Chỉ giám định hàm lượng ma túy án từ 20 năm tù trở lên?

Một vấn đề gây nhiều tranh luận liên quan đến việc bổ sung quy định về vấn đề xác định hàm lượng để quy ra khối lượng hoặc thể tích chất ma túy làm cơ sở cho việc xử lý hình sự.

Xác định hàm lượng để quy ra khối lượng hoặc thể tích chất ma túy 

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết dự thảo luật quy định cần phải xác định hàm lượng chất ma túy thu giữ được để quy ra khối lượng hoặc thể tích chất ma túy làm cơ sở cho việc xử lý hình sự nếu thuộc một trong năm trường hợp sau: (1) phạm tội về ma túy quy định tại khoản 4 các điều từ Điều 248 đến Điều 252 của BLHS năm 2015 (có mức phạt đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình); (2) chất ma túy ở thể rắn được hòa thành dung dịch; (3) chất ma túy ở thể lỏng đã được pha loãng; (4) xái thuốc phiện; (5) thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long

Theo ông Long, quan điểm của Chính phủ là BLHS năm 1999 và BLHS năm 2015 đều không có quy định về vấn đề xác định hàm lượng để quy ra khối lượng hoặc thể tích chất ma túy làm cơ sở cho việc xử lý hình sự.

Trên thực tế thời gian qua, các cơ quan tố tụng có cách hiểu rất khác nhau, không thống nhất về vấn đề xác định các chất ma túy được quy định trong BLHS và các ngành đề nghị cần quy định rõ vấn đề này trong BLHS. Do vậy, việc bổ sung vào BLHS nội dung quy định về xác định hàm lượng để quy ra khối lượng hoặc thể tích các chất ma túy là cần thiết, góp phần bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong thực tiễn.

“Mặc dù phương án này chưa bảo đảm được sự công bằng tuyệt đối trong mọi trường hợp phạm tội về ma túy nhưng ở một chừng mực nhất định, nó thể hiện mức độ hài hòa tương đối giữa yêu cầu bảo vệ quyền con người, quyền công dân và yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy trong một số trường hợp phạm tội về ma túy, nhất là, trong trường hợp người phạm tội có khả năng bị áp dụng mức hình phạt cao, cũng như phù hợp với khả năng thực tế thực hiện giám định hàm lượng các chất ma túy ở nước ta trong giai đoạn hiện nay” - Bộ trưởng Tư pháp nói.

Không hợp lý

Chủ nhiệm Ủy  ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết riêng vấn đề này trong ủy ban đã có ba loại ý kiến khác nhau. Đáng chú ý, loại ý kiến thứ nhất không tán thành với quy định của dự thảo luật vì trong cùng một điều luật, ở các khoản có khung hình phạt đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình thì phải giám định hàm lượng để quy ra khối lượng hoặc thể tích, trong khi đó, khoản 1, 2 và 3 lại không quy định giám định hàm lượng là bất bình đẳng trong chính sách hình sự.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp nêu dẫn chứng, một người mua bán 100 g heroin, quy định như dự thảo luật sẽ phải giám định hàm lượng. Sau khi giám định, xác định tỉ lệ dưới 1% heroin, quy ra khối lượng chỉ còn dưới 1 g. Như vậy họ sẽ chỉ bị áp dụng khoản 1 Điều 251 BLHS năm 2015 để xử lý với khung hình phạt cao nhất đến bảy năm tù. Trong khi một người khác mua bán 99 g heroin thuộc khoản 3 có khung hình phạt đến 20 năm tù thì không phải giám định hàm lượng và áp dụng ngay khoản này để xử phạt, người đó có thể bị phạt tới 20 năm tù.

Một bất cập khác, quy định này sẽ dẫn đến việc buộc phải giám định hàm lượng để tính khối lượng hoặc thể tích mới biết người đó phạm tội thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hay đặc biệt nghiêm trọng để xác định thẩm quyền tố tụng, thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, miễn trách nhiệm hình sự… là không hợp lý, gây khó khăn trong công tác điều tra, truy tố, xét xử và không bảo đảm tính kịp thời trong đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Bên cạnh đó, thực tiễn xử lý thời gian qua cho thấy nhiều vụ án ma túy là án truy xét, không thu giữ được ma túy nên không giám định được hàm lượng để quy ra khối lượng; một số vụ xử lý trách nhiệm hình sự căn cứ vào ý thức chủ quan của người phạm tội và các chứng cứ khác, mà không phụ thuộc vào hàm lượng chất ma túy.

Thảo luận tại tổ TP.HCM, Viện trưởng VKSND TP.HCM Dương Ngọc Hải cho rằng quy định như dự thảo là “không hợp lý”.

“Một vụ án có nhiều đối tượng phạm tội, có khả năng đối tượng mua bán nhiều hơn khi giám định hàm lượng lại rơi vào khoản 1, khoản 2 có mức hình phạt thấp hơn đối tượng ở khoản 3” - ông Hải nói.

ĐB Trịnh Ngọc Thúy cũng cho rằng “cần thiết giám định thì giám định hết, không giám định thì không giám định hết” chứ không nên quy định như dự thảo.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Hôm nay, chủ tịch Tân Hoàng Minh hầu tòa

Hôm nay, chủ tịch Tân Hoàng Minh hầu tòa

(PLO)- Cáo trạng xác định có hơn 6.600 khách hàng đã ký hợp đồng đầu tư trái phiếu, hợp đồng chuyển nhượng và bị Tập đoàn Tân Hoàng Minh chiếm đoạt 8.600 tỉ đồng.

Ngẫm chuyện bồi thường và quy hoạch treo

Ngẫm chuyện bồi thường và quy hoạch treo

(PLO)- Chậm chân, vướng quy hoạch nên không thể chuyển mục đích sử dụng đất khiến hai mảnh đất liền kề chênh lệch 10 lần về giá bồi thường vì bên đất nông nghiệp, bên đất ở. Đây là thực tế đáng suy ngẫm về công tác quy hoạch và chính sách bồi thường...