‘Chiếc áo’ của phiên tòa

Các phán quyết của tòa án không chỉ mang tính chất quyền lực nhà nước mà còn phản ánh đầy đủ và sâu sắc nhất bản chất tạo nên công lý của chế độ. Hoạt động xét xử tại phiên tòa giữ một vị trí rất quan trọng, là nơi tập trung trí tuệ, nơi thể hiện đầy đủ nhất trình độ, năng lực, kinh nghiệm nghề nghiệp của những người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng. Mọi sự tranh tụng tại phiên tòa, người tham gia tranh tụng có cơ hội để thể hiện mình trước “công đường”. Tất cả điều đó chỉ có thể được thực hiện thông qua hình thức phiên tòa.

Tại phiên tòa, không chỉ có những người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng mà tùy thuộc vào từng vụ án mà phiên tòa có thể có những người khác đến dự, có phiên tòa được quay phim, chụp ảnh, thậm chí được truyền thanh hoặc truyền hình trực tiếp cho đông đảo nhân dân chứng kiến. Tại phiên tòa, mọi cử chỉ, lời nói của người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng được mọi người dự phiên tòa rất quan tâm, chú ý. Toàn bộ diễn biến tại phiên tòa thể hiện một cách đầy đủ nhất trình độ pháp lý, kỹ năng ứng xử của người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng.

Có thể nói nếu BLTTHS là luật hình thức thì hình thức phiên tòa là biểu hiện tập trung nhất, là trung tâm của hoạt động tố tụng từ giai đoạn điều tra, truy tố đến xét xử.

Tuy nhiên, dự thảo BLTTHS (sửa đổi) chỉ có một vài điều luật quy định về hình thức phiên tòa và các nội dung chứa đựng trong đó lại không đầy đủ. Ví dụ: Điều 241 quy định về nội quy phiên tòa; Điều 242 quy định về phòng xử án và một số điều luật có liên quan đến hình thức phiên tòa. Nhưng các điều luật này quy định không đầy đủ, rất dễ dẫn đến khi áp dụng thì mỗi người, mỗi cơ quan sẽ hiểu khác nhau, dẫn tới áp dụng tùy tiện, gây tranh cãi.

Thực trạng hình thức phiên tòa hiện nay nói chung từng bước đã được hoàn thiện, nhiều trụ sở tòa án được xây dựng khang trang hơn, phòng xử án cũng rộng rãi hơn, các phương tiện, trang thiết bị phục vụ cho một phiên tòa cũng hiện đại hơn. Tuy nhiên, hình thức phiên tòa hiện nay vẫn chưa thống nhất, phòng xử án thì mỗi nơi trang trí một kiểu; cách xưng hô tại phiên tòa cũng còn tùy tiện; trang phục của người tiến hành tố tụng cũng không thống nhất, giảm tính nghiêm minh của pháp luật. Chỉ riêng chiếc biển chức danh đối với người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng cũng mỗi tòa một kiểu: Có tòa biển nền xanh, chữ trắng, có tòa nền đỏ chữ vàng; có tòa chỉ ghi hội đồng xét xử, không có biển của chức danh của Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân; Thẩm phán Chủ tọa phiên tòa thì ghi là “Chủ tọa” hoặc “Chủ tọa phiên tòa”; Hội thẩm nhân dân thì chỉ ghi là Hội thẩm; Người bào chữa thì ghi là “Luật sư”; người bị hại thì ghi bị hại; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án thì ghi là “người liên quan”; người làm chứng thì ghi là “nhân chứng”… không có sự thống nhất toàn quốc và nhiều trường hợp ghi không đúng luật!   

Vì vậy BLTTHS cần có một chương quy định về hình thức phiên tòa chứ không chỉ quy định trong một vài điều luật.

Trong chương này sẽ quy định về phòng xử án; chỗ ngồi của người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng, đặc biệt là chỗ ngồi của bị cáo; về trang phục của người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng, cũng như người đến dự phiên tòa; về cách xưng hô của người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng; về quay phim, chụp ảnh, ghi âm phiên tòa… đều phải thống nhất ở tất cả tòa án trên lãnh thổ Việt Nam và cho tất cả phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm hoặc tái thẩm chứ không chỉ quy định cho phiên tòa sơ thẩm hay phúc thẩm.

Những vấn đề về hình thức phiên tòa mà dư luận quan tâm nhiều nhất hiện nay là chỗ ngồi của người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng, đặc biệt là chỗ ngồi của người bào chữa có ngang hàng với kiểm sát viên không? Có nên thay vành móng ngựa bằng “ghế bị cáo” không? Cách xưng hô giữa những người tiến hành tố tụng với nhau, giữa người tiến hành tố tụng với người tham gia tố tụng.

Ví dụ: Tại sao bị cáo lại không được xưng “tôi” với người tiến hành tố tụng? Tại sao khi trả lời các câu hỏi của kiểm sát viên, người bào chữa, bị cáo và những người tham gia tố tụng lại phải “thưa HĐXX”? Có nên cấm người nhà của người bị hại mặc áo xô, quấn khăn tang, mang di ảnh của người bị hại vào phòng xử án không? Bị cáo bị tạm giam có phải mặc quần áo của trại tạm giam hay được mặc quần áo của mình? Bị cáo có bị còng tay, xích chân trong quá trình xét xử hay không? Việc quay phim, chụp ảnh, ghi âm tại phiên tòa như thế nào? Có nên ghi âm đối với tất cả câu hỏi và câu trả lời của người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng không?…

Mỗi vấn đề trên đều phải được quy định cụ thể trong từng điều luật. Có như thế hình thức phiên tòa mới đảm bảo thống nhất, tạo điều kiện để việc xét xử đạt kết quả tốt nhất, tiệm cận nhất với công lý.

ĐINH VĂN QUẾ, nguyên Chánh tòa Hình sự TAND Tối cao

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm