Bị khởi tố vì... chưa trả được nợ

Sau ngày 19-12-2014, được tại ngoại điều tra do đang có thai, bà Ngô Minh Chiến (ngụ thị xã Đồng Xoài, Bình Phước) liên tục làm đơn kêu cứu gửi các cơ quan ban ngành. Theo bà, cơ quan điều tra đã khởi tố, bắt giam bà không đúng luật và có hiện tượng hình sự hóa một quan hệ dân sự.

Chỉ là chuyện nợ nần vẫn nhào vô khởi tố

Ngày 24-11-2014, Công an tỉnh Bình Phước đã khởi tố vụ án lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Hai ngày sau, công an bắt tạm giam bà Chiến tại Công ty TNHH MTV PKĐK Tâm Đức nơi bà đang kinh doanh để điều tra về tội danh trên. Theo cơ quan công an, bà Chiến đã lợi dụng chức vụ cán bộ thanh tra Sở Y tế để chiếm đoạt tài sản của ông Nguyễn Văn Tuệ. Trước đó ông Tuệ tố cáo bà Chiến đã chiếm đoạt 2,9 tỉ đồng của ông.

Bà Chiến kể trong quá trình làm việc và lấy lời khai tại cơ quan điều tra, nhiều lần cán bộ điều tra Ngô Quý Hiền đã dùng lời lẽ đe dọa và ép buộc bà nhận tội. “May mà phát hiện tôi đang mang thai nên công an mới cho tôi tại ngoại. Trong quá trình bị giam dù chưa bị kết án mà công an đã xem tôi như tội phạm, dùng những lời lẽ và hành động thô bạo như đập bàn, quát mắng trong quá trình xét hỏi” - bà Chiến kể.


Bà Ngô Minh Chiến đang trình bày vụ việc với phóng viên. Ảnh: NGUYỄN ĐỨC

Bà Chiến còn kể trước khi khởi tố vụ án, công an đã mời bà lên làm việc tại trụ sở, bà có thừa nhận món nợ với ông Tuệ rõ ràng (có ghi âm) nhưng họ vẫn mời tới lui.

Giải trình về món nợ trên, bà Chiến nói bà có mượn tiền ông Tuệ để đáo hạn ngân hàng. Hai bên có ký hợp đồng vay ngày 13-7-2010 với giá trị vay lên đến 9 tỉ đồng, lãi suất 2%/tháng tại phòng công chứng. Sau đó bà có vay bổ sung thêm 400 triệu đồng. Ngày 30-12-2010, hai bên có chốt nợ tạm thời với ông Tuệ 9,4 tỉ đồng tiền gốc và số lãi tạm tính. Đến 25-4-2012, ông Tuệ soạn sẵn bản công nợ là bà còn thiếu ông hơn 3,8 tỉ đồng và 978 triệu đồng tiền lãi. Bà có xác nhận vào bản công nợ này. Sau đó bà vẫn thừa nhận nợ và sẽ thanh toán khi được ngân hàng giải ngân khoản vay 26 tỉ đồng. Tuy nhiên, ngân hàng chỉ mới giải ngân cho bà 10 tỉ đồng nên bà chưa ưu tiên trả cho ông Tuệ. Ông Tuệ là người hỗ trợ bà làm thủ tục và biết rõ quá trình giải ngân.

Bà khẳng định việc vay mượn này là dân sự và không hề có ý định bỏ trốn để thoái thác việc trả nợ. Lý ra công an nên hướng dẫn ông Tuệ kiện dân sự tranh chấp hợp đồng vay tại tòa chứ không phải hình sự hóa quan hệ dân sự này. Vì rõ ràng bà không có hành vi gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản của ông Tuệ và bản thân người đi tố cũng không có bằng chứng xác thực nào cho là bà gian dối. Công an không chứng minh được bà bỏ trốn, chiếm đoạt hoặc không có khả năng trả nợ...

Dấu hỏi lớn

Theo tìm hiểu của phóng viên, trước đó ông Tuệ đã khởi kiện vụ tranh chấp hợp đồng vay với bà Chiến ra tòa nhưng sau đó ông lại rút đơn khởi kiện.

Còn theo bà Chiến, gần đây công an có “gợi ý” bà viết lại giấy nợ mới cho ông Tuệ thì vụ án khép lại. Nhưng bà cho biết theo bà tìm hiểu thì tội danh mà cơ quan tố tụng đã khởi tố theo luật không phải là tội khởi tố, truy tố theo yêu cầu của người bị hại. Và bà đặt dấu chấm hỏi lớn vì sao cơ quan công an sốt sắng bảo vệ ông Tuệ quá mức như vậy, bởi suốt thời gian qua công an cứ mời bà lên làm việc buộc xác định nợ...

Trao đổi với báo Pháp Luật TP.HCM, ông Đoàn Văn Bắc - Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Bình Phước nói: “Quy trình khởi tố, bắt tạm giam bà Ngô Minh Chiến là đúng theo quy định pháp luật. Việc bà Chiến kêu oan đó là quyền của bà Chiến, tuy nhiên quá trình điều tra cho thấy việc phê chuẩn quyết định khởi tố của công an đối với hành vi của bà Chiến là đúng theo luật”.

Liên quan đến vụ án này, một lãnh đạo Công an tỉnh Bình Phước thông tin: Nghiên cứu hồ sơ cho thấy cơ quan điều tra Công an tỉnh Bình Phước đã điều tra, xác minh đầy đủ về hành vi của bà Chiến nên mới đề nghị khởi tố vụ án, khởi tố bị can.

Một lãnh đạo Tỉnh ủy Bình Phước cho biết sẽ đề nghị Ban Nội chính Tỉnh ủy vào cuộc xác minh vụ án trên. Nếu có dấu hiệu oan sai thì cần phải làm rõ, trước mắt cơ quan tố tụng phải làm đúng theo quy định pháp luật. Việc có hình sự hóa vụ việc dân sự hay không cần phải điều tra cẩn thận, làm rõ đầy đủ bản chất của vụ án.

Khi nào phạm tội lạm dụng?

Theo quy định của BLHS hiện hành thì tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (Điều 140) cấu thành khi việc giao và nhận hoàn toàn ngay thẳng dựa trên hợp đồng (vay, mượn, thuê..) và sự tín nhiệm (người quen biết...). Sau khi có được tài sản mới xuất hiện hành vi chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn bỏ trốn hoặc đánh tráo, hoặc gian dối là bị mất…, không trả lại tài sản do không có khả năng hoàn trả vì đã sử dụng vào mục đích bất hợp pháp như đánh bạc, cầm đồ…

Nói cách khác, người chiếm đoạt được tài sản một cách ngay thẳng, hợp pháp thông qua hợp đồng rồi chiếm đoạt một phần hoặc toàn bộ tài sản đó bằng một trong ba cách sau: Dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt, bỏ trốn để không trả lại tài sản hay sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại được tài sản đó.

Nếu không thỏa mãn các phân tích trên thì không thể kết tội bị can, bị cáo về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Thẩm phán PHẠM CÔNG HÙNG, Tòa Phúc thẩm TAND
Tối cao tại TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm