Cần hướng dẫn về việc ‘bị cáo chỉ kêu oan, tòa có được giảm án?’

Thực tiễn xét xử, phần lớn các tòa phúc thẩm sau khi bác việc kêu oan thì y án sơ thẩm chứ không xem xét việc giảm án cho bị cáo cho dù có căn cứ giảm án hay không.

Tiếp tục bàn về vấn đề này, luật sư (LS) Huỳnh Phước Hiệp (Đoàn LS TP.HCM) phân tích: Theo khoản 2 Điều 2 Luật Tổ chức TAND 2014, tòa có chức năng, nhiệm vụ
“... xem xét đầy đủ, khách quan, toàn diện các tài liệu, chứng cứ đã được thu thập trong quá trình tố tụng; căn cứ vào kết quả tranh tụng ra bản án, quyết định việc có tội hoặc không có tội, áp dụng hoặc không áp dụng hình phạt, biện pháp tư pháp, quyết định về quyền và nghĩa vụ về tài sản, quyền nhân thân”. Như vậy, khi xét xử phúc thẩm, HĐXX không nên chỉ nhìn vào nhận định, lập luận của bị cáo, LS của bị cáo về cấu thành tội phạm để không xem xét đến việc giảm án cho bị cáo.

“Nếu bị cáo có những tình tiết giảm nhẹ chưa được tòa sơ thẩm áp dụng hoặc bị cáo có những tình tiết giảm nhẹ mới sau phiên xử sơ thẩm mà tòa phúc thẩm không xem xét chỉ vì bị cáo không xin giảm án, chỉ kêu oan là không hợp lý, bất công với bị cáo. Tòa phúc thẩm làm như vậy là không đúng nguyên tắc xác định sự thật của vụ án theo Điều 10 BLTTHS hiện hành” - LS Hiệp nhấn mạnh.

Đồng tình, LS Nguyễn Ngọc Anh (Đoàn LS TP.HCM) cho rằng Điều 249 BLTTHS quy định tòa phúc thẩm được quyền giảm hình phạt, áp dụng điều khoản BLHS về tội nhẹ hơn, chuyển sang hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn... cho cả những bị cáo không kháng cáo, không bị kháng nghị hoặc bị người khác kháng cáo, VKS kháng nghị theo hướng tăng nặng. Như vậy, với tinh thần có lợi cho bị cáo, tòa phúc thẩm hoàn toàn có quyền giảm án cho bị cáo chỉ kêu oan mà không xin giảm án nếu có căn cứ.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, nhiều chuyên gia khác cũng ủng hộ quan điểm này và đề nghị TAND Tối cao sớm có hướng dẫn để việc vận dụng pháp luật được thống nhất.

Luật cũ có hướng dẫn

Điều 214 BLTTHS 1988 quy định về phạm vi xét xử phúc thẩm như sau: “Tòa án cấp phúc thẩm xem xét nội dung kháng cáo, kháng nghị. Nếu xét thấy cần thiết thì tòa án cấp phúc thẩm có thể xem xét các phần khác không bị kháng cáo, kháng nghị của bản án”. Khoản 4 Mục VI Thông tư liên tịch số 01/1988 của TAND Tối cao - VKSND Tối cao (hướng dẫn thi hành một số quy định trong BLTTHS 1988) hướng dẫn trường hợp “cần thiết” trong quy định tại Điều 214 BLTTHS 1988 là “trường hợp ở phần không bị kháng cáo hoặc kháng nghị có điểm cần được giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo”.

Điều 241 BLTTHS 2003 quy định về phạm vi xét xử phúc thẩm cũng giống như Điều 214 BLTTHS 1988, chỉ có điều là chưa có hướng dẫn mới thay thế hướng dẫn nói trên trong Thông tư liên tịch số 01/1988 của TAND Tối cao - VKSND Tối cao. Nhưng với tinh thần của hướng dẫn cũ, chúng ta vẫn có thể hiểu phần giảm hình phạt cho bị cáo chỉ kêu oan, không xin giảm án là trong trường hợp “cần thiết”, tức trong phạm vi xét xử phúc thẩm.

PHẠM THANH TÚ (Khoa Luật Trường ĐH Mở TP.HCM)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm