Buôn thuốc lá lậu trong nội địa: Tạm thời chưa xử!

Như Pháp Luật TP.HCM từng phản ánh, tại hội nghị triển khai công tác sáu tháng cuối năm 2016 do TAND Tối cao tổ chức, đại diện một số tòa án địa phương cho biết việc xét xử hành vi mua bán, vận chuyển, tàng trữ pháo nổ, thuốc lá điếu nhập lậu về tội buôn bán hàng cấm (Điều 155 BLHS) đang gặp vướng mắc do các quy định chỏi nhau. Nhiều vụ VKS đã truy tố nhưng tòa không biết phải giải quyết ra sao nên đành để đó.

Quy định chỏi nhau

Cụ thể, Luật Thương mại 2005 và các nghị định hướng dẫn thi hành của Chính phủ đều quy định pháo nổ, thuốc lá điếu nhập ngoại không có nguồn gốc là hàng cấm. Ngược lại, Luật Đầu tư 2014 (có hiệu lực từ 1-7-2015) lại quy định các loại pháo, các sản phẩm thuốc lá thuộc Danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện (Phụ lục 04). Với pháo và thuốc lá, hàng hóa vi phạm phải có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên mới xử lý hình sự.

Trước các quy định chỏi nhau như trên, CQĐT và VKS một số địa phương đều thống nhất quan điểm rằng hành vi tàng trữ, vận chuyển, buôn bán pháo, thuốc lá ngoại nhập lậu thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Thương mại 2005, không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đầu tư 2014. Vì vậy, các cơ quan này vẫn khởi tố, điều tra, truy tố những người có hành vi tàng trữ, vận chuyển, buôn bán pháo và thuốc lá ngoại nhập lậu nếu đủ số lượng quy định tại Thông tư liên tịch số 06/2008 của Bộ Công an - VKSND Tối cao - TAND Tối cao và Nghị định 124/2015 của Chính phủ (từ 10 kg pháo trở lên hoặc dưới số lượng đó nhưng đã bị xử phạt hành chính; từ 500 bao thuốc lá điếu nhập lậu trở lên).

Lực lượng chức năng tiêu hủy thuốc lá nhập lậu. Ảnh: M.THI

Tuy nhiên, đại diện nhiều tòa án địa phương cho rằng các cơ quan tố tụng cần áp dụng theo Luật Đầu tư 2014 (luật được ban hành sau), tức pháo nổ, thuốc lá điếu nhập lậu không còn là mặt hàng cấm nữa. Vì thế, các vụ án hình sự dạng này phải tạm đình chỉ giải quyết; các bị can, bị cáo bị tạm giam phải được thả để chờ hướng dẫn cụ thể.

Ngoài ra, một vướng mắc khác mà các tòa án địa phương nêu ra là TAND Tối cao có công văn hướng dẫn đối với các hành vi mua bán, vận chuyển trái phép pháo nổ, thuốc lá điếu qua biên giới, nếu đủ các yếu tố cấu thành tội phạm theo quy định tại Điều 153 (tội buôn lậu), Điều 154 (tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới) BLHS hiện hành thì phải xét xử kịp thời. Nhưng đối với hành vi vận chuyển, tàng trữ pháo nổ, thuốc lá điếu nhập lậu trong nội địa đang khá phổ biến hiện nay thì chưa có hướng dẫn xử lý cụ thể.

Từ đó, đại diện các tòa án địa phương đã đề nghị TAND Tối cao sớm có hướng dẫn để việc giải quyết án liên quan đến pháo nổ, thuốc lá điếu nhập lậu không còn bị ách tắc.

Tăng cường chế tài kinh tế

Mới đây, sau khi tổ chức hội nghị trực tuyến tập huấn cho các thẩm phán về quy định mới của BLTTHS 2015, BLHS 2015, BLTTDS 2015, BLDS 2015…, TAND Tối cao đã bước đầu tổng hợp, giải đáp một số vướng mắc được nêu ra tại hội nghị, trong đó có hướng giải quyết các vụ án liên quan đến pháo nổ, thuốc lá điếu nhập lậu.

Theo TAND Tối cao, đúng là do có sự không thống nhất giữa Luật Thương mại 2005 và các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành với Luật Đầu tư 2014 nên thời gian qua, các tòa án gặp vướng mắc khi giải quyết các vụ án liên quan đến pháo nổ, thuốc lá điếu nhập lậu. Để tháo gỡ vướng mắc này, TAND Tối cao đã gửi hồ sơ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích quy định của các văn bản nêu trên để làm cơ sở giải quyết các vụ án.

Trong khi chưa có giải thích của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, TAND Tối cao cho rằng việc giải quyết các vụ án liên quan đến pháo nổ, thuốc lá điếu nhập lậu tiếp tục thực hiện theo hướng dẫn tại Công văn số 06/2016 của TAND Tối cao. Theo đó, khi xác định có hành vi vận chuyển, buôn bán pháo, thuốc lá ngoại nhập lậu qua biên giới thì xử lý theo Điều 153, Điều 154 BLHS hiện hành nếu đủ các yếu tố cấu thành tội phạm (vẫn xác định là hàng cấm với số lượng lớn). Tuy nhiên, nếu người vi phạm chỉ tàng trữ, vận chuyển, buôn bán pháo, thuốc lá nhập lậu trong nội địa thì không xác định là hàng cấm và các tòa dừng xét xử để chờ văn bản giải thích của cơ quan có thẩm quyền.

TAND Tối cao cũng khẳng định quan điểm là các vi phạm về trật tự quản lý kinh tế cần được tăng cường xử lý bằng hình phạt tiền và các chế tài khác về kinh tế để đề cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện trong việc xử lý các vi phạm này.

Căn cứ nào định giá?

Theo khoản 1 Điều 190 BLHS 2015 (tội sản xuất, buôn bán hàng cấm) và khoản 1 Điều 191 BLHS 2015 (tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm), hàng cấm (ngoài các loại hóa chất, kháng sinh...) bị thu giữ phải có giá trị 100 triệu đồng trở lên thì mới xử lý hình sự. Trường hợp hàng cấm bị thu giữ trị giá dưới 100 triệu đồng thì người vi phạm phải có tiền án, tiền sự về những hành vi thuộc nhóm tội phạm này mới có thể xử lý hình sự…

Theo nhiều chuyên gia, các mặt hàng cấm không được kinh doanh, buôn bán trên thị trường nên không có quy định về giá, vậy dựa vào căn cứ nào để có thể định giá thuốc lá ngoại nhập lậu, các loại pháo? Nếu không định giá được hai mặt hàng này thì không thể xử lý hình sự hành vi sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán pháo nổ, thuốc lá ngoại nhập lậu theo quy định tại Điều 190, Điều 191 BLHS 2015. Đây cũng là một vấn đề mà ban soạn thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS 2015 phải tính tới.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Hôm nay, chủ tịch Tân Hoàng Minh hầu tòa

Hôm nay, chủ tịch Tân Hoàng Minh hầu tòa

(PLO)- Cáo trạng xác định có hơn 6.600 khách hàng đã ký hợp đồng đầu tư trái phiếu, hợp đồng chuyển nhượng và bị Tập đoàn Tân Hoàng Minh chiếm đoạt 8.600 tỉ đồng.