Cãi chày, cãi cối

Trong vụ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với việc xả chất thải chưa qua xử lý của Vedan, có bài trên báo Tuổi Trẻ của tác giả Lê Văn Tứ cho rằng các ý kiến nói không thể truy cứu trách nhiệm hình sự Công ty Vedan đều là lý lẽ "chày cối". Đáp lại, báo Pháp Luật TP.HCM có bài viết phản bác ý kiến trên và kết thúc bằng câu hỏi vặn lại: "Vậy thì ai "chày cối"?" với hàm ý việc hiện nay không truy cứu trách nhiệm hình sự Vedan là đúng pháp luật. Vậy xin hỏi theo nhận xét riêng của Anh Phó thì "ai chày cối"? "Chày cối" có đồng nghĩa với "cãi chày cãi cối" không?

ANH PHÓ trả lời:

Thưa bà Diễm Kiều,

Thành ngữ "cãi chày cãi cối" nói tắt là "chày cối" ngụ ý chỉ những người cố cãi lấy được phần mình, chuyện "đã rõ như ban ngày rồi" vậy mà cứ "cãi chày cãi cối", cãi bừa cho được mới thôi.

Theo Lê Gia, tác giả quyển Tiếng nói nôm na (sưu tầm dân gian) thì "cối" do chữ "côi" là lạ lùng, hiếm có, quái gở; cũng do chữ "cứ" là bướng bỉnh, xấc láo; từ "chày" cũng có nghĩa là lâu lắc, kéo dài... Chày và cối là hai dụng cụ có hình dáng thô lỗ, hành động thô bạo (giã) nên người ta nói luôn là "cãi chày cãi cối" với ý nghĩa là cố cãi mãi với lời ăn tiếng nói không có lý lẽ, thô lỗ, trơ tráo, nói chung là cãi bừa, bất chấp lẽ phải. Thành ngữ này thể hiện sự đánh giá thấp kém, không biết trọng lẽ phải.

Còn chuyện "cãi vã" trên báo Tuổi Trẻ cuối tuần và báo Pháp Luật TP.HCM xin tóm tắt nguồn gốc như vầy: Trước hành vi bất hợp pháp của Công ty Vedan xả chất thải ra sông Thị Vải (Đồng Nai), ai cũng bất bình, lên án, cả hai báo đều thể hiện rõ lập trường này. Nhưng việc xử lý thì theo nhiều bài báo đăng ở nhiều tờ báo khác nhau (trong số đó có báo Pháp Luật TP.HCM) thì trường hợp này không xử lý hình sự được.

"Cũng có ý kiến cho rằng trường hợp này không thể truy cứu trách nhiệm hình sự được vì chưa đủ yếu tố cơ bản cấu thành tội phạm là "đã bị xử phạt hành chính mà cố tình không thực hiện các biện pháp khắc phục, gây hậu quả nghiêm trọng". Lý lẽ này cũng "chày cối" nốt, bởi Vedan đã hai lần bị xử phạt hành chính về bảo vệ môi trường, còn cố tình không thực hiện các biện pháp khắc phục và gây ra hậu quả không chỉ nghiêm trọng mà cực kỳ nghiêm trọng thì đã rõ. Vậy mà vì sao còn chần chừ truy tố hình sự?" (nguyên văn trích từ bài của tác giả Lê Văn Tứ đăng trên Tuổi Trẻ).

Quan điểm của các tác giả mà ông Lê Văn Tứ cho là "chày cối" là: vì Bộ luật Hình sự hiện hành của nhà nước ta chỉ quy định truy cứu trách nhiệm hình sự đối với cá nhân (con người thật, cụ thể) chứ không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân (tổ chức được nhân cách hóa về mặt pháp luật, coi như một con người, như: công ty, bệnh viện, trường học, hợp tác xã...). Trong vụ Vedan, từ trước tới nay các cơ quan thẩm quyền đã chỉ xử phạt hành chính đối với pháp nhân Công ty Vedan, chứ chưa hề xử phạt hành chính đối với cá nhân nào làm việc ở công ty Vedan. Nên theo pháp luật, hiện nay không thể truy cứu trách nhiệm hình sự cá nhân nào ở Công ty Vedan mà về nguyên tắc cũng không được truy cứu trách nhiệm hình sự pháp nhân Công ty Vedan. Bài báo của luật gia Minh Việt, báo Pháp Luật TP.HCM, đã thể hiện như trên và đi đến kết luận bằng câu hỏi ngược lại: "Vậy thì "ai chày cối"?".

Theo quan điểm của tôi, lý lẽ của ông Lê Văn Tứ có vẻ ít phù hợp với pháp luật của nhà nước ta khi mà ông chưa phân biệt được "cá nhân" với "pháp nhân" là hai chủ thể khác nhau; đồng thời ông Tứ hiểu chưa đủ khái niệm "tội phạm" theo quy định của Bộ luật Hình sự. Vì vậy, tính "chày cối" cũng theo đó mà xác định. Nói chung thì lý lẽ của ông Tứ có dấu hiệu "cãi chày cãi cối" nhiều hơn.

Không biết thật thà nói như vậy, có bạn nào nỡ miệt thị Anh Phó "chày cối” không? Bởi vì thông thường người "cãi chày cãi cối" khó thấy ra mình "chày cối" mà chỉ thấy phía người ta thôi, bà ạ!

Kính chào bà.

(Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm