Chính thức thụ lý đơn yêu cầu bồi thường của ông Nén

TAND Bình Thuận cũng phân công bà Trần Thị Thiên Hương, Phó Chánh tòa Hành chính, TAND tỉnh Bình Thuận, trực tiếp thụ lý và giải quyết việc bồi thường cho ông Nén.

Trước đó, trao đổi với chúng tôi, ông Huỳnh Văn Nén, “người tù thế kỷ” bị kết hai bản án oan, cho biết gia đình ông đang rối bời bởi không thể tìm đâu ra chứng từ, hóa đơn trong hơn 17 năm bị tù oan theo yêu cầu của TAND tỉnh Bình Thuận.

Đại tá Phạm Thật, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Thuận, chúc mừng ông Nén trong buổi xin lỗi ông hồi tháng 12-2015. Ảnh: PHƯƠNG NAM

Được biết số tiền mà ông Nén yêu cầu được bồi thường là 18 tỉ đồng bao gồm hơn 17 năm tù trong bản án chung thân vụ giết bà Lê Thị Bông. Ông Nén cũng yêu cầu bồi thường oan sai khi TAND tỉnh Bình Thuận kết án ông năm năm tù giam trong vụ án “Vườn điều”.

Ngoài ra là các khoản yêu cầu bồi thường về thiệt hại tinh thần, bồi thường vì những hệ lụy mà do bị kết án oan, gia đình ông bị kỳ thị, xa lánh, con cái thất học, tù tội…

Trước đó, vào ngày 11-4, ông Huỳnh Văn Nén đến TAND tỉnh Bình Thuận nộp đơn yêu cầu bồi thường và được TAND tỉnh Bình Thuận yêu cầu bổ sung các bản án, quyết định đình chỉ điều tra và các chứng từ chứng minh thiệt hại tài sản, sức khỏe khi bị tù hơn 17 năm.

Ngày 22-4, gia đình ông Nén đã đến nộp bổ sung các tài liệu mà tòa yêu cầu. Riêng các chứng từ chứng minh, ông Nén đã gửi bản tường trình cho TAND tỉnh Bình Thuận và Cục Bồi thường nhà nước khẳng định ông không thể kê khai từng hạng mục, từng khoảng thời gian chi tiết để cung cấp được. Theo ông Nén, việc yêu cầu ông nộp chứng từ là sự đánh đố với gia đình ông.

Trao đổi với chúng tôi, bà Trần Thị Thiên Hương cho biết tại Điều 9 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước quy định, người bị thiệt hại có nghĩa vụ: Cung cấp kịp thời, đầy đủ và trung thực tài liệu, chứng cứ có liên quan đến yêu cầu giải quyết bồi thường; chứng minh về thiệt hại thực tế đã xảy ra.

Bà Hương cho biết thêm, đơn yêu cầu bồi thường của ông Nén rất chung chung, chẳng hạn yêu cầu bồi thường tổn thất tinh thần nhưng không tính ra số ngày bị tạm giữ, tạm giam; số ngày được hủy bỏ biện pháp ngăn chặn ra tù chữa bệnh. Ngoài ra về phần tổn hại sức khỏe cũng không có giấy tờ gì chứng minh.

“Lẽ ra ông Nén phải đi giám định sức khỏe sau khi mổ mắt để xác định bị tổn thất bao nhiêu phần trăm sức khỏe mới có cơ sở để bồi thường” - bà Hương cho biết.

Theo bà Hương, bà đã cố gắng tạo mọi điều kiện để giúp ông Nén. Do ông Nén không ghi cụ thể, chi tiết các khoản bồi thường nên bà đã phải ghi lời tường trình của từng người như ông Huỳnh Văn Truyện (cha ông Nén), ông Nguyễn Thận (người kêu oan cho ông Nén).

Cụ thể, ghi lại từng mốc thời gian ông Truyện đi kêu oan cho con, bán đất ở Cà Mau như thế nào, chi phí ra sao hay ông Nguyễn Thận nhiều lần đi TP.HCM, Hà Nội kêu oan cho ông Nén đã chi phí như thế nào.

“Chúng tôi rất thương hoàn cảnh của ông Nén nên không có việc đánh đố hay làm khó dễ gì mà ngược lại còn hướng dẫn, tạo điều kiện cho gia đình ông Nén” - bà Hương khẳng định.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm