Cánh tay robot gãy, lỗi do ai?

Mới đây, TAND quận Tân Bình (TP.HCM) đưa vụ án kiện đòi bồi thường cánh tay robot bị gãy giữa Công ty Cổ phần Làn Sóng Thứ Ba và Công ty TNHH Viettrans Việt Nam (TNT) ra xét xử.

Gãy cổ tay, đòi bồi thường cả cánh tay

Tháng 11-2011, Làn Sóng Thứ Ba mua hai cánh tay robot ở nước Anh cho một gói thầu thiết bị giảng dạy trong trường học. Sau khi đóng gói thành hai kiện hàng (7 kg một kiện hàng), người gửi hàng đã giao cho TNT tại Anh để vận chuyển về Việt Nam. TNT lo luôn phần giới thiệu nhà môi giới hải quan cho Làn Sóng Thứ Ba để thực hiện phần nhập khẩu mậu dịch.

Ngày 28-11-2011, hàng về đến Việt Nam. Tại kho của TNT, đại diện Chi cục Hải quan chuyển phát nhanh và nhà môi giới hải quan đã làm thủ tục kiểm hóa cho hàng thông quan. Hai bên xác nhận hàng nhập đúng khai báo, hai thùng bên ngoài vuông vắn bình thường, không phát hiện bất thường.

Tuy nhiên, sau đó người môi giới hải quan đã thông báo cho TNT biết khi mở ra thấy một cánh tay bị gãy ở phần… cổ tay. TNT gọi cho Làn Sóng Thứ Ba cho biết và mời đến xác nhận. Từ đây tranh chấp nảy sinh.

Cho rằng TNT có lỗi trong vận chuyển khiến hàng gãy nên Làn Sóng Thứ Ba yêu cầu TNT phải bồi thường. Nhiều lần làm việc để giải quyết sự cố không thành nên tháng 12-2012, Làn Sóng Thứ Ba đã kiện TNT yêu cầu bồi thường toàn bộ giá trị cánh tay hơn 51 triệu đồng.

Tại vận chuyển hay tại đóng gói?

Tại tòa, TNT chỉ đồng ý hỗ trợ 140 euro (khoảng 3 triệu đồng). HĐXX đã hòa giải nhưng hai bên vẫn không tìm được tiếng nói chung. Trong khi nguyên đơn yêu cầu TNT bồi thường một nửa giá trị và phải đưa lại cánh tay bị gãy này để xem xét có thể sử dụng linh kiện hay không thì TNT bảo rằng “muốn giữ khách nên đồng ý hỗ trợ 20% giá trị cánh tay vì đã miễn cước vận chuyển và thuế nhập khẩu rồi”. Hòa giải không thành, tòa tiếp tục xét xử.

Làn Sóng Thứ Ba cho rằng cánh tay robot bị gãy là do lỗi trong quá trình vận chuyển. Do đó căn cứ vào Điều 539 BLDS về nghĩa vụ của bên vận chuyển thì TNT phải bồi thường. “Trước khi đóng hàng, người gửi hàng đã chụp ảnh hai cánh tay robot nguyên vẹn gửi cho chúng tôi xem. Khi giao hàng cho TNT tại Anh, người gửi hàng đã đóng gói trong túi xốp khí, xếp cẩn thận vào thùng và kê khai đầy đủ theo yêu cầu của TNT. TNT tại Anh đã kiểm tra và không có ý kiến gì về việc đóng gói, sau đó đã làm thủ tục nhận hàng. Khi xảy ra rủi ro, TNT lại đổ cho quá trình đóng gói. Rồi TNT còn phát hành công văn từ chối trách nhiệm ngay tại thời điểm đó. Nhiều lần TNT cho rằng chỗ bị gãy ở cánh tay là mối nối nên có thể không đủ độ cứng cần thiết để vận chuyển một quãng đường dài, tuy nhiên chúng tôi khẳng định chất liệu làm cánh tay là đảm bảo độ cứng vì cánh tay còn lại cũng do TNT vận chuyển đã về Việt Nam an toàn. TNT có lỗi và phải bồi thường, đó là điều đương nhiên”.

Ngược lại, TNT cho rằng: “Chúng tôi không chịu trách nhiệm về phần hàng bên trong. Chúng tôi chỉ bảo đảm rằng nhận hàng ở Anh nguyên đai nguyên kiện thì về Việt Nam cũng nguyên đai nguyên kiện, trong tình trạng tốt, không móp, rách hay thủng. Còn phần bên trong chèn lót thế nào đó mà để cánh tay gãy thì ngoài trách nhiệm của TNT. Bên nguyên đơn khẳng định cánh tay đủ độ cứng thì chúng tôi không có ý kiến vì chúng tôi không phải nhà sản xuất hay nhà kỹ thuật để có thể rõ những vấn đề đó”.

Không ai chịu ai

Nguyên đơn cho rằng đã yêu cầu báo giá vận chuyển và báo giá làm dịch vụ hải quan để giao hàng theo dịch vụ door to door (nhận hàng từ người gửi và giao hàng tại địa chỉ người nhận). Do đó, khi hàng về Việt Nam làm thủ tục hải quan thì trách nhiệm về việc giao hàng của TNT vẫn chưa xong. “Chúng tôi hoàn toàn không biết khi hàng về Việt Nam và kiểm hàng tại kho của TNT thì hàng có được đảm bảo an toàn trong sự cẩn trọng cần thiết hay không. Nếu quá trình kiểm tra đã làm hư hỏng, sau đó đóng gói lại như cũ thì thùng vẫn còn nguyên vẹn” - nguyên đơn trình bày.

TNT cho rằng quá trình kiểm hàng nếu có vấn đề gì làm ảnh hưởng đến chất lượng hàng thì ngoài tầm kiểm soát của TNT, bởi “giai đoạn này nằm trong phần giám sát của Chi cục Hải quan chuyển phát nhanh và nhà môi giới hải quan. Lỗi là thuộc người gửi hàng, chèn lót bên trong không cẩn thận. Hoặc thậm chí ngay cả sản phẩm khi gửi đã bị lỗi thì chúng tôi không thể biết được. Niêm phong sao thì giao vậy thôi. Nếu khách hàng có mua dịch vụ vận chuyển tăng cường thì có hư hỏng TNT sẽ bồi thường 100%”. Từ đó TNT từ chối bồi thường.

Phản bác, nguyên đơn nói: “Trong báo giá cước vận chuyển, TNT không đề cập đó là cước thông thường hay tăng cường. TNT báo bao nhiêu chúng tôi đóng bấy nhiêu. Chúng tôi không hề biết cước vận chuyển mà mình đóng là cho dịch vụ tăng cường hay thông thường. Khi nhận hàng TNT cũng không cảnh báo về rủi ro khi vận chuyển và cũng không đưa ra hai hình thức phí để khách hàng chọn. Vận đơn không thể hiện dịch vụ tăng cường hay thông thường mà chỉ ghi cước phí nhanh hay chậm. Cước phí tăng cường là một loại dịch vụ cộng thêm. Tất cả nhà vận chuyển khi lấy hàng đều hỏi khách hàng là có muốn mua bảo hiểm hay không, còn TNT thì không hỏi mà chỉ báo giá. TNT phải hướng dẫn vì chúng tôi đã giao toàn quyền nhận hàng và giao hàng cho TNT rồi”.

Đối đáp lại, bị đơn nói: “Chúng tôi không thông báo vì giá trị tăng thêm không bắt buộc, khách hàng có quyền lựa chọn. Chúng tôi chỉ biết trọng lượng, kích cỡ hàng và dịch vụ khách chọn để báo giá vì là vận chuyển thông thường. Lô hàng này chỉ thu cước vận chuyển, không thu thêm cước theo giá trị tăng thêm. Và khi ký vào vận đơn thì khách hàng đã hiểu rằng nội dung chèn lót bên trong là thuộc người gửi. Hơn nữa, khách hàng quan tâm đến dịch vụ chuyển phát nhanh tiết kiệm chứ không phải dịch vụ vận chuyển thông thường hay tăng cường”.

***

Hai bên cương quyết bảo vệ quan điểm. Nguyên đơn cho rằng bị đơn có lỗi vận chuyển làm hàng hư hỏng thì phải bồi thường toàn bộ giá trị hàng. Nguyên đơn bị thiệt hại nhiều bởi đã phải nhập hai cánh tay khác để đảm bảo đúng tiến độ gói thầu. Trong khi đó, bị đơn chỉ đồng ý hỗ trợ bởi mình không có trách nhiệm đối với phần hàng bên trong.

Sau cùng, tòa quyết định hoãn xử để đưa Công ty Toàn Nam (nhà môi giới hải quan) vào tham gia tố tụng với tư cách người liên quan để làm rõ trách nhiệm và xác định lỗi trong vấn đề cánh tay robot bị gãy.

 

Nghĩa vụ của bên vận chuyển

Bên vận chuyển có các nghĩa vụ sau đây: 1- Bảo đảm vận chuyển tài sản đầy đủ, an toàn đến địa điểm đã định, theo đúng thời hạn; 2- Trả tài sản cho người có quyền nhận; 3- Chịu chi phí liên quan đến việc chuyên chở tài sản, trừ trường hợp có thỏa thuận khác; 4- Mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự theo quy định của pháp luật; 5- Bồi thường thiệt hại cho bên thuê vận chuyển trong trường hợp bên vận chuyển để mất mát, hư hỏng tài sản do lỗi của mình, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.

(Điều 539 BLDS)

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại

- Bên vận chuyển phải bồi thường thiệt hại cho bên thuê vận chuyển, nếu để tài sản bị mất mát hoặc hư hỏng, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 541 của bộ luật này.

- Bên thuê vận chuyển phải bồi thường thiệt hại cho bên vận chuyển và người thứ ba về thiệt hại do tài sản vận chuyển có tính chất nguy hiểm, độc hại mà không có biện pháp đóng gói, bảo đảm an toàn trong quá trình vận chuyển.

- Trong trường hợp bất khả kháng dẫn đến tài sản vận chuyển bị mất mát, hư hỏng hoặc bị hủy hoại trong quá trình vận chuyển thì bên vận chuyển không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.

(Điều 546 BLDS)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm