Hướng dẫn bồi thường thiệt hại do lỗi người thi hành công vụ gây ra

Theo đó, người bị thiệt hại có quyền yêu cầu cơ quan có trách nhiệm bồi thường thực hiện việc giải quyết bồi thường kể từ ngày cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành văn bản xác định hành vi của người thi hành công vụ là trái pháp luật.
Căn cứ xác định hành vi của người thi hành công vụ là trái pháp luật là các văn bản của cơ quan có thẩm quyền xác định là các văn bản đã có hiệu lực pháp luật sau đây:
Quyết định thu hồi, sửa đổi, bổ sung, hủy các quyết định trái pháp luật về thi hành án dân sự; quyết định giải quyết khiếu nại; kết luận nội dung tố cáo của người có thẩm quyền; kết luận thanh tra giải quyết vụ việc khiếu nại, tố cáo; văn bản của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền trả lời chấp nhận kháng nghị của viện kiểm sát nhân dân có thẩm quyền đã ra kháng nghị theo quy định của Luật Thi hành án dân sự; bản án, quyết định của tòa án có thẩm quyền đã có hiệu lực pháp luật.
Những thiệt hại thực tế được bồi thường
Thông tư cũng nêu rõ những căn cứ, phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, đồng thời hướng dẫn cụ thể những thiệt hại thực tế sẽ được bồi thường.
Theo đó những thiệt hại được tính để bồi thường là những thiệt hại thực tế; thiệt hại do tài sản bị xâm phạm; thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút.
Thiệt hại thực tế là thiệt hại có thực do hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây ra, bao gồm cả chi phí mà người bị thiệt hại đã bỏ ra trong quá trình khiếu nại, tố cáo, tham gia tố tụng để có được văn bản xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ như chi phí tàu xe, đi lại, ăn ở, in ấn tài liệu, gửi đơn thư trong quá trình khiếu nại, tố cáo, tham gia tố tụng.
Thời điểm giải quyết bồi thường là thời điểm người bị thiệt hại ký vào biên bản thương lượng lần cuối cùng khi thương lượng việc giải quyết bồi thường.
Thiệt hại tính theo thu nhập
Trường hợp trước khi xảy ra thiệt hại mà người bị thiệt hại có thu nhập ổn định từ tiền lương thì căn cứ vào mức lương, tiền công của tháng liền kề của người đó trước khi xảy ra thiệt hại để xác định khoản thu nhập thực tế.
Trường hợp trước khi xảy ra thiệt hại mà người bị thiệt hại có việc làm và hằng tháng có thu nhập nhưng không ổn định thì lấy mức thu nhập trung bình của ba tháng liền kề trước thời điểm thiệt hại xảy ra làm căn cứ để xác định khoản thu nhập thực tế.
Trường hợp trước khi xảy ra thiệt hại mà người bị thiệt hại là nông dân, ngư dân, người làm muối, người trồng rừng, người làm thuê, người buôn bán nhỏ, thợ thủ công, lao động khác có thu nhập nhưng theo mùa vụ hoặc không ổn định thì lấy mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại tại địa phương; nếu không xác định được thu nhập trung bình thì lấy mức lương cơ sở do Nhà nước quy định áp dụng cho công chức làm việc trong các cơ quan hành chính nhà nước tại thời điểm giải quyết bồi thường làm căn cứ để xác định khoản thu nhập thực tế.
Trường hợp trước khi xảy ra thiệt hại mà người bị thiệt hại đang nghỉ không hưởng lương và các chế độ khác theo quy định của pháp luật thì người bị thiệt hại không được bồi thường thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút liên quan đến lương và các chế độ đó.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm