Bị tù vì bảo vệ đất của mình

 “Mảnh đất mà thi hành án (THA) kê biên bán đấu giá vẫn thuộc quyền sử dụng hợp pháp của ông Đồng Khắc Luật. Ông Luật không phạm tội cưỡng đoạt tài sản”. Đó là tuyên bố của TAND huyện Bù Gia Mập (Bình Phước) đối với ông Luật - một người vướng phải vòng lao lý chỉ vì bảo vệ đất và thành quả lao động của mình.

Thi hành án trái pháp luật

Tháng 10-1997, vợ chồng ông Luật ra tòa ly hôn. Không đồng tình với việc phân chia tài sản chung của tòa nên ông Luật kháng cáo. Tháng 6-2000, TAND tỉnh Bình Phước đã hủy phần phân chia tài sản, giao hồsơcho tòa dân sựgiải quyết lại. Tháng 5-2002, TAND tỉnh Bình Phước đã xử sơ thẩm vụ tranh chấp tài sản sau ly hôn, tuyên giao cho ông Luật ba thửa đất rẫy trị giá 62,5 triệu đồng, buộc ông trảcho vợ cũ gần 33 triệu đồng.

Khi án có hiệu lực pháp luật, ông Luật không có tiền trả cho vợ cũ nên ngày 1-3-2004, Phòng THA dân sự tỉnh đã kê biên một thửa đất đang trồng điều (trong số ba thửa đất nêu trong bản án) để bán đấu giá. Tháng 6-2004, một người đã mua trúng đấu giá với giá 62,5 triệu đồng. Tháng 7-2004, người này được cấp chủ quyền rồi chuyển nhượng ngay cho ông Nguyễn Văn Cự với giá 100 triệu đồng.

Ông Luật bị khởi tố, truy tố vì quyết liệt bảo vệ khu vườn điều của mình. Ảnh minh họa: PL

Suốt quá trình THA, cơ quan THA đã không giao quyết định THA, không giao thông báo bán đấu giá đất… cho ông Luật. Vì thếkhi ông Cự cho người vào cắm mốc ranh giới, làm vườn, xịt thuốc thì ông Luật cầm rựa dọa đánh. Đến mùa thu hoạch, ông Cự cho người đến cũng bịông Luật ngăn cản.

Vì ngăn cản ông Cự mà ông Luật bị khởi tố, truy tố (được tại ngoại) về tội cưỡng đoạt tài sản. Tháng 3-2011, xử sơ thẩm lần đầu, TAND huyện Bù Gia Mập đã phạt ông Luật một năm tù, buộc phải giao đất và trả tiền hoa lợi cho ông Cự.

Ông Luật kháng cáo kêu oan. Tháng 12-2011, TAND tỉnh Bình Phước đã tuyên hủy án sơ thẩm vì có nhiều vi phạm như CQĐT điều tra vượt quá phạm vi khởi tố; đã kết thúc điều tra nhưng CQĐT vẫn tự ý tiến hành thêm hoạt động điều tra; định giá không đầy đủ, không phù hợp thực tế...

Tòa: Hình sự hóa tranh chấp dân sự

Tháng 5-2014, tại phiên sơ thẩm lần hai của TAND huyện Bù Gia Mập, đại diện VKS huyện cáo buộc ông Luật đã chiếm giữ đất và cưỡng đoạt hơn 28 triệu đồng giá trị hạt điều từ tháng 12-2004 đến năm 2007 (đã trừ tiền công chăm sóc, tiền thuốc trừ sâu… cho ông Luật).

Ông Luật trình bày: “VKS quy kết tôi cưỡng đoạt là không đúng vì tôi bảo vệ tài sản hợp pháp của mình. Lúc xử chia tài sản, tòa tỉnh đã giao tôi quản lý, sử dụng ba thửa đất. Phòng THA tỉnh đã giao đất cho tôi nhưng khi bán đấu giá thì lại lẳng lặng không cho tôi biết. Đất của tôi thì đương nhiên tôi phải ngăn cản người khác xâm nhập. Đến mùa thu hoạch, chỉ có tôi có quyền thu hoạch. Người khác tự ý vào thu hoạch thì tôi không cho là điều đương nhiên”.

Đại diện VKS vẫn khẳng định ông Luật cưỡng đoạt tài sản của ông Cự vì “đất đã thuộc chủ quyền của người trúng đấu giá. Giấy chứng nhận có giá trị pháp lý vì không bị cơ quan có thẩm quyền hủy bỏ. Tuy ông Cự nhận chuyển nhượng đất bằng giấy tay, chưa làm đầy đủ thủ tục nhưng giao dịch này ngay tình, hợp pháp. Do đó ông Cự mới là người có quyền thu hoạch hoa lợi”...

Tuy nhiên, HĐXX khẳng định “đại diện VKS không chứng minh được các dấu hiệu cơ bản cấu thành tội cưỡng đoạt tài sản”.

HĐXX chỉ ra những vi phạm pháp luật trong quá trình THA: Phòng THA tỉnh không giao quyết định THA, không giao thông báo bán đấu giá cho ông Luật dù đây là những văn bản quan trọng nhất trong quá trình THA theo quy định tại Điều 28 và Điều 34 Pháp lệnh THA năm 1993. Diện tích đất đấu giá bị thay đổi theo từng giai đoạn THA nhưng không có văn bản nào thể hiện việc này: Biên bản kê biên, định giá viết tay ghi thửa đất diện tích 12.000 m2 trong khi biên bản đánh máy ghi thửa đất diện tích gần 12.500 m2. Người trúng đấu giá được cấp chủ quyền 12.415 m2 đất nhưng được bàn giao hơn 12.451 m2 đất.

Tòa nhận định: Quá trình THA trái pháp luật nên việc chuyển giao chủ quyền đất cho người trúng đấu giá không được chấp nhận. Đất vẫn thuộc quyền sử dụng hợp pháp của ông Luật theo một bản án đã có hiệu lực pháp luật.

Cũng theo tòa, theo tinh thần của Điều 135 BLHS thì chỉ cấu thành tội cưỡng đoạt tài sản khi có hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác để chiếm đoạt tài sản. Trường hợp của ông Luật lại khác, ông bảo vệ đất của mình, thành quả lao động của mình chứ không chiếm đoạt đất hay thành quả lao động của ai.

Từ đó tòa khẳng định ông Luật không phạm tội cưỡng đoạt tài sản. Đây rõ ràng là tranh chấp dân sự nhưng đã bị hình sự hóa: Tài sản hợp pháp của ông Luật bị cưỡng chế giao cho người trúng đấu giá trái pháp luật. Rồi người này nhượng lại cho người khác. Khi có tranh chấp thì phải được giải quyết theo trình tự tố tụng dân sự.

Được TAND huyện Bù Gia Mập tuyên vô tội nhưng chuỗi ngày rắc rối của ông Luật vẫn chưa kết thúc vì VKS huyện đã kháng nghị phúc thẩm theo hướng ông có tội. Dự kiến TAND tỉnh Bình Phước sẽ đưa vụ án ra xử phúc thẩm trong tháng 4-2015. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.

“Ông Luật vô tội”!

Quy kết ông Luật cưỡng đoạt tài sản là không có cơ sở vì khi chia tài sản, tòa đã tuyên giao đất cho ông. Như HĐXX sơ thẩm lần hai đã nhận định là do việc THA trái pháp luật nên đất vẫn thuộc quyền sử dụng hợp pháp của ông Luật. Ông có quyền ngăn cản người khác xâm nhập đất, có quyền thu hoạch hoa lợi.

VKS truy tố ông Luật tội cưỡng đoạt tài sản vì có hành vi cầm rựa đe dọa, ngăn cản người của ông Cự vào đất làm vườn theo Điều 135 BLHS. Tuy nhiên, điều luật này quy định nếu ai đó có hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần đối với người khác để nhằm mục đích cuối cùng là chiếm đoạt tài sản thì mới cấu thành tội. Xét về mặt chủ quan, hành vi của ông Luật có động cơ, mục đích là nhằm bảo vệ đất và hoa lợi của mình chứ không phải chiếm đoạt của người khác.

ThS TRẦN THANH THẢO, giảng viên khoa Luật hình sự Trường ĐH Luật TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm