Tổng hợp hướng dẫn chi tiết về bảo hiểm xã hội tự nguyện

Theo đó, đối tượng tham gia bảo hiểm tự nguyện (BHTN) là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc;

Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn dưới ba tháng trước ngày 1-1-2018 và có thời hạn dưới 11 tháng từ ngày 1-1-2018 trở đi;

Người hoạt động không chuyên trách ở thôn, ấp, bản, sóc, làng, tổ dân phố, khu, khu phố;

Người lao động giúp việc gia đình;

Người tham gia các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không hưởng tiền lương;

Xã viên không hưởng tiền lương, tiền công làm việc trong hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã;

Người nông dân, người lao động tự tạo việc làm bao gồm những người tự tổ chức hoạt động lao động để có thu nhập cho bản thân và gia đình;

Người lao động đã đủ điều kiện về tuổi đời nhưng chưa đủ điều kiện về thời gian đóng để hưởng lương hưu.

Người tham gia BHXH tự nguyện chỉ được hưởng hai chế độ đó là hưu trí và tử tuất.

Chế độ hưu trí

Mức lương hưu hằng tháng được tính bằng tỉ lệ hưởng lương hưu hằng tháng nhân với mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH. Khi tính tỉ lệ hưởng lương hưu hằng tháng nếu thời gian đóng BHXH có tháng lẻ từ một tháng đến sáu tháng tính là nửa năm; từ bảy tháng đến 11 tháng tính là một năm.

Người nghỉ hưu từ ngày 1-1-2016 đến trước ngày 1-1-2018, tỉ lệ hưởng lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% tương ứng với 15 năm đóng BHXH, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng BHXH thì tính thêm 2% đối với nam và 3% đối với nữ; mức tối đa bằng 75%;

Nữ nghỉ hưu từ ngày 1-1-2018 trở đi, tỉ lệ hưởng lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% tương ứng với 15 năm đóng BHXH, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng BHXH thì tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%;

Nam nghỉ hưu từ ngày 1-1-2018 trở đi, tỉ lệ hưởng lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% tương ứng với số năm đóng BHXH theo bảng dưới đây, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng BHXH, được tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%:

Năm nghỉ hưu

Số năm đóng BHXH tương ứng với tỉ lệ hưởng lương hưu 45%

2018

16 năm

2019

17 năm

2020

18 năm

2021

19 năm

Từ 2022 trở đi

20 năm

Ví dụ: Ông A hưởng lương hưu từ tháng 10-2016, thời gian đóng BHXH là 28 năm ba tháng, mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH là 5 triệu đồng/tháng. Mức lương hưu hằng tháng của ông A được tính như sau:

- Tỉ lệ hưởng lương hưu hằng tháng của ông A:

+ Thời gian đóng BHXH của ông A là 28 năm ba tháng, số tháng lẻ ba tháng được tính là nửa năm nên số năm đóng BHXH để tính hưởng lương hưu của ông A là 28,5 năm.

+ 15 năm đầu tính bằng 45%;

+ Từ năm thứ 16 đến năm thứ 28,5 là 13,5 năm, tính thêm: 13,5 x 2% = 27%;

Tỉ lệ hưởng lương hưu hằng tháng của ông A là: 45% + 27% = 72%.

- Mức lương hưu hằng tháng của ông A là:

72% x 5.000.000 đồng/tháng = 3.600.000 đồng/tháng.

Thời gian tính hưởng chế độ hưu trí đối với người tham gia BHXH tự nguyện trước đó có thời gian đóng BHXH bắt buộc là tổng thời gian đã đóng BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện, không bao gồm thời gian đã tính hưởng BHXH một lần.

Trường hợp người tham gia BHXH tự nguyện có thời gian tính hưởng chế độ hưu trí từ đủ 20 năm trở lên, trong đó có dưới 20 năm đóng BHXH bắt buộc thì điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu là nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi.

Thời điểm hưởng lương hưu là ngày 1 tháng liền kề sau tháng sinh của năm mà người tham gia bảo hiểm đủ điều kiện hưởng lương hưu. Trường hợp tháng sinh là tháng 12 thì thời điểm hưởng lương hưu là ngày 1 của tháng 1 năm liền kề sau năm mà người tham gia BHXH đủ điều kiện hưởng lương hưu.

Đối với người tham gia BHXH đã đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu nhưng thời gian đóng BHXH còn thiếu không quá 10 năm (120 tháng), ngoài lựa chọn một trong các phương thức đóng quy định tại Khoản 1 Điều này còn được lựa chọn phương thức đóng một lần cho đủ 20 năm đóng để hưởng lương hưu.

(Căn cứ: Thông tư 01/2016/TT-BLĐTBXH và Nghị định 134/2015/NĐ-CP)

Còn tiếp

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm