Cần thống nhất quan điểm về xử tội dâm ô đối với trẻ em

Ủy ban Tư pháp của Quốc hội vừa có văn bản kiến nghị các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm hại tình dục trẻ em.

Theo Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, sau khi nghe báo cáo của các cơ quan chức năng, các vị đại biểu Quốc hội về thực trạng xâm hại tình dục trẻ em hiện nay, đơn vị đã có những đánh giá bước đầu về tình trạng này.

Cụ thể, theo số liệu thống kê của các cơ quan chức năng, từ năm 2014 đến nay, các vụ án xâm hại tình dục trẻ em được khởi tố điều tra, truy tố, xét xử giảm dần qua các năm. Tuy nhiên, các số liệu này chưa phản ánh đầy đủ thực trạng xâm hại tình dục trẻ em xảy ra trên thực tế.

Nguyên nhân, do gia đình nạn nhân không muốn tố giác; đặc điểm của loại tội phạm này khó phát hiện, chứng minh, nhất là với tội dâm ô đối với trẻ em ít khi để lại dấu vết trên cơ thể nạn nhân, nên nhiều trường hợp mặc dù có tố cáo của gia đình bị hại nhưng không đủ căn cứ để xử lý.

Thời gian qua nhiều vụ dâm ô đối với trẻ em nhưng chưa được đưa ra xét xử. Ảnh minh họa

Đặc biệt, hầu hết các trường hợp không có nhân chứng trực tiếp, phải phụ thuộc phần lớn ở lời khai của người bị hại và sự thành khẩn của người bị tình nghi phạm tội. Trong khi đó người bị hại là trẻ em, năng lực nhận biết còn hạn chế, tâm lý dễ bị tác động, hoảng loạn về tinh thần nên thường khai báo không thống nhất....

Ngoài ra, một số vụ các cơ quan tiến hành tố tụng còn nhận thức khác nhau về các quy định của pháp luật, nên quan điểm khác nhau về đánh giá chứng cứ và giải quyết vụ án, dẫn đến kéo dài thời gian giải quyết, hoặc ra quyết định giải quyết nhưng bị hại và gia đình chưa đồng tình, thậm chí phản ứng bức xúc. Đồng thời có những vụ việc chưa được các cơ quan chức năng xử lý kịp thời, nhất là chưa thu thập, củng cố chặt chẽ chứng cứ ngay từ giai đoạn xử lý tố giác, tin báo về tội phạm, khám thương ban đầu, giám định, xác định dấu vết nên không đủ căn cứ để khởi tố.

Với những bất cập trên, Ủy ban Tư pháp Quốc hội kiến nghị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao sớm ban hành văn bản hướng dẫn việc áp dụng thống nhất pháp luật đối với các điều của Bộ luật hình sự quy định về xâm hại tình dục trẻ em, để kịp thời giải quyết những vướng mắc trong thực tiễn, đặc biệt là hướng dẫn việc xác định các dấu hiệu cụ thể để định tội dâm ô đối với trẻ em.

Đề nghị Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ công an, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Bộ LĐ-TB&XH, Y tế, GD&ĐT, Tư pháp ban hành văn bản hướng dẫn về quy trình nghiệp vụ cụ thể để thực hiện các quy định của pháp luật về tố tụng hình sự và các quy định của pháp luật liên quan trong việc xử lý tố giác, tin báo, thu thập chứng cứ, trưng cầu giám định, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và kiểm sát việc phát hiện, xử lý các tội phạm về xâm hại tình dục trẻ em đảm bảo phù hợp với tính chất, đặc điểm của loại tội phạm này...

Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cũng kiến nghị quy trách nhiệm tương ứng mỗi cơ quan, tổ chức để nâng cao hiệu công tác đấu tranh phòng ngừa, phát hiện và xử lý tội phạm xâm hại tình dục trẻ em.

               Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về những kiến nghị của Ủy ban tư pháp của Quốc hội.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu các Bộ: Công an, Tư pháp, Giáo dục và đào tạo, LĐ-TB&XH, Văn hóa, TT&DL, Y tế, Thông tin và truyền thông căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu các kiến nghị của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội về công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm hại tình dục trẻ em để nâng cao hiệu quả trong quá trình tổ chức triển khai, thực hiện.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Hôm nay, chủ tịch Tân Hoàng Minh hầu tòa

Hôm nay, chủ tịch Tân Hoàng Minh hầu tòa

(PLO)- Cáo trạng xác định có hơn 6.600 khách hàng đã ký hợp đồng đầu tư trái phiếu, hợp đồng chuyển nhượng và bị Tập đoàn Tân Hoàng Minh chiếm đoạt 8.600 tỉ đồng.

Ngẫm chuyện bồi thường và quy hoạch treo

Ngẫm chuyện bồi thường và quy hoạch treo

(PLO)- Chậm chân, vướng quy hoạch nên không thể chuyển mục đích sử dụng đất khiến hai mảnh đất liền kề chênh lệch 10 lần về giá bồi thường vì bên đất nông nghiệp, bên đất ở. Đây là thực tế đáng suy ngẫm về công tác quy hoạch và chính sách bồi thường...