Bị hoãn giao nhà trúng đấu giá phút 89

Tháng 12-2015, ông Hồ Tấn Phụng (ngụ xã Đại Minh, Đại Lộc, Quảng Nam) mua trúng đấu giá tài sản là nhà đất tại cụm khu công nghiệp khu 5 (thị trấn Ái Nghĩa, Đại Lộc). Đây là tài sản của một người thế chấp tại ngân hàng, sau đó bị phát mại.

Điện thoại, công văn phô tô... can thiệp

Ngày 22-2, Chi cục Thi hành án (THA) dân sự huyện Đại Lộc đã ra quyết định cưỡng chế bàn giao tài sản cho gia đình ông Phụng.

8 giờ sáng 2-3, khi Chi cục THA huyện đang tiến hành thủ tục cưỡng chế bàn giao tài sản cho gia đình ông Phụng thì VKSND huyện Đại Lộc yêu cầu hoãn cưỡng chế với lý do là có điện thoại của Viện trưởng VKSND cấp cao tại Đà Nẵng yêu cầu hoãn THA để xem xét kháng nghị giám đốc thẩm bản án.

Sau đó, 9 giờ 45 phút sáng cùng ngày, Chi cục THA huyện nhận được Công văn số 40 (bản phôtô) của VKSND cấp cao tại Đà Nẵng ký. Năm ngày sau, chi cục nhận được công văn có dấu đỏ qua đường bưu điện.

Ông Phụng rất bức xúc và khiếu nại vì tiền đã bỏ ra mà nhà đất thì không được giao. Ông nói: “Gia đình tôi gom góp, bán hết nhà đất cũ, đi vay nợ thêm mới đủ 2,6 tỉ đồng để mua đấu giá nhà đất này theo đúng trình tự, thủ tục. Nay chỉ vì yêu cầu của VKS mà chúng tôi chưa nhận được tài sản, phải đi ở trọ trong một khu tập thể cũ”...

Cơ quan THA không dám làm khác

Trong khi đó, phía Chi cục THA huyện cũng rất lúng túng. Theo đại diện Chi cục THA huyện, khoản 2 Điều 103 Luật THA dân sự (sửa đổi, bổ sung năm 2014) quy định rõ: “Trường hợp người mua được tài sản bán đấu giá đã nộp đủ tiền mua tài sản bán đấu giá nhưng bản án, quyết định bị kháng nghị, sửa đổi hoặc bị hủy thì cơ quan THA dân sự tiếp tục giao tài sản, kể cả thực hiện việc cưỡng chế THA để giao tài sản cho người mua được tài sản bán đấu giá, trừ trường hợp kết quả bán đấu giá bị hủy theo quy định của pháp luật hoặc đương sự có thỏa thuận khác”. Ngoài ra, khoản 3 Điều 27 Nghị định 62/2015 của Chính phủ cũng quy định tổ chức, cá nhân cản trở, can thiệp trái pháp luật dẫn đến việc chậm giao tài sản bán đấu giá gây thiệt hại thì phải bồi thường.

Căn nhà và khu đất mà gia đình ông Phụng trúng đấu giá. Ảnh: LÊ PHI

Vì vậy, Chi cục THA huyện Đại Lộc đã đề nghị chủ tịch UBND huyện này chỉ đạo các ngành phối hợp với chi cục để tổ chức bàn giao tài sản cho gia đình ông Phụng. Cạnh đó, chi cục cũng làm văn bản gửi các cơ quan của tỉnh, kể cả VKSND cấp cao tại Đà Nẵng để xin ý kiến cưỡng chế thi hành nhưng đến nay chưa được hồi âm.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về việc tại sao không tiếp tục chủ động cưỡng chế bởi Luật THA dân sự (sửa đổi, bổ sung năm 2014) đã quy định rõ về việc giao tài sản bán đấu giá cho người mua trúng đấu giá đã nộp đủ tiền, ông Phan Quốc Tuấn (Chi cục trưởng Chi cục THA huyện Đại Lộc) cho hay: “Mình là cơ quan chịu sự giám sát của VKS, có nghĩa là cấp dưới không thể phản ứng được cấp trên nên đành tạm hoãn. Bây giờ phải chờ văn bản trả lời của họ”.

Mặt khác, theo ông Tuấn, Chi cục THA huyện cũng không thể tự tổ chức cưỡng chế giao nhà đất cho gia đình ông Phụng vì theo quy định thì phải có đại diện VKS cùng cấp tham gia để giám sát về mặt pháp luật. VKS không tham gia thì việc cưỡng chế phải ngưng lại. “Đây là cưỡng chế giao nhà, nếu không có người giám sát mà cái ông bị cưỡng chế nói nhà bị mất tài sản thì ai chịu trách nhiệm. Cái khó là ở chỗ đó” - ông Tuấn nói.

Viện trưởng VKS cấp cao: “Chờ vài ngày nữa”

Ông Phan Văn Sơn (Viện trưởng VKSND cấp cao tại Đà Nẵng) lý giải rằng ông ký văn bản hoãn THA để có thời gian xem xét kiến nghị bản án theo thủ tục giám đốc thẩm theo kiến nghị của người bị phát mại tài sản. Ông đã làm đúng thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều 48 Luật THA dân sự (sửa đổi, bổ sung năm 2014).

Trả lời câu hỏi vì sao lại ra quyết định hoãn THA vào thời điểm cơ quan THA đã bán đấu giá xong, là lúc quyền lợi của người mua trúng đấu giá được bảo vệ theo Điều 103 Luật THA dân sự (sửa đổi, bổ sung năm 2014), ông Sơn nói: “Giai đoạn đó tôi không biết bởi vì khi có đơn người ta nói là sắp bị cưỡng chế, nếu VKS không yêu cầu thì người ta cưỡng chế thi hành mất. Nếu sau này có xét xử giám đốc thẩm nữa thì khắc phục rất là khó”.

Ông Sơn cho biết thêm: “Chúng tôi đã nhận được công văn của Chi cục THA huyện Đại Lộc về diễn biến sự việc. Nhưng thế này, tụi tui ý định là chờ khi tòa chuyển hồ sơ lên mà đúng như đơn của người đề nghị giám đốc thẩm là tạm dừng, còn không đúng như đơn là chúng tôi yêu cầu thực hiện cưỡng chế ngay. Đang chờ một vài ngày nữa, vừa rồi có công văn trả lời cơ quan THA rồi để giải quyết hài hòa quyền lợi cho hai bên”.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin khi vụ việc có diễn tiến mới.

Luật còn kẽ hở, cần hướng dẫn cụ thể

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, nhiều chấp hành viên, chuyên gia pháp luật nhận xét quy định về bảo vệ quyền của người mua tài sản bán đấu giá theo khoản 2 Điều 103 Luật THA dân sự (sửa đổi, bổ sung năm 2014) là rõ ràng nhưng lại thiếu cơ chế thực hiện.

Theo một chấp hành viên Cục THA TP.HCM (đề nghị không nêu tên), Luật THA dân sự (sửa đổi, bổ sung năm 2014) đã bổ sung quy định bảo vệ quyền của người mua tài sản bán đấu giá nhưng lại không sửa đổi các quy định khác có liên quan, đặc biệt là thẩm quyền hoãn THA của người có thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm. Lẽ ra để phù hợp với quy định mới này, luật cần quy định rõ là sau khi người mua được tài sản bán đấu giá đã nộp đủ tiền mua tài sản bán đấu giá thì người có thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm không có quyền ra quyết định hoãn THA nữa. Tuy nhiên, luật lại để trống chỗ này, dẫn đến việc người có thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm ra quyết định hoãn THA vào thời điểm cưỡng chế giao nhà bán đấu giá cũng không sai. Bởi theo khoản 2 Điều 48, chừng nào việc THA chưa xong thì người có thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm vẫn còn quyền ra quyết định hoãn THA.

“Bản thân tôi từng gặp trường hợp tương tự và tôi cũng chọn cách dừng việc giao tài sản để tránh hậu quả pháp lý đáng tiếc về sau” - vị chấp hành viên này cho biết.

TS Nguyễn Văn Tiến (Trường ĐH Luật TP.HCM) bổ sung: Một khó khăn nữa của cơ quan THA là một khi người có thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm đã yêu cầu hoãn THA để xem xét kháng nghị theo thẩm quyền thì VKS cấp dưới không dám làm trái và sẽ không tham gia việc cưỡng chế giao tài sản. Khi ấy việc cưỡng chế bàn giao cũng không thực hiện được vì thiếu đại diện VKS. “Cần có văn bản hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền về vướng mắc này” - TS Tiến nói.

T.TÙNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm