Cán bộ thôn là người có chức vụ, quyền hạn?

TAND tỉnh Bắc Ninh vừa xử sơ thẩm, tuyên phạt các bị cáo Biện Văn Thành (trưởng thôn một xã thuộc huyện Thuận Thành) sáu năm tù, Nguyễn Văn Quyền (kế toán thôn) năm năm tù, Nguyễn Văn Hoàn (bí thư chi bộ thôn) ba năm tù về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ theo khoản 3 Điều 281 BLHS.

Sau phiên xử, ba bị cáo cho biết sẽ kháng cáo bản án sơ thẩm vì cho rằng mình không phạm tội.

Bán đất công cho dân

Theo cáo trạng, năm 2007 do cần tiền xây dựng các công trình chung ở thôn, ông Hoàn đã chỉ đạo họp cấp ủy chi bộ và đề ra nghị quyết quy định giá đất, đồng thời giao cho ban quản lý thôn thực hiện việc bán đất trái thẩm quyền.

Từ năm 2008 đến 2011, ông Thành đã chỉ đạo, cùng ông Quyền bán tám lô đất với tổng diện tích hơn 1.400 m2 cho bảy hộ dân (trong đó chỉ có một lô đất được UBND huyện Thuận Thành cấp giấy chứng nhận nhưng đã bị thu hồi vào năm 2010).

Cho rằng hành vi của các ông Hoàn, Thành, Quyền là vì lợi ích cục bộ của địa phương, gây thiệt hại cho các hộ dân gần 1,6 tỉ đồng nên tháng 4-2017, CQĐT Công an tỉnh Bắc Ninh đã khởi tố họ về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và cho tại ngoại điều tra. Ba tháng sau, VKS tỉnh đã truy tố họ về tội này.

Một trong những thửa đất mà các cán bộ thôn đã bán cho dân. Ảnh: KT

Áp dụng tội danh chưa đúng

Hành vi bán đất công trái thẩm quyền của các ông Hoàn, Thành, Quyền là sai. Tuy nhiên, điều làm nhiều người băn khoăn là tội danh áp dụng đối với họ liệu đã đúng?

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, luật sư (LS) Lê Văn Hoan (Đoàn LS TP.HCM) nhận xét hành vi của ba bị cáo không có dấu hiệu của tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ bởi các lẽ sau:

Thứ nhất, theo Quyết định số 13/2002 của Bộ Nội vụ và Quyết định số 48/2010 của UBND tỉnh Bắc Ninh thì thôn không phải là một cấp hành chính mà là tổ chức tự quản của cộng đồng dân cư. Thôn là nơi thực hiện dân chủ một cách trực tiếp và rộng rãi để phát huy các hình thức hoạt động tự quản và tổ chức nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ cấp trên giao. Do thôn không phải là một cấp chính quyền nên các bị cáo hoàn toàn không có bất cứ thẩm quyền gì liên quan đến việc giao đất cho tổ chức hoặc cá nhân mà thẩm quyền giao đất thuộc UBND cấp huyện trở lên. Như vậy, các bị cáo không phải là người có chức vụ, quyền hạn.

Thứ hai, cấu thành tội phạm của tội danh này bắt buộc phải có yếu tố vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác. Trong khi đó, cáo trạng thể hiện số tiền thu được đã phục vụ cho các công trình chung của thôn chứ các bị cáo không vụ lợi, không chiếm đoạt. Cạnh đó, cáo trạng cũng xác định là chi bộ thôn đã họp ra nghị quyết và giao cho ban quản lý thôn thực hiện. Như vậy, các bị cáo cũng không có động cơ cá nhân nào khác.

Từ những phân tích trên, LS Hoan khẳng định ba bị cáo không có chức vụ, quyền hạn để làm trái công vụ. CQĐT cũng không chứng minh được các bị cáo có vụ lợi, có động cơ cá nhân khác nên việc xử lý hình sự họ về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ theo Điều 281 BLHS là không chính xác.

Đồng tình, LS Nguyễn Thị Kim Vinh (Đoàn LS TP.HCM, nguyên thẩm phán Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM) và LS Nguyễn Đức Chánh (Đoàn LS TP.HCM) cũng cho rằng việc truy tố ba bị cáo về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ là chưa ổn về mặt cấu thành tội phạm.

Tuy nhiên, theo hai vị LS này, các cán bộ thôn đã vi phạm các quy định về quản lý đất đai khi giao đất trái thẩm quyền. Do đó, hành vi của họ có dấu hiệu của tội vi phạm các quy định về quản lý đất đai theo Điều 174 BLHS (có khung hình phạt tù thấp hơn so với Điều 281 BLHS).

Một vụ tương tự, tòa xử tội khác

Theo hồ sơ, tại một thôn ở huyện Quế Võ (Bắc Ninh), tháng 3-2011, chi ủy thôn đã họp, sau đó chỉ đạo họp chi bộ ra nghị quyết bán một số mảnh đất kém hiệu quả kinh tế và cho đấu thầu ao thùng nhằm có tiền thực hiện kế hoạch đồn điền đổi thửa, xây dựng một số công trình phúc lợi và chi cho thôn hoạt động.

Từ năm 2011 đến 2012, các ông Nguyễn Đức Phùng (bí thư chi bộ thôn), Trần Anh Thú (trưởng thôn), Trần Văn Hiền (chi ủy viên thôn, trưởng ban giám sát) đã chỉ đạo cho thôn bán đất và cho thuê ao hồ trái thẩm quyền năm lần với tổng diện tích hơn 53.000 m2, tổng số tiền là hơn 7,5 tỉ đồng.

Sau đó ba ông này bị khởi tố, truy tố về tội vi phạm các quy định về quản lý đất đai. Cuối năm 2014, TAND huyện Quế Võ nhận định các bị cáo đã vi phạm Điều 37 Luật Đất đai quy định về thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất nên phạt mỗi bị cáo 10-12 tháng tù treo về tội danh trên.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm