Chồng đang cai nghiện, khó ly hôn!

TAND huyện Phú Giáo vừa trả lại đơn khởi kiện xin ly hôn của chị PTHT (ngụ thị trấn Phước Vĩnh, Phú Giáo, Bình Dương) vì cho rằng không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình.

Chỉ qua chỉ lại

Chị T. trình bày: Chị và chồng lấy nhau và chung sống từ năm 2006, có đăng ký kết hôn tại UBND thị trấn Phước Vĩnh. Chồng chị có hộ khẩu tại phường 6, quận Tân Bình, TP.HCM. Đầu năm 2013, anh này bị chính quyền huyện Phú Giáo đưa đi cai nghiện tại Trung tâm Giáo dục lao động và tạo việc làm tỉnh Bình Dương (nằm trên địa bàn huyện Phú Giáo).

Tháng 7-2014, chị T. nộp đơn xin ly hôn chồng tại TAND huyện Phú Giáo. Sau khi yêu cầu chị nộp đơn khởi kiện bổ sung cùng hộ khẩu gia đình, TAND huyện Phú Giáo đã chuyển đơn của chị đến TAND quận Tân Bình để “giải quyết theo thẩm quyền”.

Theo TAND huyện Phú Giáo, Trung tâm Giáo dục lao động và tạo việc làm tỉnh Bình Dương là nơi chồng chị T. cai nghiện chứ không phải là nơi anh này đăng ký tạm trú hay đăng ký thường trú. Do đó tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ ly hôn này là TAND quận Tân Bình (nơi chồng chị T. có hộ khẩu thường trú).

Đầu năm 2015, TAND quận Tân Bình đã hoàn trả toàn bộ đơn khởi kiện kèm hồ sơ cho TAND huyện Phú Giáo với lý do ngoài các tài liệu trong hồ sơ thì không có tài liệu nào xác định chồng chị T. đang thực tế cư trú tại địa bàn quận.

Trả đơn kiện

Mới đây, TAND huyện Phú Giáo đã ra quyết định trả đơn xin ly hôn lại cho chị T. Theo tòa, chị T. là nguyên đơn nhưng chưa chứng minh được nơi thường trú hay tạm trú của người chồng (?). Việc chồng chị đang cai nghiện tại Trung tâm Giáo dục lao động và tạo việc làm tỉnh Bình Dương “không làm phát sinh thẩm quyền giải quyết” của tòa án huyện này.

Chị T. khiếu nại. theo chị, UBND thị trấn Phước Vĩnh đã xác nhận chồng chị đang cai nghiện tại đây thì thẩm quyền giải quyết vụ kiện phải là của TAND huyện Phú Giáo. Tuy nhiên, chánh án tòa này đã bác đơn vì cho rằng theo địa chỉ thường trú trong giấy chứng nhận kết hôn và khai sinh của con thì chồng chị T. ngụ phường 6 (quận Tân Bình). Thêm vào đó, Công an thị trấn Phước Vĩnh chỉ xác nhận trước năm 2013 chồng chị có cư trú tại đây (trước khi bị đưa vào trung tâm cai nghiện - NV), nghĩa là hiện nay không còn phát sinh thẩm quyền giải quyết của tòa án huyện này nữa.

Chị T. tiếp tục khiếu nại lên TAND tỉnh Bình Dương. Tháng 1-2015, theo yêu cầu của tòa, chị đã đến Công an thị trấn Phước Vĩnh và Trung tâm Giáo dục lao động và tạo việc làm tỉnh Bình Dương. Cả hai nơi này đều xác nhận chồng chị đang cai nghiện tại đây.

“Tuy chồng tôi có hộ khẩu tại quận Tân Bình, TP.HCM nhưng thực tế anh đã sinh sống tại huyện Phú Giáo từ năm 2006 đến nay. Trung tâm Giáo dục lao động và tạo việc làm tỉnh Bình Dương, nơi chồng tôi đang cai nghiện cũng nằm trên huyện này. Nếu TAND huyện Phú Giáo không thụ lý vụ kiện thì tôi biết nhờ tòa nào giải quyết đây” - chị T. bức xúc.

Hiện chị T. vẫn đang chờ kết quả giải quyết khiếu nại của TAND tỉnh Bình Dương.

Tòa nào giải quyết?

Về mặt pháp lý, một thẩm phán Tòa Dân sự TAND TP.HCM cho biết theo điểm a khoản 1 Điều 35 BLTTDS, tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về hôn nhân và gia đình. Theo điểm a khoản 1 Điều 36 BLTTDS, trong trường hợp nếu không biết nơi cư trú, làm việc của bị đơn thì nguyên đơn có thể yêu cầu tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc cuối cùng hoặc nơi bị đơn có tài sản giải quyết...

Theo vị thẩm phán này, trong vụ việc của chị T., TAND quận Tân Bình hay TAND huyện Phú Giáo đều có thể giải quyết. “Tòa nào giải quyết cũng được nhưng TAND huyện Phú Giáo - nơi cả hai bên nguyên, bị đang sinh sống - nên thụ lý để tiện triệu tập, làm việc, xác minh, tránh làm cho các bên phải đi lại vất vả”.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin khi vụ việc có diễn tiến mới.

TAND huyện Phú Giáo thụ lý

Khoản 1 Điều 52 BLDS quy định nơi cư trú của cá nhân là nơi người đó thường xuyên sinh sống. Khoản 2 Điều 52 cũng quy định trường hợp không xác định được nơi cư trú của cá nhân theo quy định tại khoản 1 thì nơi cư trú là nơi người đó đang sinh sống.

Như vậy, nơi thường xuyên sinh sống cũng như nơi đang sinh sống của chồng chị T. là huyện Phú Giáo. Do vậy, đối chiếu với quy định tại điểm a khoản 1 Điều 35 BLTTDS thì TAND huyện Phú Giáo thụ lý, giải quyết là đúng luật và hợp lý.

Luật sư NGUYỄN THÀNH CÔNG, Đoàn Luật sư TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm