Chậm trả nợ, bị xử 15 năm tù

Ngày 12-5, TAND tỉnh An Giang vừa đưa ra xét xử và tuyên phạt bị cáo Nguyễn Tấn Khoa (ở Châu Phú, An Giang) 15 năm tù về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Vụ án này một lần nữa gây tranh cãi vì có dấu hiệu hình sự hóa quan hệ dân sự, có khả năng làm oan bị cáo.

Theo cáo trạng, từ năm 2010 đến tháng 8-2013, ông Khoa cần tiền thu mua lúa nếp nên đã vay của ba bị hại tổng cộng 10,7 tỉ đồng, lãi suất từ 2,5%-3%/tháng. Ngày 17-12-2013, ông Khoa bán hết số nếp trong kho được hơn 4,3 tỉ đồng. Khi nhận được tiền, ông không trả cho ba người bị hại mà lại đem trả nợ người khác và trả nợ ngân hàng, lấy sổ đỏ về sang cho con trai đứng tên. Còn lại 1,25 tỉ đồng, ông Khoa gửi ngân hàng (số tiền này sau đó đã được chia cho ba bị hại nhằm giúp bị cáo khắc phục hậu quả).

Bị cáo Nguyễn Tấn Khoa (phải) đang trao đổi với luật sư tại phiên tòa. Ảnh: LỆ TRINH

Để chiếm đoạt tài sản của các bị hại, ông Khoa đã lập hợp đồng mua bán giả, theo đó ông có bán lô hàng trị giá hơn 8 tỉ đồng cho một người tên Trí nhưng người này chưa thanh toán tiền.

Quá trình điều tra và tại tòa, bị cáo khai nhận toàn bộ quá trình vay nợ như cáo trạng đã nêu và trình bày nguyên nhân do làm ăn thua lỗ. Bị cáo xác nhận mình có lỗi lớn là đã chậm trễ thanh toán cho các chủ nợ.

Đối với khoản vay 2 tỉ đồng của ông Nguyễn Xuân Bách, ông chỉ mới trả lãi gần 470 triệu đồng. Còn khoản nợ 1,5 tỉ đồng của ông Đặng Văn Quảng, từ năm 2011 đến 2013, ông đã trả lãi gần 1,2 tỉ đồng. Khoản vay 7,2 tỉ đồng của vợ chồng ông Nguyễn Văn Dũng, ông đã trả lãi 1,3 tỉ đồng. Việc trả lãi này đều có chứng từ, cơ quan điều tra (CQĐT) đã cho các bên đối chất và xác nhận.

Đầu năm 2013, ông Dũng yêu cầu ông phải trả cả lãi lẫn vốn một lần, vì quá đột xuất nên ông đã lập hợp đồng mua bán giả với ông Trí, rằng ông Trí mua lúa chưa trả tiền nên xin ông Dũng cho thêm thời gian.

Lúc bán số nếp cuối cùng, vì ông còn nhiều khoản nợ khác và cả nợ ngân hàng (mục đích vay đều để kinh doanh) nên ông quyết định trả các khoản mà chủ nợ đang siết. Nợ ngân hàng là 1,5 tỉ đồng, vì lỡ thế chấp đất hương hỏa, ông phải chuộc ra để chuyển cho con trai đứng tên. Còn lại 1,25 tỉ đồng ông mang đến trả cho ông Dũng và thú thật việc lập hợp đồng mua bán giả. Ông Dũng kiên quyết không nhận tiền, đòi ông phải trả đủ một lần. Cuối cùng, ông xin thế chấp các tài sản gồm: một nhà kho 815 m2, một nhà kho 400 m2, 1.700 m2 đất trồng mai (trên đất có 1.500 cây mai) và 117 m2 đất thổ cư. Ông Dũng đồng ý lập biên bản và ký tên nhưng ngay ngày hôm sau (24-2-2014) thì ông Dũng có đơn tố cáo ông lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Khi luật sư của bị cáo hỏi, ông Dũng nhiều lần khẳng định: “Tôi chưa từng đòi nợ ông Khoa lần nào, tôi chỉ kiện buộc ông Khoa phải trả nợ”. Ngoài ra ông Dũng còn khai thêm: “Trước đây, lúc ông Khoa làm ăn được cũng nhiều lần cho vợ chồng tôi vay tiền làm ăn”.

Tại phiên tòa, đại diện VKS đưa ra các tình tiết giảm nhẹ của bị cáo (chưa có tiền án, tiền sự, thành khẩn khai báo) và yêu cầu HĐXX xem xét xử nhẹ cho bị cáo. Sau khi nghị án, tòa đã tuyên phạt bị cáo 15 năm tù, mức án cao nhất theo đề nghị của VKS.

Mời bạn đọc xem phần Bình luận án Kết tội kiểu này nhà tù nào chưa cho hết! của Thạc sĩ Đinh Văn Quế, nguyên Chánh tòa Hình sự TAND Tối cao.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Hôm nay, chủ tịch Tân Hoàng Minh hầu tòa

Hôm nay, chủ tịch Tân Hoàng Minh hầu tòa

(PLO)- Cáo trạng xác định có hơn 6.600 khách hàng đã ký hợp đồng đầu tư trái phiếu, hợp đồng chuyển nhượng và bị Tập đoàn Tân Hoàng Minh chiếm đoạt 8.600 tỉ đồng.

Ngẫm chuyện bồi thường và quy hoạch treo

Ngẫm chuyện bồi thường và quy hoạch treo

(PLO)- Chậm chân, vướng quy hoạch nên không thể chuyển mục đích sử dụng đất khiến hai mảnh đất liền kề chênh lệch 10 lần về giá bồi thường vì bên đất nông nghiệp, bên đất ở. Đây là thực tế đáng suy ngẫm về công tác quy hoạch và chính sách bồi thường...