Căng thẳng phiên xử vụ xả súng 16 người thương vong

Ngày 2-1, TAND tỉnh Đắk Nông xử sơ thẩm đối với sáu bị cáo liên quan đến vụ Công ty TNHH Thương mại Đầu tư Long Sơn tự ý giải tỏa, san ủi hoa màu của người dân xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức. Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng do CQĐT Bộ Công an trực tiếp điều tra. Ngay từ sáng sớm hàng trăm người dân đã có mặt tại trụ sở tòa án để theo dõi phiên xử bởi vụ án từng xôn xao dư luận.

San ủi điều, cà phê của người dân

Các bị cáo Đặng Văn Hiến, Ninh Viết Bình, Hà Văn Trường bị truy tố về tội giết người; Đoàn Văn Diện bị truy tố về tội che giấu tội phạm. Bị cáo Nghiêm Xuân Thiên Sửu (cựu phó giám đốc Công ty Long Sơn) và Phạm Công Thiện (cựu trưởng quản lý Công ty Long Sơn) cùng bị truy tố về tội hủy hoại tài sản. Có tám luật sư bào chữa cho các bị cáo.

Theo cáo trạng, tháng 2-2008, Công ty Long Sơn được UBND tỉnh Đắk Nông giao 1.079 ha đất rừng tại tiểu khu 1535 (thuộc xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức) để làm dự án nông lâm nghiệp. Đến tháng 6-2013, bị cáo Sửu mua lại dự án và để vợ là bà Nguyễn Thị Hồng Tươi đứng tên làm giám đốc.

Quá trình làm dự án, có một số hộ dân trồng cây trên đất của công ty nên giữa hai bên xảy ra tranh chấp, nhiều lần xô xát nhưng địa phương chưa có biện pháp giải quyết. Vì thế Sửu gọi người trong công ty đến để họp bàn, chuẩn bị máy cày, xe ủi, áo giáp, gậy để san ủi vườn cây do người dân lấn chiếm. Ngày 23-10-2016, Sửu cùng hơn 30 nhân viên Công ty Long Sơn chia thành hai nhóm vào san ủi, phá hủy 300 cây điều, 45 cây cà phê của ba hộ gia đình.

Thấy vậy bị cáo Hiến lấy súng ra ngăn chặn thì bị nhóm người này cầm gậy, khiên chặn lại. Lúc này ông Hiến bắn chỉ thiên một phát nhưng bị nhóm người cầm đá ném nên bỏ chạy vào nhà, rồi bắn tiếp. Bị cáo Trường (người làm công cho ông Hiến) hỗ trợ để tiếp tục bắn về đám đông. Tiếp đó, hai bị cáo Hiến, Bình mang súng lên rẫy điều để bắn khiến ba người thiệt mạng, 13 người bị thương.

Về tài sản của người dân thiệt hại là hơn 73 triệu đồng vì 287 cây điều, 45 cây cà phê (có tuổi đời khoảng 7-11 năm tuổi) bị san ủi, hủy hoại…

Bị cáo Nghiêm Xuân ThiênSửu, cựu phó giám đốc Công ty Long Sơn, khai tại tòa. Ảnh: ĐD

Thừa nhận có chuẩn bị hung khí

Tại tòa, bị cáo Hiến khai ban đầu chỉ cầm súng ra dọa để đuổi người của Công ty Long Sơn nhưng bị ném đá lại nên buộc phải nổ súng. “Nếu bị cáo không bắn trả thì không biết nhóm này sẽ làm gì bị cáo” - bị cáo Hiến khai.

Bị cáo Trường thì khai có lấy giúp Hiến hộp đạn chứ không trực tiếp bắn súng. Trong khi bị cáo Bình nói: “Trước khi xảy ra vụ nổ súng, người của Công ty Long Sơn đã nhiều lần gây hấn với người dân nên chúng tôi thống nhất sẽ chống trả nếu bị san ủi hoa màu”.

Ba bị cáo đều cho rằng nhiều lần bị Công ty Long Sơn cho người đến giải tỏa nên xảy ra xô xát với người dân, thậm chí có người bị bắt giam bảy tháng mà không cho biết nguyên nhân. Người dân có làm đơn tố cáo đến nhiều ngành chức năng nhưng không được giải quyết.

Về phía Công ty Long Sơn, bị cáo Sửu cho rằng trước khi san ủi công ty đã có báo cáo cho UBND tỉnh. Sửu khai: “UBND tỉnh đã có công văn trả lời yêu cầu các cơ quan chức năng huyện Tuy Đức phối hợp để giải tỏa đất. Nghĩ rằng UBND tỉnh đã cho phép nên bị cáo đã cho người vào tiến hành giải tỏa”. Chủ tọa hỏi Sửu: Tại sao đi giải tỏa mà công ty chở theo đá trên xe máy cày? Sửu đáp: Do đường khó đi nên phải mang theo đá để san lấp những chỗ lầy lội cho xe qua. Khi chủ tọa vặn: “Lấp đường mà lại có các cục đá nhỏ?” thì bị cáo Sửu im lặng.

Bị cáo này phủ nhận việc chỉ đạo nhân viên tấn công lại người dân. Thấy vậy, chủ tọa nói: Phía công ty có chủ đích và có sự chuẩn bị kỹ bởi tài liệu điều tra thể hiện công ty đã nhiều lần tập huấn cho công nhân phương án giải tỏa và mua sắm các dụng cụ khiên, dao, rựa, gậy gộc. Nghe xong, bị cáo Sửu thừa nhận có tập huấn cho công nhân và chuẩn bị trước phương án giải tỏa.

Thiện thì khai tất cả việc xảy ra đều do Sửu chỉ đạo. “Bị cáo chỉ là người làm thuê nên cấp trên chỉ đạo thế nào thì làm như vậy. Bị cáo đã dẫn gần 30 người có trang bị gậy và trang phục bảo hộ nhằm bảo vệ xe ủi để san ủi đất. Thời điểm đó trên xe cày chở theo đá cục nhằm chống trả lại người dân nếu gặp phản kháng” - bị cáo Thiện khai.

Nhiều người dân xin làm chứng tại tòa

Trong phần xét hỏi, các luật sư bào chữa cho nhóm bị cáo nổ súng hỏi: “Trong hội trường có ai chứng kiến vụ nổ súng, biết về nguồn gốc đất và nguyên nhân tranh chấp đất giữa Công ty Long Sơn với người dân?”. Hàng chục cánh tay người dân dự khán giơ lên xin làm chứng.

Được tòa cho phép, một phụ nữ lớn tuổi trình bày bà sống tại tiểu khu 1535 và hôm xảy ra việc bắn người bà cũng trực tiếp gọi điện thoại cho công an báo. Gia đình bà sống tại tiểu khu này cùng hàng chục hộ dân khác trước khi tách tỉnh Đắk Nông năm 2004. Theo bà, việc Công ty Long Sơn nói rằng người dân lấn chiếm đất của công ty là không đúng.

Một người đàn ông cũng trình bày trước tòa rằng nhiều hộ dân đã sinh sống, sản xuất tại tiểu khu 1535 từ rất lâu, trước khi Công ty Long Sơn được giao đất. Sau khi hai bên mâu thuẫn, chính quyền huyện, tỉnh nhiều lần vào làm việc, có văn bản yêu cầu công ty không được tự ý cưỡng chế, phá bỏ cây trồng của người dân. “Công ty Long Sơn đã không chấp hành mới dẫn đến bức xúc khiến xảy ra vụ nổ súng. Nếu đất nhà tôi bị cưỡng chế, cây trồng bị chặt bỏ tôi cũng không giữ được bình tĩnh và cũng sẽ hành động như các bị cáo đây” - nhân chứng này nói. Khi nhân chứng này vừa dứt lời, tất cả người dân dự khán đã vỗ tay ủng hộ khiến HĐXX phải nhắc nhở giữ trật tự.

Hôm nay phiên tòa tiếp tục phần xét hỏi.

Làm rõ nguồn gốc đất

Phần xét hỏi buổi chiều HĐXX tập trung làm rõ về nguồn gốc đất tại tiểu khu 1535 và nguyên nhân dẫn đến tranh chấp, nổ súng.

Bị cáo Sửu cho rằng đất công ty quản lý được UBND tỉnh Đắk Nông có quyết định giao đất hợp pháp nhưng người dân vào xâm lấn trồng cây dẫn đến tranh chấp. HĐXX hỏi: Vì sao công ty được giao đất năm 2008 nhưng các cây trồng của người dân bị san ủi qua giám định nhiều cây trồng tuổi trên 12 năm? Khi tòa hỏi về việc thỏa thuận bồi thường cây trồng cho dân khi triển khai dự án, Sửu trả lời là không nhớ được thời điểm, số lần, số lượng được bồi thường.

Bị cáo Hiến và Bình khẳng định đã sinh sống, sản xuất ổn định trên khu đất trước khi công ty xuất hiện. Từ khi công ty được giao đất thì công ty liên tục đưa người đi cưỡng chế giải tỏa dẫn đến đánh nhau, bị cáo cầu cứu nhiều nhưng vẫn không được giải quyết. “Bản thân bị cáo đã từng bị công an bắt giam bảy tháng rồi thả ra mà không cho biết lý do. Bị cáo nghĩ bị bắt là do đấu tranh nhiều quá. Từ những việc này nên chúng tôi mất niềm tin, đã bàn nhau sẽ chống trả lại nếu công ty đưa người đến giải tỏa” - bị cáo Bình khai.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm