Căng thẳng phần tranh luận vụ 'chai nước có ruồi giá 500 triệu đồng'

Đề nghị tuyên bị cáo vô tội

Bào chữa cho bị cáo Minh, luật sư (LS) Nam đã liệt kê một loạt các chi tiết của vụ án mà LS cho rằng đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng: Nộp đơn tố cáo của công ty không có ủy quyền; điều tra viên không khách quan, hai lần cho phép LS của bị cáo tham gia hỏi cung, có khả năng làm lộ bí mật điều tra, giúp công ty có hướng xử lý vụ án có lợi cho mình; xác định sai tư cách tố tụng của công ty, không phải là nguyên đơn dân sự.

LS Nam cho rằng công ty có ba thành viên nhưng chỉ có bà Bích đứng ra giải quyết mà không có ủy quyền của hai người còn lại là chưa ổn. Kết luận giám định nội dung nắp chai có dấu hiệu mở là chưa khách quan vì chưa làm rõ ai là người mở. Nếu xác định rõ bị cáo bỏ ruồi vào thì có tội là đúng. Cơ quan điều tra chưa làm rõ dấu hiệu bị cáo đe dọa, hay chỉ là giao dịch dân sự nên đây là việc hình sự hóa quan hệ dân sự.

LS Nam cũng khẳng định hồ sơ vụ án xuất hiện bản án khác của TAND quận Bình Thạnh năm 2012 phạt tù một người với hành vi tương tự là không đảm bảo nguyên tắc suy đoán vô tội. Vì nếu để tham khảo và suy đoán có lợi cho bị cáo thì phải đưa luôn vụ ở Biên Hòa thỏa thuận với Tân Hiệp Phát một vụ khác với giá 40 triệu đồng. Cuối cùng, LS Nam đề nghị tòa tuyên vô tội, trả tự do cho bị cáo ngay tại tòa.

Một mô típ có sẵn của Công ty Tân Hiệp Phát?

Cũng bào chữa cho bị cáo Minh, LS Thi cho rằng vụ án này không thể được đưa ra xét xử vì hành vi vi phạm tố tụng của điều tra viên như trên, có khả năng bị thông cung. Có dấu hiệu cố buộc tội cho bằng được khi các cơ quan tố tụng đều vi phạm, hồ sơ không đủ cơ sở để buộc tội bị cáo.

 Luật sư Thi đang bào chữa cho bị cáo Minh. Ảnh: THANH TÙNG

Điều tra viên không cho LS dự cung đầy đủ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền bào chữa. Đến giai đoạn truy tố, kiểm sát viên không tham gia phúc cung khi có mâu thuẫn. Giai đoạn chuẩn bị xét xử tòa gửi quyết định đưa vụ án ra xét xử quá muộn. Tòa xác định người làm chứng sai, ba người của Công ty Tân Hiệp Phát không thể là người làm chứng vì không thể khách quan theo quy định của pháp luật. Do đó phải thay đổi tư cách tố tụng. Ngay từ giai đoạn điều tra đã có sự không thống nhất về cách xác định tư cách tố tụng. Trong hồ sơ vụ án thì không có bị hại, vậy tại tòa ai là người bị hại? Nếu không có người bị hại thì không có hành vi cưỡng đoạt tài sản vì không có đối tượng tác động. Lúc đầu công ty được xác định là người bị hại nhưng khi LS xin đối chất thì chuyển thành người liên quan.

Theo LS Thi, từ năm 2011 đến 2013 đã có ba trường hợp khác giống bị cáo Minh mang sản phẩm của công ty đi thương lượng thì đều bị bắt khi nhận tiền. Vậy đây là một mô típ có sẵn của công ty, được lặp đi lặp lại. Vì thế công ty không hề lo sợ, không bị cưỡng ép để buộc phải đưa tiền như giám đốc công ty đã khai. Việc bị cáo bị bắt là một kịch bản đã có sẵn. Việc điều tra viên trực tiếp đi bắt quả tang với tư cách gì và có khách quan không khi nhiệm vụ này của cơ quan khác, điều tra viên chỉ làm nhiệm vụ của mình khi có quyết định phân công. Từ đó LS Thi cũng đề nghị tuyên bố bị cáo không phạm tội. Nếu tòa trả hồ sơ để điều tra lại thì đề nghị đình chỉ điều tra.

Bị cáo phải có lời xin lỗi công ty

LS Hoàng bảo vệ cho Tân Hiệp Phát thì cho rằng từ đầu đến cuối công ty không chấp nhận thương lượng tiền bạc gì. Nếu khách hàng có phản ánh thì tiếp nhận và giải thích cho khách hàng hiểu. Công ty rất lo sợ vì hành vi của bị cáo là lợi dụng uy tín của công ty để đánh đổi vật chất. Bị cáo liên tiếp đe dọa thể hiện rõ qua các băng ghi âm, công ty không còn cách nào khác vì nếu không bị cáo sẽ thực hiện việc đăng báo, phát tờ rơi. Việc tố cáo là việc làm đúng đắn để bảo vệ mình. Công ty có thiệt hại lớn và có hai loại thiệt hại, trực tiếp là 500 triệu đồng, còn gián tiếp là ảnh hưởng uy tín, danh dự đến doanh số bán hàng, lớn hơn nhiều lần. Bị cáo nên có lời xin lỗi công ty tại tòa.

 Luật sư Hoàng đang bảo vệ quyền lợi cho Công ty Tân Hiệp Phát.

Viện kiểm sát tranh luận

Tranh luận lại LS Nam, đại diện VKS cho rằng việc nộp đơn tố giác tội phạm là nghĩa vụ của công dân không cần có giấy ủy quyền. Việc bắt quả tang đảm bảo đúng luật vì quy trình cho phép chứ không như LS nói. Hành vi tố tụng của điều ra viên phù hợp vì chưa có chứng cứ cho thấy có việc lộ thông tin điều tra. Tình tiết vụ án cũng trùng khớp với các lời khai của bị cáo nên không có vấn đề gì.

Theo đại diện VKS, tư cách tố tụng của công ty là nguyên đơn dân sự như tòa đã xác định. Kết luận giám định trên cơ sở khoa học nên có giá trị áp dụng, nó không mâu thuẫn với lời khai của nhân chứng. Theo quy định của luật chưa có quy định nào cấm LS bảo vệ cho nguyên đơn tham dự lấy cung bị can. Việc có tiết lộ bí mật điều tra hay không thì ở trách nhiệm cá nhân LS đó. Trong khi Điều 4 BLTTHS quy định cơ quan tố tụng có quyền áp dụng mọi biện pháp để xác định sự thật vụ án.

Đại diện VKS đang tranh luận lại.

Việc xác định ba người của Tân Hiệp Phát là nhân chứng có khách quan không thì HĐXX xem xét, không nên nhận định chủ quan là không khách quan. LS nói phải có người cụ thể thiệt hại thì mới có cấu thành tội cưỡng đoạt là sai, vì không có quy định nào quy định bắt buộc người bị hại phải là cá nhân. Ở đây có hai loại đối tượng bị thiệt hại: thứ nhất là cá nhân bà Bích với tư cách là giám đốc, thứ hai là công ty (tổ chức).

Không cần phải làm rõ ai là người bỏ con ruồi vào chai nước, vẫn có thể xem xét trách nhiệm của bị cáo. Nếu phát hiện ra thì người đó cũng sẽ bị xử lý hình sự luôn. Bị cáo không phải là người tiêu dùng mà là người kinh doanh dịch vụ nhằm mục đích sinh lợi nên không hưởng các quyền của người tiêu dùng là được thương lượng việc bồi thường. Từ đó kiểm sát viên đề nghị bác bỏ các luận cứ của hai LS Nam và Thi.

Tòa tuyên bố tạm dừng xét xử, mai xử tiếp.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm