Bỏ hòa giải trong tranh chấp đất đai?

Một ví dụ đã được đưa ra mổ xẻ: Năm 2010, bà L. mua một mảnh đất, đã làm thủ tục giấy tờ xong nhưng đến “phút 89” thì người bán không giao nhà như cam kết nên bà khởi kiện ra TAND một quận tại TP.HCM. Tòa này không thụ lý mà ra thông báo trả lại đơn kiện của bà với lý do “không đủ điều kiện khởi kiện vì chưa có biên bản tiến hành hòa giải tại UBND phường nơi có nhà, đất tranh chấp”.

Có làm khó đương sự?

Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu (Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM), việc tòa yêu cầu đương sự phải hòa giải ở cơ sở mới thụ lý đơn như trên đã vô tình làm khó cho đương sự. Trong quá trình tác nghiệp, giới luật sư có cảm giác rằng hễ tranh chấp nào mà có liên quan đến đất đai thì y như rằng các tòa đều yêu cầu phải qua thủ tục hòa giải ở cơ sở cho an tâm.

Trao đổi lại, Thẩm phán Lại Văn Trình (Chánh án TAND quận 10, TP.HCM) cho rằng nhiều khi yêu cầu phải qua hòa giải của tòa lại đảm bảo được quyền lợi hợp pháp, chính đáng của các đương sự. Chẳng hạn trong một vụ ly hôn, phần ly hôn không sao nhưng nếu dính đến tranh chấp một mảnh đất chung thì bắt buộc phải có biên bản hòa giải tại cơ sở. Bởi lẽ quyền sử dụng mảnh đất này có thể không chỉ của riêng hai vợ chồng mà còn liên quan đến nhiều người khác. Hơn nữa, nếu ở cấp cơ sở mà hòa giải thành thì các đương sự sẽ không phải mất công, mất sức kéo nhau ra tòa.

Bỏ hòa giải trong tranh chấp đất đai? ảnh 1

Dưới góc độ lý luận, ThS Hoàng Thị Biên Thùy (khoa Luật thương mại ĐH Luật TP.HCM) nhận xét khái niệm về các dạng tranh chấp đất đai hiện chưa được pháp luật giải thích rõ nên mỗi nơi áp dụng một kiểu. Chẳng hạn, trong nội bộ Tòa Dân sự TAND TP.HCM cũng có hai quan điểm khác nhau khi xem xét những loại tranh chấp đất đai nào thì bắt buộc phải qua hòa giải. Có người nói tất cả các loại tranh chấp đất đai trước khi khởi kiện đều phải qua hòa giải ở cấp xã nhưng cũng có người bảo chỉ tranh chấp về quyền sử dụng đất mới cần, các loại tranh chấp khác thì đương sự cứ việc kiện thẳng ra tòa.

Nên bỏ hay giữ?

Xung quanh việc bỏ hay giữ thủ tục hòa giải ở cơ sở trong tranh chấp đất đai, phía ủng hộ giữ lập luận rằng nếu UBND cấp xã hòa giải thành thì sẽ giảm áp lực cho ngành tòa án. Hòa giải cũng tạo điều kiện cho các bên được thực hiện quyền của mình, thông qua hòa giải người ta có thể đối thoại với nhau, không chỉ trên phương diện luật pháp mà cả phương diện tình cảm vì quan niệm “còn nước còn tát”. Do đó nên ghi nhận đây là một quy trình tố tụng trước khi đưa nhau ra tòa.

Phía phản đối thì cho rằng hòa giải chỉ là hình thức, tạo thêm gánh nặng cho địa phương. Bản thân chính quyền địa phương thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước đã quá tải mà phải kiêm thêm khâu hòa giải sẽ không ổn. Trong khi tâm lý người dân là muốn ra tòa để giải quyết tranh chấp chứ không ra phường, xã; khi ấy việc hòa giải ở cơ sở sẽ làm chậm quá trình tố tụng.

Theo ThS Trần Thị Thu Hà (khoa Luật hành chính ĐH Luật TP.HCM), chỉ nên quy định những tranh chấp về quyền sử dụng đất mới cần phải hòa giải, còn các tranh chấp khác liên quan đến đất đai (thừa kế, tài sản chung...) thì không cần.

Còn theo bà Lại Thị Ánh Nguyệt (Sở Tư pháp tỉnh Đồng Tháp), chỉ nên khuyến khích việc hòa giải khi có yêu cầu của đương sự chứ không nên bắt buộc. Vì hòa giải thực chất chỉ là một buổi các đương sự ngồi lại nói chuyện với nhau, có lập biên bản nhưng nếu đương sự không thi hành thì cũng chẳng sao. Mặt khác, hiện Ban hòa giải cấp xã do trưởng ban Tư pháp hoặc chủ tịch UBND làm trưởng ban; tổ hòa giải khóm, ấp thì trưởng ấp đứng đầu, thể hiện hoạt động này đã bị hành chính hóa. Điều này khiến người tham gia hòa giải không nâng cao tính tự nguyện, trong khi tranh chấp đất đai vốn rất phức tạp và người dân có tâm lý cứ phải ra tòa mới xong. Đó là chưa kể khi UBND cấp xã yêu cầu, người dân không lên hòa giải, tranh chấp bị kéo dài làm một bên đương sự có thể mất quyền khởi kiện vì hết thời hiệu...

TP.HCM: Năm 2011, hòa giải thành 4.099 vụ tranh chấp

Theo thống kê đến hết năm 2011, tại TP.HCM có 14.460 tổ hòa giải cơ sở và 40.940 hòa giải viên (trình độ trên đại học 676 người; đại học, cao đẳng 2.968, trung cấp 1.917 người...).

Tính riêng trong năm 2011, các tổ hòa giải cơ sở ở TP đã hòa giải được 7.092 vụ tranh chấp, trong đó có 4.099 vụ hòa giải thành. Qua hòa giải, các bên đương sự tự nguyện trả cho nhau hơn 468 tỉ đồng, 56,3 lượng vàng, 1.600 USD, 18.637 m2 đất, sáu căn nhà...

Hòa giải: Nhiều cái lợi!

Việc hòa giải ở cơ sở là cần thiết trong bối cảnh ngày càng có nhiều tranh chấp phải giải quyết. Nó cũng phù hợp bởi mong muốn hòa giải thành là nhu cầu trong văn hóa ứng xử của người Việt nói chung. Nó còn là một trong bốn phương thức giải quyết tranh chấp được thế giới thừa nhận. Về kinh tế, nó có lợi cho Nhà nước vì tiết kiệm chi phí tổ chức hòa giải, giảm gánh nặng cho ngành tòa án. Hòa giải có lợi cho xã hội vì tạo bình yên trong cuộc sống vì về nguyên tắc, hòa giải coi như không ai thắng, không ai thua, có lợi cho các bên tranh chấp về cả tinh thần và vật chất.

PGS-TS NGUYỄN THỊ HOÀI PHƯƠNG, Phó Trưởng khoa Luật dân sự ĐH Luật TP.HCM

Khó khăn về nhân sự

Theo tôi, công tác hòa giải tranh chấp đất đai nói chung còn gặp nhiều khó khăn. Người có uy tín trong cộng đồng thường là những người phải làm nhiều việc chuyên môn, bận rộn, không có thời gian tham gia công tác hòa giải, thường kiêm nhiệm chức vụ là chủ yếu. Trong khi những người có nhiều thời gian, có lòng nhiệt tình thì thiếu kinh nghiệm, kiến thức pháp luật chưa cao, vì vậy cũng không tạo được uy tín trong người dân. Ngoài ra, quy định về tiền bồi dưỡng cho hòa giải viên còn thấp, chưa thực sự thu hút được những người có khả năng, có tâm tham gia công tác hòa giải.

Luật sư NGUYỄN VĂN HẬU, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM

THANH TÙNG - HÀ PHƯƠNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm