Chậm chi trả bồi thường oan cho dân, vì sao?

Trước đây ông Nguyễn Thanh Cần (ngụ tỉnh Tây Ninh) bị truy tố về tội trộm cắp tài sản nhưng TAND tỉnh Tây Ninh đã tuyên ông không phạm tội và trả tự do ngay tại phiên tòa từ 3-7-2013. Gần hai năm sau, cuối tháng 4-2015, ông Cần đã nhận được quyết định bồi thường oan với số tiền 153 triệu đồng.

Chờ mãi chẳng thấy tiền đâu

Từ đó đến nay ông Cần vẫn chưa nhận được số tiền bồi thường nói trên. Quá bức xúc, ngày 9-11-2015, ông đã gửi đơn đến TAND tỉnh Tây Ninh khởi kiện VKS tỉnh về việc chưa bồi thường cho ông, đồng thời yêu cầu VKScông khai xin lỗi.

Ông Cần là trường hợp đầu tiên quyết định nộp đơn khởi kiện cơ quan làm oan vì chậm được bồi thường oan và xin lỗi công khai. Trên thực tế, hầu hết các vụ việc được Nhà nước bồi thường tương tự cũng đều gặp phải sự chậm trễ trong chi trả tiền bồi thường, chỉ có điều người được bồi thường không nộp đơn khởi kiện như ông Cần mà vẫn ráng chờ đợi. Theo số liệu của Bộ Tư pháp, trong sáu năm thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, các cơ quan chức năng đã thụ lý, giải quyết 258 vụ việc yêu cầu đòi bồi thường. Trong đó, các cơ quan liên quan đã giải quyết xong 204 vụ nhưng số vụ chi trả tiền xong chỉ 142. Tổng số tiền phải chi trả là hơn 111 tỉ đồng nhưng số tiền đến tay người được bồi thường chỉ mới có 49 tỉ đồng.

Thủ tục xin cấp kinh phí phức tạp, nhiều cửa

Theo quy định hiện hành, đối với trường hợp cơ quan có trách nhiệm bồi thường là cơ quan ngang cấp như các sở thuộc UBND tỉnh hay UBND huyện, UBND xã thì thời gian tối đa kể từ khi bản án, quyết định giải quyết bồi thường có hiệu lực pháp luật đến ngày chi trả tiền bồi thường là 20 ngày làm việc (không tính thời gian sửa đổi, bổ sung hồ sơ). Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ cần sửa đổi, bổ sung, thời gian tối đa để chi trả tiền bồi thường cũng không vượt quá 35 ngày.

Đối với trường hợp cơ quan có trách nhiệm bồi thường là cơ quan ngành dọc, thời gian tối đa kể từ ngày bản án, quyết định giải quyết bồi thường có hiệu lực đến khi chi trả tiền bồi thường là 25 ngày làm việc đối với trường hợp hồ sơ đề nghị cấp kinh phí bồi thường đã hợp lệ và 40 ngày làm việc đối với trường hợp hồ sơ đề nghị cấp kinh phí bồi thường chưa hợp lệ.

Ông Nguyễn Thanh Cần, người nộp đơn khởi kiện VKSND tỉnh Tây Ninh vì chậm nhận được tiền bồi thường và chưa được xin lỗi công khai. Ảnh: T.TÙNG

Vậy vì sao lại có chuyện chậm chi trả tiền bồi thường cho người dân? Lãnh đạo Cục Bồi thường nhà nước (Bộ Tư pháp) lý giải việc này có nguyên nhân là do quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục chi trả tiền bồi thường còn chưa hợp lý. Chẳng hạn, luật quy định thời gian năm ngày làm việc để cơ quan quản lý cấp trên thẩm định hồ sơ đề nghị cấp kinh phí là quá ngắn…

Trong khi đó, một đại diện của Bộ Tài chính cho rằng việc cấp phát kinh phí phải trải qua nhiều cơ quan xem xét, thẩm định và phê duyệt nên không bảo đảm thời hạn quy định. Chẳng hạn, trường hợp một chi cục thi hành án (THA) dân sự là cơ quan phải bồi thường thì trước hết chi cục THA đó phải lập hồ sơ gửi cục THA thẩm định. Sau đó, cục THA sẽ có văn bản gửi Tổng cục THA thẩm định. Sau khi Tổng cục THA thẩm định xong sẽ chuyển hồ sơ đề nghị bồi thường cho Vụ Kế hoạch Tài chính. Vụ này tiếp tục thẩm định và chuẩn bị văn bản trình lãnh đạo Bộ Tư pháp ký đề nghị Bộ Tài chính xem xét cấp bổ sung kinh phí bồi thường...

Nên lập quỹ bồi thường nhà nước?

Để việc chi trả tiền bồi thường thuận lợi hơn cho người dân và ngay cả với cơ quan có trách nhiệm bồi thường, Phó Cục trưởng Cục THA TP Hà Nội Nguyễn Quang Thái đề xuất nên sửa luật theo hướng quy định tất cả cơ quan nhà nước khi thực hiện nhiệm vụ phải trích quỹ bồi thường nhà nước ngay từ đầu, giống một dạng bảo hiểm rủi ro.

Nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên cũng nêu ý tưởng về việc lập quỹ bồi thường nhà nước, nguồn tiền trích từ tiền xử phạt vi phạm hành chính. “Người dân vi phạm thì bị xử phạt, thậm chí phạt rất nặng. Vậy tại sao không lấy ngân sách đó để chi trả lại cho người dân khi Nhà nước làm sai? Như vậy mới là sòng phẳng!” - ông Liên nói.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Phó Cục trưởng Cục Bồi thường nhà nước Nguyễn Tố Hằng cho biết Cục dự kiến đề xuất sửa đổi nội dung này theo hướng quy định một mục chi nhất định trong ngân sách nhà nước về kinh phí bồi thường và sẽ giao vào dự toán hằng năm kinh phí bồi thường cho cơ quan có trách nhiệm bồi thường.

Hai phương thức chi trả

Theo quy định hiện hành, việc chi trả tiền bồi thường được thực hiện theo một trong hai phương thức:

- Đề nghị cấp kinh phí theo thủ tục thông thường: Sau khi quyết định giải quyết bồi thường có hiệu lực pháp luật hoặc bản án của tòa án có hiệu lực pháp luật, cơ quan có trách nhiệm bồi thường thực hiện thủ tục đề nghị cơ quan tài chính có thẩm quyền cấp kinh phí.

- Đề nghị cấp kinh phí theo thủ tục ứng trước: Sau khi quyết định giải quyết bồi thường có hiệu lực pháp luật hoặc bản án của tòa án có hiệu lực pháp luật, nếu cơ quan có trách nhiệm bồi thường xét thấy kinh phí tại cơ quan mình (kinh phí khoán thực hiện nhiệm vụ hằng năm) còn đủ để thực hiện việc chi trả bồi thường thì cơ quan có trách nhiệm bồi thường chủ động sử dụng kinh phí của mình để chi trả, sau đó đề nghị cơ quan tài chính có thẩm quyền cấp bổ sung kinh phí đã chủ động chi trả nêu trên.

Trên thực tế, hầu hết các vụ chi trả tiền bồi thường được thực hiện theo phương thức thứ nhất.

Khó lập dự toán kinh phí bồi thường

Theo quy định, hằng năm căn cứ thực tế bồi thường năm trước, Bộ Tài chính phối hợp các bộ, ngành trung ương lập dự toán, tổng hợp dự toán kinh phí bồi thường của cơ quan trung ương trình Chính phủ, trình Quốc hội xem xét quyết định trong dự toán ngân sách trung ương. Sở Tài chính phối hợp các sở, ban ngành địa phương lập dự toán kinh phí bồi thường và tổng hợp trong dự toán ngân sách địa phương trình UBND cấp tỉnh để trình HĐND cùng cấp xem xét quyết định. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhiều cơ quan chưa phát sinh vụ việc bồi thường nhà nước nào nên rất khó có căn cứ thực tế để lập dự toán kinh phí bồi thường cho năm tiếp theo.

NGUYỄN TỐ HẰNG, Phó Cục trưởng
Cục Bồi thường nhà nước

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm