Biên bản nghị án không phải tài liệu mật

Như đã thông tin, mới đây luật sư (LS) Nguyễn Hồng Hà, Đoàn LS tỉnh Khánh Hòa, đã gửi bản kiến nghị yêu cầu chánh án TAND tỉnh này có ý kiến xác định biên bản nghị án của tòa án cấp sơ thẩm có phải là tài liệu mật hay không. trước đó, một thẩm phán TAND tỉnh này không cho LS đọc, sao chụp biên bản nghị án vì cho rằng đây là tài liệu mật của ngành TAND.

Quan điểm HĐXX khác biên bản nghị án

Khoản 2 Điều 1 Quyết định số 30 ngày 8-1-2004 của bộ trưởng Bộ Công an (quy định danh mục bí mật nhà nước độ mật của ngành TAND) quy định: Quan điểm của các thành viên trong HĐXX của các cấp tòa án khi nghị án là tài liệu mật. Vấn đề là hiểu thế nào về quan điểm nghị án của các thành viên trong HĐXX trong thực tiễn xét xử.

Ông Phan Ngọc Nhàn, nguyên Chánh án TAND thị xã Buôn Hồ, Đắk Lắk, cho rằng biên bản nghị án khác biên bản thể hiện quan điểm nghị án của các thành viên trong HĐXX. Cụ thể, trong thực tiễn xét xử sơ thẩm có những tình huống thẩm phán chủ tọa phải lập biên bản ghi nhận quan điểm của các thành viên trong HĐXX. Đó là khi các thành viên trong HĐXX không thống nhất quan điểm về kết quả phiên tòa, thẩm phán chủ tọa phải ghi nhận ý kiến đó lại để báo cáo cấp trên. Tài liệu này không được lưu trong hồ sơ vụ án và được đóng dấu mật (xem thêm ví dụ trong box).

Đồng tình, ông Phạm Công Hùng, nguyên Thẩm phán TAND Tối cao, nhận xét quy định nói trên tại Quyết định 30/2004 của Bộ Công an là không sai, bởi quan điểm của HĐXX khác biên bản nghị án. Quan điểm là ý kiến cá nhân của thành viên HĐXX khi thảo luận, có thể coi là tài liệu mật. Vì nó là bảo vệ bí mật về đường lối xét xử cho đến khi HĐXX ra quyết định. Còn biên bản nghị án là nghị quyết của HĐXX biểu quyết về kết quả phiên tòa sau khi đã thảo luận xong, không ai coi đó là tài liệu mật vì nó nằm trong hồ sơ vụ án, kết quả này sau đó được HĐXX tuyên án công khai.

Biên bản nghị án của tòa sơ thẩm không thể coi là tài liệu mật. Ảnh minh họa: T.TÙNG

Phải đóng dấu mật mới là mật

Về hình thức, một thẩm phán TAND TP.HCM cho biết tài liệu của ngành TAND hay cơ quan hành chính nhà nước được ban hành theo chế độ mật, tối mật hay tuyệt mật đều phải tuân thủ hình thức về tài liệu mật. Cụ thể, quy định này được ghi nhận trong Nghị định số 33/2002 hướng dẫn Pháp lệnh Bảo vệ bí mật Nhà nước.

Khoản 1 Điều 7 Nghị định 33/2002 quy định tài liệu, vật mang bí mật nhà nước tùy theo mức độ mật phải đóng dấu độ mật. Khoản 2 Điều 7 nghị định này nói rõ khi soạn thảo văn bản có nội dung bí mật nhà nước, người soạn thảo văn bản phải đề xuất mức độ mật của từng tài liệu. Người duyệt ký văn bản chịu trách nhiệm quyết định đóng dấu độ mật và phạm vi lưu hành tài liệu.

Như vậy, theo vị thẩm phán này, một tài liệu được coi là mật thì ngoài nội dung còn phải tuân thủ về hình thức là phải có dấu mật trên văn bản, tài liệu ấy. “Khi ban hành, phát hành văn bản, tài liệu mật, người có thẩm quyền phải xác định và đóng dấu (độ) mật lên văn bản, tài liệu ấy ngay từ đầu. Không có chuyện khi không đồng ý cho ai tiếp cận văn bản đó thì nói đây là tài liệu mật, như thế là không đúng quy định” - vị thẩm phán này nói.

Ông Phạm Công Hùng phân tích thêm: Biên bản nghị án vừa không đảm bảo nội dung lẫn hình thức về tài liệu mật nên không thể coi đó là tài liệu mật. Về nguyên tắc, nó nằm trong hồ sơ vụ án, khi bản án bị kháng cáo thì LS được tiếp cận và sao chụp. Vì kháng cáo của đương sự liên quan đến kết quả bản án, mà bản án tuyên trên cơ sở biên bản nghị án. Đây là tài liệu mà LS có thể đối chiếu để đưa ra lập luận của mình.

“Ngoài ra, BLTTDS quy định LS được tiếp cận và sao chụp hồ sơ vụ án, tức là cái gì có trong hồ sơ thì LS được tiếp cận. Cạnh đó, nếu có xung đột về pháp luật thì phải ưu tiên áp dụng luật và nghị định của Chính phủ, Quyết định 30 của Bộ Công an có giá trị thấp hơn các quy định trên” - ông Hùng nói.

Một ví dụ về biên bản đóng dấu mật

Khi tôi còn làm chánh án TAND huyện Buôn Hồ, nay là thị xã Buôn Hồ, Đắk Lắk, tôi từng gặp một ví dụ về sự khác biệt giữa biên bản nghị ánbiên bản thể hiện quan điểm nghị án của các thành viên trong HĐXX. Lần đó, tôi ngồi ghế chủ tọa xét xử sơ thẩm một bị cáo nguyên là chủ tịch xã lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt 40 triệu đồng của người dân. Do bị cáo này là người dân tộc thiểu số nên Huyện ủy Buôn Hồ có ý kiến rằng chỉ nên phạt cảnh cáo bị cáo này cũng đủ sức răn đe.

Tuy nhiên, khi nghị án, hai hội thẩm nhân dân không đồng ý mức phạt này mà yêu cầu phải phạt bị cáo cải tạo không giam giữ mới đúng luật. Sau khi thuyết phục không được, tôi phải lập biên bản ghi nhận ý kiến của các thành viên HĐXX. Biên bản này được chánh án (là tôi) đóng dấu mật và không được đánh dấu bút lục trong hồ sơ vụ án. Tất nhiên, cuối cùng tôi phải tuyên án theo ý kiến đa số trong biên bản nghị án, tức phạt bị cáo cải tạo không giam giữ.

Từ biên bản ghi nhận ý kiến các thành viên HĐXX (đóng dấu mật) nói trên, tôi đã báo cáo cho Huyện ủy và kiến nghị VKSND cùng cấp kháng nghị bản án theo hướng tuyên bị cáo hình phạt cảnh cáo. Kết quả là TAND tỉnh đã chấp nhận kháng nghị này.

PHAN NGỌC NHÀN, nguyên Chánh án
TAND thị xã Buôn Hồ, Đắk Lắk

Thẩm phán nói mật, lãnh đạo bảo không

LS Nguyễn Hồng Hà nhận bảo vệ cho nguyên đơn trong một vụ tranh chấp di sản thừa kế, đang được TAND tỉnh Khánh Hòa giải quyết phúc thẩm. Để chuẩn bị tham gia tố tụng trong phiên tòa phúc thẩm tới, LS Hà đăng ký đọc và sao chụp hồ sơ vụ kiện nhưng biên bản nghị án của tòa án cấp sơ thẩm thì LS không được sao chụp. LS thắc mắc thì thẩm phán trực tiếp giải quyết vụ án nói đây là tài liệu mật của ngành TAND, việc đánh giá tính hợp pháp của biên bản này thuộc thẩm quyền của VKS và HĐXX phúc thẩm.

Trong khi đó, trao đổi với báo Pháp Luật TP.HCM, phó chánh án TAND tỉnh này khẳng định biên bản nghị án là một tài liệu trong vụ án, LS đương nhiên được tiếp cận.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm