Cho ‘giới thứ ba’ chuyển đổi giới tính?

Theo ông Lương Thế Huy (Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường), Điều 36 dự thảo BLDS (sửa đổi) quy định về quyền xác định lại giới tính có mâu thuẫn: Đoạn trên cho phép cá nhân xác định lại giới tính nhưng đoạn dưới lại quy định Nhà nước không thừa nhận, tức không cấm cũng không thừa nhận. Quy định như vậy sẽ tạo trở ngại, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của nhóm LGBT, tạo nên bất công và định kiến. Vì vậy, ông Huy đề nghị bỏ quy định “Nhà nước không thừa nhận chuyển đổi giới tính”.

“Không thừa nhận còn rắc rối hơn”

“Cũng có ý kiến cho rằng việc cho phép chuyển đổi giới tính không phù hợp văn hóa truyền thống. Tôi cho rằng cần tôn trọng văn hóa truyền thống nhưng đừng xơ cứng, phải có thay đổi phù hợp với nguyện vọng của những người liên quan mà không làm ảnh hưởng đến ai. Không thừa nhận sẽ gây rắc rối hơn. Có thể việc cho phép chuyển giới sẽ làm tăng công việc cho Nhà nước nhưng đó là quyền con người” - ông Huy nói.

Bà Tiêu Thị Ái Nhi (ban điều hành Hội Phụ huynh, người thân nhóm LGBT Bình Dương) kể: “Con tôi là người chuyển giới. Tôi đang xem cháu là con trai dù cháu khai sinh giới tính nữ. Con tôi mong mỏi được xem là một người đàn ông. Gia đình tôi hoàn toàn chấp nhận điều này. Con tôi hành xử như nam giới, mạnh mẽ, chính trực. Thực tế cháu đang hạnh phúc, đang hăng say làm việc, đóng góp cho sự phát triển của xã hội. Tôi coi bạn gái con tôi là con dâu tương lai. Điều này không làm ảnh hưởng đến hạnh phúc của gia đình tôi”.

Bà Nhi đề nghị luật sớm ghi nhận quyền chuyển đổi giới tính, không phân biệt khuyết tật bẩm sinh hay khuyết tật tâm lý để nhóm LGBT được sống trong những cái nhìn bình thường. Đồng thời, luật cần cho phép người chuyển giới được nuôi con nuôi.

Theo nhiều ý kiến khác cũng không cần phải lo rằng nếu cho phép thì việc chuyển giới sẽ diễn ra ào ạt vì “không ai bỏ những điều bình thường để đi chuyển giới chỉ bởi thích cả”.

Bạn Nguyễn Hữu Toàn bật khóc khi kể về chuyện bị kỳ thị sau khi phẫu thuật chuyển giới. Ảnh: NN - PL

“Chưa đủ điều kiện để luật hóa”

Tuy nhiên, cũng như ở nhiều hội nghị và hội thảo khác, vẫn có không ít ý kiến phản đối.

Ông Nguyễn Văn Mạnh (Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ) đề nghị chỉ cho phép xác định lại giới tính đối với người bị khuyết tật bẩm sinh về cơ quan sinh dục khiến việc xác định giới tính không rõ ràng, cần phẫu thuật để chỉnh sửa khiếm khuyết. Không nên công nhận việc chuyển đổi giới tính đối với người có cơ thể hoàn toàn bình thường, không bị dị tật nhưng về mặt tâm lýthì tự cho bản thân thuộc giới tính khác và tìm cách chuyển giới bằng phương pháp phẫu thuật và sinh hóa (tiêm hormone).

Theo Vụ trưởng Vụ Pháp luật Kinh tế - Dân sự (Bộ Tư pháp) Dương Đăng Huệ, trước mắt dự thảo cần quy định thành hai điều luật: Quyền xác định lại giới tính và quyền chuyển đổi giới tính. Không nên để có sự mâu thuẫn tồn tại trong cùng một điều luật như ông Lương Thế Huy đã chỉ ra. Mặt khác, nên bỏ quy định “Nhà nước không thừa nhận chuyển đổi giới tính” nhưng cần quy định “việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo luật”, còn đến khi nào có luật thì chờ Quốc hội.

Khóc vì bị kỳ thị

Tại hội nghị, bạn Nguyễn Hữu Toàn (Jessica, người chuyển giới) bật khóc khi tâm sự: “Mẹ tôi ban đầu không đồng ý cho tôi sang Thái Lan chuyển giới. Nhưng về sau mẹ đã hiểu nỗi lòng của tôi và hôm nay mẹ cũng đến chia sẻ với tôi. Bạn tôi, 10 người đã chết trên tay tôi bởi sau khi phẫu thuật về gặp sự cố sức khỏe nhưng cơ sở trong nước sợ rủi ro, không dám chữa trị. Chúng tôi vẫn làm việc, chứng tỏ được năng lực, đạt được thành công. Chúng tôi làm ra tiền, sống lương thiện nhưng điều tréo ngoe là CMND ghi giới tính không đúng với giới tính chúng tôi khao khát. Ra ngoài chúng tôi không được tôn trọng, bị gọi là pê đê. Có lần mua hàng trả góp, tôi bị từ chối, xúc phạm: “Ở đây không làm việc với pê đê”. Tôi đề nghị nếu BLDS không cho phép chuyển giới thì cho một cái luật nào đó để chúng tôi có thể sống bình thường".

Ông Ngô Văn Minh (Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội) nhận xét những cán bộ từ chối làm lại giấy tờ hộ tịch cho người như Toàn là đã làm không đúng quy định. Bởi lẽ Nghị định 88/2008 của Chính phủ quy định người đã chuyển giới có quyền yêu cầu thay đổi về hộ tịch và các vấn đề về nhân thân khác...

Quy định hiện hành

Điều 36 BLDS 2005 quy định “cá nhân có quyền được xác định lại giới tính”. Tuy nhiên, việc xác định lại giới tính của một người chỉ được thực hiện trong trường hợp người đó “có giới tính bị khuyết tật bẩm sinh hoặc chưa định hình chính xác mà cần có sự can thiệp của y học nhằm xác định rõ về giới tính”.

Từ đó, Nghị định 88/2008 của Chính phủ (về xác định lại giới tính) đã nghiêm cấm việc chuyển đổi giới tính cho những người có cơ thể hoàn chỉnh nhưng muốn sử dụng phẫu thuật để chuyển đổi giới tính.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm