Cấm luật sư nói bậy là trùng lặp, chồng chéo

Chủ đề cấm luật sư (LS) nói bậy trên mạng trong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 123/2013 của Chính phủ (thi hành Luật LS) đã thu hút nhiều ý kiến đồng tình, băn khoăn cũng như phản đối. Để tạm khép lại diễn đàn này, chúng tôi xin giới thiệu bài viết của ông Nguyễn Văn Tùng, Phó Trưởng phòng Pháp luật hình sự Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học (TAND Tối cao).

Dễ dẫn đến tùy tiện

LS có vai trò rất lớn trong việc xây dựng nhà nước pháp quyền. Sự đối trọng, phản biện của LS đối với hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng chính là yếu tố quan trọng để hạn chế oan sai, bảo đảm dân chủ, công bằng, công lý.

Thời gian qua, đội ngũ LS có sự phát triển nhanh chóng cả về số lượng, chất lượng. Tuy nhiên, cũng có nhiều LS có hành vi vi phạm pháp luật, nhất là việc LS vi phạm đạo đức, văn hóa ứng xử.

Theo quy định tại Quy tắc 5 trong Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp của LS thì LS phải có thái độ ứng xử đúng mực, có văn hóa trong hành nghề và lối sống để luôn tạo được và xứng đáng với sự tin cậy, tôn trọng của xã hội đối với LS và nghề LS. Việc LS có hành vi ứng xử và phát ngôn trên phương tiện thông tin đại chúng, trang mạng xã hội gây ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín nghề LS là trái với nguyên tắc, đạo đức hành nghề LS và đối với người có hành vi này cần phải bị xử lý.

Các luật sư đang làm nhiệm vụ tại một phiên tòa ở TAND TP.HCM. Ảnh minh họa: HTD

Tuy nhiên, việc quy định LS có hành vi này được coi là không có phẩm chất đạo đức tốt và bị thu hồi chứng chỉ hành nghề LS ở khoản 5 Điều 2a dự thảo nghị định là chưa phù hợp với khoản 2 Điều 14 Hiến pháp năm 2013 (Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng). Do đó không thể coi đây là cơ sở để xác định LS không còn đáp ứng đủ tiêu chuẩn về có phẩm chất đạo đức tốt và bị thu hồi chứng chỉ hành nghề.

Dự thảo nghị định quy định như vậy cũng khó khả thi và dễ dẫn đến sự tùy tiện trong việc xử lý đối với LS có hành vi vi phạm. Bởi dự thảo không có các tiêu chí cụ thể, mức độ gây ảnh hưởng đến hình ảnh, nghề nghiệp, uy tín của LS đến đâu thì mới bị xử lý cũng như thẩm quyền xác định hành vi vi phạm này.

Không ổn về thẩm quyền

Mặt khác, theo quy định tại Điều 85 Luật LS thì LS vi phạm quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp LS thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu một trong nhiều hình thức kỷ luật. Cụ thể hình thức đó là từ khiển trách, cảnh cáo, tạm đình chỉ tư cách thành viên đoàn LS từ sáu tháng đến 24 tháng hoặc xóa tên khỏi danh sách LS của đoàn LS. Việc xem xét quyết định kỷ luật LS thuộc thẩm quyền của ban chủ nhiệm đoàn LS theo đề nghị của hội đồng khen thưởng, kỷ luật của đoàn LS.

Trong trường hợp LS bị xử lý kỷ luật bằng hình thức xóa tên khỏi danh sách LS của đoàn LS thì đoàn phải thông báo bằng văn bản với Sở Tư pháp và đề nghị Bộ Tư pháp thu hồi chứng chỉ hành nghề LS, đề nghị tổ chức LS toàn quốc thu hồi thẻ LS.

Như vậy, nội dung quy định tại khoản 5 Điều 2a dự thảo nghị định như trên là chưa phù hợp với quy định của Luật LS. Nó dẫn đến sự trùng lặp, chồng chéo trong thẩm quyền và chưa có sự phối hợp của đoàn LS trong việc xử lý LS có hành vi vi phạm quy tắc ứng xử và phát ngôn trên phương tiện thông tin đại chúng, trang mạng xã hội gây ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín nghề LS. Để có cơ sở pháp lý trong việc xử lý thì cần phải sửa đổi, bổ sung nội dung này vào khoản 1 Điều 9 Luật LS (các hành vi bị cấm).

Liên đoàn Luật sư lưu ý việc phát ngôn của luật sư

Chủ tịch Liên đoàn LS Việt Nam Đỗ Ngọc Thịnh vừa có văn bản gửi ban chủ nhiệm đoàn LS các tỉnh, TP về việc lưu ý LS thành viên trong hành nghề và phát ngôn trên phương tiện truyền thông. Theo đó, liên đoàn nhận được nhiều thông tin của các cơ quan, ban, ngành phản ánh việc một số LS chưa chuẩn mực và phát ngôn thiếu thận trọng trên các phương tiện truyền thông. Thời gian gần đây có một số vụ việc xảy ra mặc dù chưa được dân mời hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu tham gia hỗ trợ pháp lý nhưng LS đã đến với danh nghĩa hỗ trợ pháp lý cho dân. Sau đó có LS đã có những phát ngôn, bình luận trên mạng xã hội dựa theo ý chí chủ quan của mình với những nội dung không phù hợp với chính sách pháp luật của Nhà nước. Ngoài ra, có hiện tượng các LS nói xấu đồng nghiệp trên mạng Facebook. Những hiện tượng này đã ảnh hưởng đến uy tín của đội ngũ LS.

Vì thế Ban Thường vụ Liên đoàn LS đề nghị ban chủ nhiệm các đoàn LS triển khai ba nội dung. Thứ nhất, tuyên truyền quán triệt với các LS việc thực hiện đường lối chính sách, điều lệ liên đoàn, quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp. Thứ hai, yêu cầu các LS cẩn trọng khi phát ngôn, đưa ra đánh giá, bình luận trên các phương tiện truyền thông về những vấn đề phức tạp mà chưa có kết luận giải quyết của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Thứ ba, nếu phát hiện LS thành viên vi phạm quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp thì phải kịp thời uốn nắn, nhắc nhở và kiên quyết xử lý những LS cố tình vi phạm hoặc tái phạm theo quy định của điều lệ của liên đoàn và quy định về xử lý kỷ luật của liên đoàn.

SONG NGUYỄN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm