tính mạng mình ra sao!”.

Cũng theo Tâm, tiêu cực đã xảy ra từ lâu, từ lúc bị cáo còn là nhân viên, lên đội trưởng, lên phó chánh TTGT và “ai cũng mặc nhiên như vậy”!?

Nhiều bị cáo khác cũng khai nhận tiền chung chi của các nhà xe để cải thiện bếp ăn. Vị chủ tọa phải thốt lên: “Các bị cáo khai vậy có thấy nhục mặt không? Các bị cáo là công chức, không lẽ Nhà nước bỏ đói khiến các bị cáo phải xin tiền ăn sáng, ăn trưa từ doanh nghiệp? Làm thế là tự bôi tro vào mặt mình. Các bị cáo cứ nói hỗ trợ nhưng các bị cáo buộc họ (nhà xe) vào hoàn cảnh bắt buộc, không cưỡng lại được. Ăn sáng cũng xin, ăn trưa cũng xin, đám tiệc cũng xin mà di dời nhà cũng xin”...

Nhận hối lộ hơn 4 tỉ đồng

Theo cáo trạng, từ năm 2013 đến 2016, bảy cán bộ TTGT TP Cần Thơ gồm Dương Minh Tâm, Đoàn Vũ Duy, Võ Hoàng Anh, Lý Hoàng Minh, Trần Lập Pháp, Nguyễn Trần Lưu, Hồ Công Thiện đã câu kết với Trần Tường An, Nguyễn Văn Cần thỏa thuận với một số doanh nghiệp, cá nhân có ô tô hoạt động kinh doanh vận tải hành khách, hàng hóa để không bắt hoặc bắt các lỗi nhẹ khi vi phạm giao thông đường bộ. Hằng tháng hoặc từng lần vi phạm, các doanh nghiệp, cá nhân giao nộp tiền mặt hoặc chuyển vào tài khoản cá nhân theo yêu cầu của họ với số tiền ít nhất là 1 triệu đồng/tháng, nhiều nhất là 28 triệu đồng/tháng. Tổng cộng các bị cáo đã nhận hối lộ hơn 4 tỉ đồng.

GIA TUỆ

Nguyên chánh thanh tra phủ nhận

Liên quan đến nội dung bị cáo Dương Minh Tâm khai trước tòa là đã đưa 370 triệu đồng cho ông Trương Văn Phúc - nguyên Chánh Thanh tra Sở GTVT TP Cần Thơ để chạy chức, tối 22-6, trao đổi qua điện thoại với PV báo Pháp Luật TP.HCM, ông Phúc đã phủ nhận thông tin này.

“Quá trình Công an TP Cần Thơ điều tra vụ án đã có thông tin này và tôi đã trình bày cặn kẽ cũng như đối chất để làm rõ. Tôi đã khẳng định không có và không biết việc này. Trong kết luận điều tra của Cơ quan CSĐT Công an TP Cần Thơ đã kết luận, thể hiện việc này” - ông Phúc khẳng định.

Cũng theo ông Phúc, quy trình bổ nhiệm cán bộ trong đó có chức danh phó chánh Thanh tra GTVT theo quy định là lấy ý kiến từ cơ sở, sau đó chánh văn phòng Sở GTVT sẽ có tờ trình về nhân sự cho tập thể Đảng ủy, Ban Giám đốc xem xét và người ký quyết định bổ nhiệm là giám đốc Sở. Trong quy trình này chánh thanh tra không thể nào can thiệp hay có quyền quyết định mà đây là đánh giá và thống nhất của tập thể. Việc bổ nhiệm cán bộ từ cấp trưởng, phó phòng trở lên đều có quy định cụ thể.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Hôm nay, chủ tịch Tân Hoàng Minh hầu tòa

Hôm nay, chủ tịch Tân Hoàng Minh hầu tòa

(PLO)- Cáo trạng xác định có hơn 6.600 khách hàng đã ký hợp đồng đầu tư trái phiếu, hợp đồng chuyển nhượng và bị Tập đoàn Tân Hoàng Minh chiếm đoạt 8.600 tỉ đồng.