Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội sẽ không có chế tài?

Ngày 18-12, Pháp Luật TP.HCM đã mang các ý kiến này trao đổi với đại diện đơn vị soạn thảo bộ quy tắc là ông Đỗ Quý Vũ (Phó Viện trưởng Viện Chiến lược thông tin và truyền thông, Bộ TT&TT).

Theo ông Vũ, trong dự thảo đề án đã thể hiện quan điểm không coi MXH là mạng ảo, mà đối xử với nó như xã hội, như thực tế. Những điều diễn ra trên MXH với những thứ ở ngoài đời thật về cơ bản tương đồng, chỉ khác là ở phương thức. Ở ngoài xã hội, các hành vi của con người bị điều chỉnh bởi các văn bản quy phạm pháp luật. Nhưng cũng có hành vi được điều chỉnh bằng các quy tắc, đạo đức, liên quan đến truyền thống tốt đẹp, hay còn gọi là quy tắc “mềm”.

Ứng xử trên MXH cũng đã có các văn bản quy phạm pháp luật có chế tài xử lý. Nhưng cho dù các quy định đó chặt chẽ và đầy đủ đến đâu thì các hành vi xấu vẫn luôn tồn tại. Việc quản lý nhà nước để đưa ra quy định luôn phải dựa vào thực tế, nhưng thực tế trong mảng công nghệ thông tin phát triển rất nhanh, các quy định phải chạy theo. Không chỉ ở Việt Nam mà nhiều quốc gia khác để quản lý được MXH thì quy định đều phải chạy theo.

Vì thế, theo ông Vũ, cạnh những quy định “cứng” của pháp luật thì cần phải có những quy định “mềm” để bổ sung. Đó là những chuẩn mực về đạo đức, về ứng xử, để khuyến khích, thúc đẩy những giá trị tốt đẹp của con người nói chung và trong cộng đồng mạng nói riêng. Đó là những hướng dẫn để mọi cá nhân, tổ chức tham gia MHX ứng xử một cách tôn trọng nhau hơn. “Do đó bộ quy tắc này không mang tính chế tài đối với việc đánh giá công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan nhà nước, việc đánh giá này sẽ nằm trong các quy định khác về đánh giá cán bộ, công chức, viên chức” - ông Vũ nói.

Cũng theo ông Vũ, thực tế MXH có nhiều mặt tích cực và tiêu cực. Những cái xấu và tiêu cực trên MXH không bao giờ triệt tiêu, xóa bỏ được mà chỉ nâng cao hiệu quả, giúp cho các hành vi, các hoạt động trên MXH hướng đến điều tốt nhiều hơn và tránh xa cái xấu. Hiện nay chưa có chế tài nào quy định việc ứng xử trên MXH của công chức, viên chức, người lao động. Do đó, việc đề xuất đề án này xuất phát từ mục tiêu quản lý cán bộ, công chức, viên chức ở trên MHX và học tập kinh nghiệm của các nước như Anh, Canada, Trung Quốc, Butan...

Phạm vi bộ quy tắc này mới chỉ mang tính chất khung và hướng dẫn cho các nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng. Do vậy, công chức, viên chức, người lao động cần tuân thủ các quy định của nhà cung cấp dịch vụ MXH và chịu sự điều chỉnh ở rất nhiều văn bản khác.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm