Bốn lần, tòa viện cãi nhau

Ngày 7-4, TAND TP.HCM xử phúc thẩm lần hai đã tiếp tục hủy án vụ Trình Văn Đỏ, Hoàng Văn Thiệp cùng năm đồng phạm chiếm đoạt tài sản, giao hồ sơ về cho cấp sơ thẩm điều tra, xét xử lại từ đầu cho đúng tội danh. Tòa đồng tình với đại diện VKSND TP.HCM tại phiên xử là bảy bị cáo đã phạm tội nghiêm trọng hơn tội cưỡng đoạt tài sản mà cáo trạng truy tố.

Hai lần đánh, uy hiếp nạn nhân để lấy tiền

Theo hồ sơ, Thiệp là giám đốc Công ty TNHH Tư vấn Xây dựng Hoàng Hiệp (trụ sở ở phường Linh Tây, quận Thủ Đức). Đỏ là con rể Thiệp, phụ trách hoạt động thu mua phế liệu (sắt, da, vải vụn…) cho công ty. Trong quá trình hoạt động, Thiệp, Đỏ và đồng bọn đã hai lần dùng vũ lực uy hiếp chiếm đoạt tiền của người khác.

Vụ thứ nhất, do công ty của Thiệp và công ty của anh Văn Đình Tuấn cùng thu mua phế liệu tại một công ty giày ở quận 9, tháng 7-2011, Đỏ đã thỏa thuận với anh Tuấn là nếu bên nào lấy hàng sẽ chia lại lợi nhuận cho bên kia và anh Tuấn đồng ý. Sau đó, nhằm buộc anh em anh Tuấn phải đưa tiền mới được mua hàng, Đỏ gọi điện thoại kêu đồng bọn xuống công ty giày ngăn cản không cho anh Tuấn mua hàng.

Tại đây, nhóm của Đỏ phát hiện hai xe máy của anh em anh Tuấn nên chặn đầu xe, xông đến tát vào mặt anh Tuấn. Anh Tuấn bỏ chạy thì nhóm này xông vào dùng tay, chân, gậy sắt đem theo đánh người còn lại. Lúc này, Đỏ xuống đến nơi và gọi điện thoại cho anh Tuấn quay lại. Do sợ nhóm của Đỏ tiếp tục đánh, anh Tuấn không dám quay lại. Đỏ buộc người còn lại phải đem xe vào công ty giày cân để kiểm tra khối lượng hàng mà hai người mua được. Sau khi xác định hai anh lời khoảng 50 triệu đồng, Đỏ buộc phải đưa cho Đỏ một nửa (25 triệu đồng). Sợ bị đánh nên nạn nhân đã đồng ý. Đỏ lấy tiền chia cho đồng bọn rồi cùng nhau tiêu xài.

Vụ thứ hai, tháng 10-2011, Thiệp biết anh Phan Viết Hải thu mua sắt thép phế liệu tại một công trình trên đường Nguyễn Huệ (quận 1) nên nói Đỏ gọi điện thoại hẹn anh này ra quán cà phê ở quận Bình Tân để nói chuyện. Tại đây, nhóm này đã dùng tay đánh vào đầu và bụng anh Hải, rồi Thiệp buộc anh Hải phải đưa 100 triệu đồng. Cuối cùng, anh Hải phải giao 20 triệu đồng cho nhóm Thiệp chia nhau tiêu xài. Ngoài ra một người trong nhóm còn giật bóp của anh Hải chiếm đoạt 1,5 triệu đồng.

Cưỡng đoạt hay cướp?

Sau đó, Thiệp, Đỏ và năm đồng phạm bị khởi tố, truy tố về tội cưỡng đoạt tài sản (Điều 135 BLHS).

Xử sơ thẩm lần đầu, TAND quận 9 nhận định bảy bị cáo phạm tội cướp tài sản (Điều 133 BLHS) chứ không phải tội cưỡng đoạt tài sản. Tuy nhiên, do Điều 196 BLTTHS quy định tòa án chỉ có thể xét xử bị cáo về một tội khác bằng hoặc nhẹ hơn tội mà VKS đã truy tố nên dù nhận định như trên, tòa vẫn phải kết án bảy bị cáo về tội cưỡng đoạt tài sản (tội cướp tài sản là tội nặng hơn - NV). Bản án này sau đó đã bị TAND TP xử phúc thẩm lần đầu hủy để điều tra, xét xử lại vì cho rằng bảy bị cáo phạm tội cướp tài sản.

Sau đó, VKSND quận 9 vẫn cương quyết chỉ truy tố bảy bị cáo về tội cưỡng đoạt tài sản. Xử sơ thẩm lần hai, TAND quận 9 tiếp tục khẳng định: Trong cả hai lần phạm tội, các bị cáo đều dùng thủ đoạn sử dụng số đông để uy hiếp, sử dụng vũ lực (dùng tay, gậy sắt đánh vào cơ thể người bị hại) để tấn công phủ đầu làm cho người bị hại tê liệt ý chí kháng cự, sau đó khống chế buộc người bị hại phải giao tiền cho các bị cáo chiếm đoạt ngay tại chỗ.

Mặt khác, trong dấu hiệu khách quan của tội cưỡng đoạt tài sản thì không có dấu hiệu đã sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực ngay tức khắc như tội cướp tài sản mà sự đe dọa dùng vũ lực trong tội cưỡng đoạt tài sản là có khoảng về thời gian nhất định giữa hành vi đe dọa và hành vi sử dụng vũ lực. Do đó đã có đầy đủ cơ sở kết luận các bị cáo phạm tội cướp tài sản (Điều 133 BLHS).

HĐXX cũng cho biết đã từng hai lần trả hồ sơ vụ án yêu cầu truy tố các bị cáo về tội cướp tài sản nhưng không được VKS quận chấp thuận. Do giới hạn xét xử nên dù nhận định các bị cáo phạm tội cướp tài sản, HĐXX vẫn phải kết án họ về tội cưỡng đoạt tài sản như VKS truy tố và phạt Đỏ ba năm sáu tháng tù, Thiệp hai năm sáu tháng tù, năm bị cáo còn lại từ một năm ba tháng 22 ngày tù đến ba năm tù. Tuy nhiên, ngay trong bản án, HĐXX đã kiến nghị tòa cấp phúc thẩm và tòa cấp giám đốc thẩm có ý kiến về việc không truy cứu các bị cáo về tội cướp tài sản...

Làm sao để có điểm dừng?

Như vậy, sau bốn phiên tòa, vụ án đã quay trở lại điểm xuất phát. Nếu tình hình này tiếp tục lặp lại, VKS và tòa không thống nhất được về tội danh của các bị cáo thì vụ án sẽ không có điểm dừng: VKS truy tố, tòa sơ thẩm kết án theo tội danh truy tố của VKS, tòa phúc thẩm hủy án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại...

Giải pháp nào để tháo gỡ bất cập này? Luật sư Bùi Quang Nghiêm, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM, cho rằng cần sửa đổi lại giới hạn xét xử trong BLTTHS hiện hành. “Tòa án là cơ quan xét xử nhưng lại không được xác định tội danh đúng mà phải phụ thuộc vào VKS là quá vô lý. Theo tôi, luật nên sửa đổi theo hướng VKS chỉ truy tố hành vi phạm tội, còn việc xem xét định tội danh cho hành vi đó giao cho tòa sơ thẩm quyết định qua quá trình tranh tụng tại phiên xử. Sau đó, cấp phúc thẩm sẽ xem xét lại nếu có kháng cáo, kháng nghị” - luật sư Nghiêm đề xuất.

Nhiều thẩm phán cũng đồng tình với quan điểm của luật sư Nghiêm bởi họ cho rằng việc quy định giới hạn xét xử như BLTTHS hiện hành là bó buộc tòa án.

Giới hạn của việc xét xử

Tòa án chỉ xét xử những bị cáo và những hành vi theo tội danh mà VKS truy tố và tòa án đã quyết định đưa ra xét xử.

Tòa án có thể xét xử bị cáo theo khoản khác với khoản mà VKS đã truy tố trong cùng một điều luật hoặc về một tội khác bằng hoặc nhẹ hơn tội mà VKS đã truy tố.

(Theo Điều 196 BLTTHS 2003)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm