Bị cướp nhưng không báo công an, có bị xử lý?

Mới đây, ông Lê Hoàng Phong (Giám đốc Xí nghiệp Điện nước huyện Chợ Mới, An Giang) đang chạy xe tay ga trên đường thì bị hai người đàn ông chặn cướp xe. Sau đó ông Phong về nhà mà không trình báo sự việc với cơ quan công an. Đối tượng cướp đem xe của ông Phong lên Đồng Nai để bán nhưng không xong. Cuối tháng 4, đối tượng đem xe về nhà ở Chợ Mới để chờ bán. Thấy xe lạ, cha ruột của đối tượng đã gặng hỏi rồi trình báo công an. Sau khi tiếp nhận thông tin, công an huyện tiến hành điều tra, tạm giữ hai đối tượng cướp xe, thông báo tìm nạn nhân và phát hiện ra người bị hại là ông Phong.

Trả lời báo chí, ông Trương Trung Lập, Chủ tịch UBND huyện Chợ Mới, cho biết có thể ông Phong bị kỷ luật về việc… bị cướp mà không báo công an. Theo đó sau khi công an huyện hoàn thành hồ sơ vụ án và có kiến nghị với UBND huyện thì cơ quan này sẽ căn cứ vào quy định pháp luật, quy định về tổ chức Đảng sẽ xem xét việc có kỷ luật ông Phong hay không.

Trước sự kiện pháp lý khá hy hữu này, nhiều ý kiến cho rằng không có cơ sở xem xét xử lý ông Phong cả về mặt hình sự lẫn hành chính.

Luật sư (LS) Trần Văn Hiếu (Văn phòng LS Người Nghèo, đoàn LS TP.HCM) cho rằng tố giác về tội phạm là quyền, có trường hợp là nghĩa vụ của công dân. Quyền thì có thể làm hoặc không, còn nghĩa vụ thì phải thực hiện. Tuy nhiên, tùy từng trường hợp cụ thể nếu không thực hiện nghĩa vụ cũng có thể bị xử lý.

Theo khoản 1 Điều 3 Thông tư liên tịch số 06/2013 giữa Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ NN&PTNT và VKSND Tối cao thì tố giác tội phạm là những thông tin về hành vi có dấu hiệu tội phạm do cá nhân có danh tính, địa chỉ rõ ràng… Trong vụ này, ông Phong không biết rõ về hai tên cướp nên không có nghĩa vụ tố giác tội phạm. Đây còn là quyền của ông Phong nên ông có quyền báo công an hoặc không. “Không ai bị xử lý khi thực hiện cái quyền của mình mà luật pháp cho phép” - LS Hiếu nói.

Cũng theo LS Hiếu, kể cả trong trường hợp kết luận điều tra công an có kiến nghị UBND huyện xử lý ông Phong về mặt hành chính thì cũng không có cơ sở. Bởi chiếc xe máy không phải là tài sản của Nhà nước hoặc tổ chức, ông không vi phạm việc quản lý tài sản công cộng. Bản thân ông Phong là người bị mất tài sản nên có quyền báo công an hoặc không.

TS Lê Minh Hùng (giảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM) phân tích: Theo Điều 1, Điều 9 và Điều 12 BLDS thì ông Phong có quyền tự do định đoạt tài sản là chiếc xe máy của mình. Việc ông Phong không đi trình báo thì đó là quyền của ông ấy chứ không phải là nghĩa vụ. Có thể vì lý do khác như chưa có thời gian trình báo, không rõ người cướp là ai, bị uy hiếp hoặc ngại việc công an mời nhiều lần nên ông Phong không báo. TS Hùng nói: “Nếu xử lý ông Phong thì chẳng lẽ những nạn nhân bị hiếp dâm mà không đi tố giác cũng bị xem xét hay sao? Tôi cho rằng không có cơ sở nào để xem xét về hình sự hoặc xử lý kỷ luật về mặt hành chính đối với ông Phong”.

Tội không tố giác tội phạm

Người nào biết rõ một trong các tội phạm được quy định tại Điều 313 của bộ luật này đang được chuẩn bị, đang hoặc đã được thực hiện mà không tố giác thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm. (Trích khoản 1 Điều 314 BLHS)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm