Bớt phạt tù, tăng phạt tiền với tội kinh tế

Luật sư Phan Thông Anh (trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam) nhận xét dự thảo BLHS (sửa đổi) bổ sung hình phạt cải tạo không giam giữ và phạt tiền (hình phạt chính) trong nhiều loại tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, môi trường là cần thiết. Bởi lẽ việc này sẽ giúp tăng thu ngân sách, giảm chi phí giam giữ, phù hợp chính sách pháp luật hình sự nhân đạo, đảm bảo quyền con người...

Khắc phục được hậu quả

Luật sư Hà Hải (Đoàn Luật sư TP.HCM) cũng ủng hộ mở rộng phạm vi áp dụng hình phạt tiền là hình phạt chính đối với các loại tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng do lỗi vô ý trong lĩnh vực kinh tế và môi trường. Theo ông, đối với loại tội phạm này thì người phạm tội không cố ý gây ra hậu quả nên không cần cách ly khỏi xã hội mà nên thay thế bằng hình phạt tiền. Như vậy vừa giáo dục, vừa răn đe, vừa khắc phục được hậu quả do hành vi phạm tội gây ra.

Bổ sung, luật sư Nguyễn Văn Hồng (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng với tội phạm kinh tế, nếu cho nộp tiền thay án tù thì người phạm tội có điều kiện tiếp tục cống hiến để làm ra các giá trị kinh tế.“Chính sách này nhân bản hơn. Nhà nước sẽ giảm được chi phí xây nhà tù, cho bộ máy liên quan đến hoạt động giam giữ. Hơn nữa, chúng ta đang hướng đến việc bảo vệ quyền con người hơn nên quy định này rất hợp lý” - luật sư Hồng nói.

Tuy nhiên, luật sư Hồng lưu ý: “Người ta có thể nghĩ hên xui, cứ phạm tội, nếu bị phát hiện thì trả tiền.Do đó, để đảm bảo tính răn đe thì mức phạt phải cao hơn, có thể gấp đôi, gấp ba số tiền phạm tội”.

Nhiều ý kiến ủng hộ việc tăng hình phạt tiền, bớt hình phạt tù đối với tội phạm kinh tế. Trong ảnh: Một bị cáo đang bị xét xử về tội cho vay lãi nặng. Ảnh: P.LOAN

Bổ sung cơ chế chuyển phạt tiền thành phạt tù

Nếu người bị kết án phạt tiền không chấp hành trong thời hạn sáu tháng kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, dự thảo luật cho phép chuyển đổi hình phạt tiền thành hình phạt tù. Cạnh đó, trường hợp người bị kết án cải tạo không giam giữ không thực hiện các nghĩa vụ của mình thì hình phạt này được chuyển thành hình phạt tù có thời hạn theo tỉ lệ cứ ba ngày cải tạo không giam giữ bằng một ngày tù.

Nhiều người đồng tình vì quy định như vậy sẽ đảm bảo tính răn đe và phòng ngừa. Nếu chờ để xử lý người vi phạm về tội không chấp hành án thì quá lâu, không hiệu quả vì thực tiễn hầu như tội này rất ít được xét xử. Đây cũng là kinh nghiệm của một số nước như Đức, Nhật…

Luật sư Nguyễn Văn Hồng nêu ví dụ dự thảo luật quy định tội gây ô nhiễm môi trường phạt tiền từ 100 triệu đến 500 triệu đồng thì tương ứng với mức phạt tù từ sáu tháng đến năm năm. Ông đề xuất trường hợp tội danh không có hình phạt tù mà chỉ có hình phạt tiền thì luật cũng cần quy định luôn mức phạt tù tương ứng để dễ dàng áp dụng khi chuyển hình phạt.

Có ý kiến đề nghị cần quy định thật chi tiết bởi đây là việc chuyển đổi hình phạt theo hướng nặng hơn. Chẳng hạn tỉ lệ chuyển đổi phạt tiền thành phạt tù là bao nhiêu; thủ tục, thẩm quyền chuyển đổi trong trường hợp khung hình phạt được áp dụng không có hình phạt tù ra sao; căn cứ để phân định rõ giữa chế định này với tội không chấp hành án…

Không bỏ tử hình trong tội sản xuất, mua bán thuốc giả

Dự thảo BLHS (sửa đổi) đã bỏ 7/22 tội danh có hình phạt tử hình nhưng vẫn giữ lại hình phạt này trong tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh (Điều 195).

Trong nhóm tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, chỉ tội này là có mức án tử hình. Một số ý kiến đề nghị cần bỏán tử hình, nâng cao mức hình phạt tiền vì khách thể bị xâm hại của tội này là trật tự quản lý kinh tế. Cơ quan chức năng vẫn có thể tuyên truyền để người tiêu dùng nâng cao cảnh giác, nhận biết được hàng giả để tự bảo vệ mình.

Tuy nhiên, rất nhiều ý kiến khác phản đối vì dù khách thể bị xâm hại là trật tự quản lý kinh tế nhưng hậu quả của nó có thể liên quan đến tính mạng, sức khỏe của nhiều người, đặc biệt là nhóm yếu thế (người bệnh, trẻ em, người già). Hành vi này đang phổ biến, gây bức xúc trong dư luận xã hội nên cần giữ hình phạt tử hình để bảo đảm đấu tranh phòng, chống tội phạm.

“Có gia đình phải bán cả tài sản để mua thuốc chữa bệnh cho người bệnh. Việc trục lợi trên nỗi đau người khác là xâm hại đến niềm tin của người bệnh, người đang cần chỗ nương tựa, bấu víu. Hành vi này là đê hèn, vi phạm luân lý và đạo đức xã hội. Do đó, nếu gây hậu quả chết người thì cần phải có hình phạt nghiêm khắc, có thể lên đến tử hình. Cần duy trì hình phạt tử hình để răn đe, mang lại sự công bằng cho người đã chết và thân nhân của họ” - luật sư Hà Hải nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm