Chỉ ‘yêu cầu xử lý’ bằng miệng: Xử được!

Ngày 15-12, TAND TP Cần Thơ đã tuyên phạt Nguyễn Thanh Hùng 16 năm tù về tội giết người, một năm tù về tội cố ý gây thương tích, tổng hợp hình phạt chung là 17 năm tù. Cùng hai tội này, ba đồng phạm của Hùng là Phan Thanh Kiều, Phạm Văn Vô, Nguyễn Thanh Tuấn lần lượt lãnh từ 12 năm chín tháng tù đến 14 năm tù. Ngoài ra, tòa còn phạt Nguyễn Văn Nhỏ một năm tù treo về tội cố ý gây thương tích. Đồng thời, tòa tuyên buộc các bị cáo phải liên đới bồi thường cho phía bị hại tổng cộng gần 160 triệu đồng và cấp dưỡng nuôi hai con của người chết đến khi đủ 18 tuổi.

Vấn đề gây tranh cãi

Như Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh, chiều 14-1, Hùng, Tuấn, Vô, Kiều tổ chức uống rượu. Tuấn kể việc NHT đòi dỡ nhà, đánh bác của Tuấn rồi rủ cả nhóm tìm T. đánh trả thù. Gặp T., Tuấn lấy dao đâm T. một nhát nhưng không trúng. T. bỏ chạy, cả nhóm đuổi theo đánh (Kiều không đánh nhưng đứng cổ vũ). Nhỏ (cha Hùng) đi theo cũng xông vào câu cổ T., dùng tay đánh vào đầu. Tuấn cầm dao đâm một nhát trúng lưng T. gây thương tật 5%. Cha và em của T. chạy tới can. Cha của T. xô Tuấn ngã thì bị Hùng đâm một nhát vào bụng nên tử vong sau đó...

Tại phiên tòa, giữa đại diện VKSND và luật sư (LS) đã tranh luận khá quyết liệt về một số vấn đề pháp lý. Trong đó đáng chú ý, theo các LS, hành vi cố ý gây thương tích của các bị cáo thuộc trường hợp chỉ được khởi tố theo yêu cầu của người bị hại hoặc đại diện của người bị hại (Điều 105 BLTTHS).

Theo Thông tư liên tịch số 05/2005 của VKSND Tối cao - Bộ Công an - Bộ Quốc phòng, yêu cầu khởi tố của người bị hại hoặc đại diện phải được thể hiện bằng đơn. Nếu người này trực tiếp trình bày thì CQĐT, VKSND phải lập biên bản ghi rõ nội dung yêu cầu khởi tố, có ký tên hoặc điểm chỉ. Ở đây, T. chỉ có lời khai với CQĐT là “yêu cầu xử lý theo pháp luật” là không đúng quy định trên. Mặt khác, quyết định khởi tố theo yêu cầu phải có nội dung “căn cứ theo đơn yêu cầu của người bị hại” nhưng CQĐT lại chỉ “căn cứ theo Điều 104 BLHS” là không ổn. Cạnh đó, ngày 2-12, khi tòa đưa vụ án ra xử thì trong hồ sơ không có đơn yêu cầu của T. Đến ngày 7-12, T. mới bổ sung đơn đề nghị CQĐT khởi tố. Từ đó, các LS cho rằng không có cơ sở truy tố các bị cáo về tội cố ý gây thương tích.

Đại diện VKSND thì khẳng định khi làm việc với CQĐT, T. đã có yêu cầu xử lý hành vi cố ý gây thương tích của các bị cáo. Điều 105 BLTTHS không bắt buộc người bị hại phải có đơn mà chỉ nói người bị hại có yêu cầu là được...


Các bị cáo Nhỏ, Kiều, Vô, Tuấn, Hùng (từ trái sang) đang nghe tòa tuyên án. Ảnh: N.NAM

Tòa đồng tình với VKSND

Theo TAND TP Cần Thơ, quan điểm của các LS là người bị hại T. không có đơn yêu cầu khởi tố hình sự nên không thể truy tố, xét xử các bị cáo về tội cố ý gây thương tích là không đúng tinh thần của Điều 105 BLTTHS, “chứng tỏ sự sai lầm về nhận thức pháp luật”.

Tòa phân tích: Điều luật chỉ quy định điều kiện khởi tố vụ án là có yêu cầu của người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của bị hại chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất chứ không đặt ra quy định về hình thức văn bản của yêu cầu. Trong vụ án này, người bị hại T. đã có yêu cầu “xử lý theo pháp luật” nhóm bị cáo ngay khi CQĐT đến lấy lời khai tại bệnh viện. Xuyên suốt quá trình tố tụng, người bị hại vẫn giữ yêu cầu xử lý hình sự những người đã gây thương tích cho mình nên việc truy tố, xét xử các bị cáo về tội cố ý gây thương tích là không trái với pháp luật.

“LS  đưa ra quan điểm không đúng với tinh thần của điều luật, đã tác động lên tâm lý chối bỏ trách nhiệm của các bị cáo đối với hành vi sai trái mà mình đã gây ra cho người bị hại, ảnh hưởng xấu đến nhận thức và quá trình cải tạo của bản thân các bị cáo” - tòa nhận định.

Tòa nhận định đúng

Về mặt pháp lý, LS Lưu Văn Tám (Phó Chủ nhiệm Đoàn LS tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) đã đồng tình với lập luận của tòa.

Theo ông, yêu cầu “xử lý theo pháp luật” của người bị hại T. đã bao hàm cả việc yêu cầu xử lý về mặt hình sự và bồi thường dân sự (nếu có). Về hình thức thì không nên hiểu máy móc là mọi trường hợp đều phải có yêu cầu bằng văn bản. Nếu sự việc xảy ra xong nhiều giờ rồi người bị hại mới đến công an địa phương trình báo thì lúc này cần có văn bản thể hiện rõ ý kiến của người bị hại để chuyển hồ sơ lên CQĐT có thẩm quyền. Nhưng sự việc vừa xảy ra tức thì CQĐT đến bệnh viện lấy lời khai người bị hại thì cũng được coi là văn bản ghi nhận yêu cầu của người bị hại. Tất nhiên, nếu làm chặt chẽ hơn thì CQĐT nên giải thích rõ quyền của người bị hại và có văn bản ghi rõ ý kiến của họ.

“Người bị hại trình bày bằng miệng và được cơ quan có thẩm quyền ghi nhận cũng không sao” - một thẩm phán chuyên xét xử hình sự ở TAND TP.HCM cũng nhận xét.

Theo ông, trong quá trình xét xử, tòa sẽ kiểm tra lại ý chí của người bị hại bằng cách hỏi xem người bị hại còn yêu cầu xử lý hình sự hay không, có bị ép buộc gì hay không... Ở đây, từ đầu đến cuối người bị hại không thay đổi ý chí, thậm chí trong thời gian phiên tòa diễn ra còn có đơn yêu cầu khởi tố bổ sung thì đã đảm bảo về mặt tố tụng. “Việc CQĐT ghi nhận lời khai của người bị hại vào hồ sơ vụ án cũng là một hình thức xác nhận yêu cầu khởi tố đó nên không trái với Thông tư liên tịch số 05/2005” - vị thẩm phán này khẳng định.

Không nhất thiết phải yêu cầu bằng văn bản

Theo tôi, phải hiểu quy định tại Điều 105 BLTTHS theo hướng chỉ cần người bị hại có yêu cầu xử lý hình sự là đã đảm bảo điều kiện để CQĐT khởi tố vụ án. Trong vụ này, khi công an đến bệnh viện lấy lời khai, người bị hại đã yêu cầu “xử lý theo pháp luật” hành vi của những người đánh mình, tức là ý chí của người bị hại đã đảm bảo đúng theo tinh thần của điều luật.

Ngoài ra, Điều 105 BLTTHS không bắt buộc người bị hại phải có yêu cầu bằng văn bản nên yêu cầu bằng miệng cũng được coi là hợp pháp. Tất nhiên, những trường hợp người bị hại là người chưa thành niên hoặc có nhược điểm về thể chất và tinh thần thì phải có ý kiến bằng miệng hoặc bằng văn bản của người đại diện hợp pháp của họ.

TS VÕ THỊ KIM OANH, Trưởng khoa Luật hình sự
Trường ĐH Luật TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Hôm nay, chủ tịch Tân Hoàng Minh hầu tòa

Hôm nay, chủ tịch Tân Hoàng Minh hầu tòa

(PLO)- Cáo trạng xác định có hơn 6.600 khách hàng đã ký hợp đồng đầu tư trái phiếu, hợp đồng chuyển nhượng và bị Tập đoàn Tân Hoàng Minh chiếm đoạt 8.600 tỉ đồng.

Ngẫm chuyện bồi thường và quy hoạch treo

Ngẫm chuyện bồi thường và quy hoạch treo

(PLO)- Chậm chân, vướng quy hoạch nên không thể chuyển mục đích sử dụng đất khiến hai mảnh đất liền kề chênh lệch 10 lần về giá bồi thường vì bên đất nông nghiệp, bên đất ở. Đây là thực tế đáng suy ngẫm về công tác quy hoạch và chính sách bồi thường...