Siết quy định về tuyển sinh cử tuyển đối với cán bộ, công chức

Chính phủ vừa ban hành nghị định 49/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung quy định một số điều của Nghị định số 134/2006/NĐ-CP ngày 14-11-2006 của Chính phủ quy định chế độ cử tuyển vào các cơ sở giáo dục trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp thuộc hệ thống giáo dục quốc dân có hiệu lực thi hành từ ngày 7-6.
Theo đó, nghị định mới bổ sung quy định: Cử tuyển là việc tuyển sinh không qua thi tuyển vào đại học, cao đẳng, trung cấp để đào tạo cán bộ, công chức theo yêu cầu nhiệm vụ, vị trí việc làm và chỉ tiêu biên chế; đào tạo viên chức theo nhu cầu công việc, vị trí việc làm, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và quỹ tiền lương của đơn vị sự nghiệp công lập cho các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và các dân tộc thiểu số chưa có hoặc có rất ít cán bộ đạt trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp.
Nghị định mới nêu rõ: Công dân Việt Nam thường trú từ 5 năm liên tục trở lên tính đến năm tuyển sinh tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và có thời gian 3 năm học trung học phổ thông tại trường đóng tại địa phương đó (học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú, học sinh các lớp tạo nguồn tỉnh theo hộ khẩu trường trú) được cử tuyển vào đại học, cao đẳng, trung cấp hoặc có thời gian 4 năm học trung học cơ sở ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được cử tuyển vào trung cấp; ưu tiên xét cử tuyển đối tượng là người dân tộc thiểu số (Quy định hiện hành chỉ yêu cầu đối tượng cử tuyển thường trú 5 năm tại vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn). Tỷ lệ người dân tộc Kinh được cử tuyển không vượt quá 15% so với tổng số chỉ tiêu được giao.
Hàng năm, UBND cấp tỉnh phải báo cáo kết quả xét tuyển vào vị trí việc làm cho người học cử tuyển sau tốt nghiệp trong 03 năm liên tiếp liền kề năm kế hoạch. căn cứ vào nhu cầu công việc, vị trí việc làm, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và quỹ tiền lương của đơn vị mà ủy ban nhân dân cấp tỉnh đề xuất chỉ tiêu cử tuyển.
Thời gian người học theo chế độ cử tuyển chờ thông báo xét tuyển theo quy định tại Khoản 2 Điều này tối đa là 12 tháng (quy định hiện hành là 6 tháng), kể từ ngày được công nhận tốt nghiệp. Quá thời hạn 12 tháng không nhận được thông báo xét tuyển theo quy định của Nghị định này thì người học theo chế độ cử tuyển không phải bồi hoàn học bổng, chi phí đào tạo.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm