Chủ tiệm vàng không muốn ‘vào’ án văn

Trong phiên xử sơ thẩm các bị cáo trong băng trộm đường sông liên tỉnh miền Tây do Lý Văn Đợi (ngụ TP.HCM) cầm đầu tại TAND TP Cần Thơ, có một tình huống pháp lý lần đầu xảy ra. Đó là việc một người bị hại là chủ tiệm vàng có đơn đề nghị tòa không công khai bản án trên mạng theo quy định. Mục đích là để không công khai các thông tin, tránh ảnh hưởng đến việc kinh doanh của gia đình bị hại.

Tòa tranh thủ ý kiến luật sư, kiểm sát viên

Tình huống thực tế này xảy ra trong ngày cuối cùng của đợt tập huấn trực tuyến (từ ngày 5 đến 10) của TAND Tối cao với TAND cả nước về việc công bố quyết định, bản án trên mạng. Vì thế ngay tại phòng xử án, thẩm phán chủ tọa phiên tòa đã tranh thủ ý kiến của các luật sư (LS) bào chữa cho các bị cáo và đại diện VKS để tham khảo.

Được hỏi, kiểm sát viên giữ quyền công tố tại tòa nói: “Theo quy định thì TAND Tối cao đã có nghị quyết về việc công khai bản án, còn trường hợp cụ thể này do HĐXX quyết định…”.

Trong số sáu LS tham gia bào chữa cho các bị cáo, năm LS có ý kiến đồng tình với VKS cho rằng thẩm quyền quyết định tùy thuộc vào HĐXX.

Riêng LS Nguyễn Viết Chung (Đoàn LS TP Cần Thơ, bào chữa cho bịcáo Phùng Thanh Tâm) diễn giải cụ thể rằng TAND Tối cao đã có quy định từ ngày 1-7-2017 về việc công bố bản án rộng rãi trên mạng với mong muốn mọi người đều có thể xem và nhận xét. “Theo tôi, việc công khai bản án như quy định là có lợi cho người dân. Ở đây bị hại không muốn công khai, các bị cáo thì đương nhiên không muốn công khai rồi. Tôi nghĩ tòa nên xem xét lợi ích toàn dân, đã có quy định rồi và việc này là cần thiết, có lợi cho nhiều người” - LS Chung nói.

Các bị cáo trong băng trộm đường sông liên tỉnh miền Tây nghe tòa tuyên án. Ảnh: N.NAM

Được yêu cầu mã hóa thông tin

Theo một thẩm phán TAND Tối cao, Nghị quyết số 03-2017 của TAND Tối cao (có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7, về việc công bố bản án, quyết định trên cổng thông tin điện tử của tòa án) quy định trách nhiệm công bố bản án là của tòa. Nhưng theo Điều 2 của nghị quyết thì việc công bố này phải tuân theo quy định của pháp luật về bảo đảm bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bảo vệ đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình… Tất nhiên, những bản án chưa có hiệu lực pháp luật và một số bản án khác nằm trong quy định cấm tại Điều 4 của nghị quyết thì không được công bố.

Người tham gia tố tụng (trong vụ này là người bị hại - chủ tiệm vàng) có quyền có ý kiến liên quan đến việc công bố bản án của tòa. Nhưng chỉ là quyền yêu cầu được bảo vệ quyền riêng tư khi công khai, chứ không có quyền đề nghị tòa không được công bố bản án. Cụ thể, Điều 5 của nghị quyết quy định khi phổ biến quyền, nghĩa vụ của những người tham gia tố tụng, chủ tọa phải giải thích về việc công bố bản án và quyền của họ về việc yêu cầu tòa không công bố những nội dung liên quan đến bí mật cá nhân, bí mật gia đình, bí mật kinh doanh. Ngoài ra, chủ tọa phải chịu trách nhiệm về việc mã hóa, số hóa và công bố bản án theo hướng dẫn.

LS Nguyễn Văn Nhàn (Đoàn LS TP.HCM) cho biết điểm b khoản 1 Công văn số 144 ngày 4-7 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao (hướng dẫn thi hành Nghị quyết số 03/2017) đưa ra nguyên tắc đảm bảo cho việc không công bố những bản án có nội dung liên quan đến bí mật cá nhân, bí mật gia đình.

Theo đó, các bản án của tòa án đã được mã hóa thì các thông tin liên quan đến bí mật cá nhân, bí mật gia đình đã được bảo đảm. Việc tòa công bố bản án, quyết định đó trên cổng thông tin điện tử không vi phạm quy định về bảo đảm bí mật cá nhân, bí mật gia đình.

Chỉ ghi nhận trong bản án

Phiên xử băng trộm này diễn ra từ ngày 30-6 đến 10-7. Trong phần tuyên án hôm qua (10-7), TAND TP Cần Thơ có ghi nhận trong bản án việc một bị hại có đơn xin xét xử vắng mặt, yêu cầu không công khai bản án trên mạng để không ảnh hưởng đến việc kinh doanh của gia đình. Tuy nhiên, bản án do chủ tọa công bố tại tòa chỉ ghi nhận nội dung này trong phần "xét thấy” mà không đề cập trong phần nhận định và quyết định của bản án.

Công bố hay không do chánh án quyết định

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCMngay sau khi tòa tuyên án, thẩm phán chủ tọa phiên tòa cho biết phải đợi khi bản án có hiệu lực thì chánh án mới quyết định có công bố bản án hay không. Tuy nhiên, lãnh đạo tòa vẫn muốn được nghe ý kiến của các LS và kiểm sát viên về vấn đề vừa mới quy định, đang tập huấn nên HĐXX đã hỏi ý kiến tại phiên tòa. Nếu bản án này không có kháng cáo, kháng nghị thì chánh án sẽ cân nhắc việc công bố để mọi người có thể xem.

Theo thẩm phán này, chủ tọa phiên tòa có trách nhiệm phải mã hóa bản án, quyết định, còn việc quyết định có công bố hay gỡ công bố là thẩm quyền của chánh án. Sau 30 ngày, bản án không có kháng cáo, kháng nghị thì chánh án sẽ chỉ đạo thẩm phán chủ tọa mã hóa bản án để công bố…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm