Chủ tọa nhờ thư ký công bố lời khai, được không?

Tại phiên xử sơ thẩm lần hai vụ cố ý làm trái xảy ra tại Công ty TNHH MTV Mía đường Tây Ninh, trong phần xét hỏi đã xuất hiện một tình huống tố tụng gây tranh cãi: Đó là việc thẩm phán chủ tọa phiên tòa nhờ thư ký phiên tòa công bố lời khai của một bị cáo tại cơ quan điều tra (CQĐT).

Nhờ thư ký phiên tòa vì do sức khỏe

Cụ thể, do các bị cáo kêu oan nên chủ tọa đã công bố các bản cung, lời khai của họ tại CQĐT. Trong chiều 26-4 và sáng 27-4, chủ tọa đã liên tục công bố các lời khai của hai bị cáo Trần Cảnh Lạc (nguyên tổng giám đốc Công ty Mía đường Tây Ninh) và Trần Xuân Danh (nguyên trưởng phòng kinh doanh).

Tuy nhiên, sau đó đến phần công bố lời khai của bị cáo Nguyễn Thị Phúc (nguyên kế toán trưởng) tại CQĐT thì chủ tọa phiên tòa nhờ thư ký phiên tòa làm giúp. Theo chủ tọa phiên tòa, theo Điều 208 BLTTHS thì HĐXX phải trực tiếp công bố lời khai của bị cáo nhưng do có vấn đề về sức khỏe nên HĐXX nhờ thư ký công bố thay.

Sau khi thư ký phiên tòa công bố lời khai của bị cáo Phúc tại CQĐT, chủ tọa phiên tòa mời bị cáo Phúc cho biết ý kiến là có yêu cầu HĐXX công bố lại lời khai của bị cáo hay không. Bị cáo Phúc nói không.

Chủ tọa phiên tòa mời luật sư của bị cáo Phúc có ý kiến về việc này. Luật sư nói: “Theo quy định của pháp luật, việc công bố lời khai bị cáo thuộc thẩm quyền của HĐXX. Trường hợp này HĐXX nhờ thư ký phiên tòa làm thay thì HĐXX sẽ chịu trách nhiệm về các nội dung mà thư ký phiên tòa đã công bố nên luật sư không có ý kiến yêu cầu công bố lại”.

Hai bị cáo Trần Cảnh Lạc (trái) và Trần Xuân Danh tại phiên xử vụ cố ý làm trái xảy ra tại Công ty Mía đường Tây Ninh. Ảnh: H.YẾN

Luật quy định đó là hoạt động của HĐXX, KSV?

Khoản 1 Điều 208 BLTTHS quy định: Nếu người được xét hỏi có mặt tại phiên tòa thì HĐXX và kiểm sát viên (KSV) không được nhắc hoặc công bố lời khai của họ tại CQĐT trước khi họ khai tại phiên tòa về những tình tiết của vụ án.

Khoản 2 Điều 208 BLTTHS quy định: Chỉ được công bố những lời khai tại CQĐT trong những trường hợp sau đây: Lời khai của người được xét hỏi tại phiên tòa có mâu thuẫn với lời khai của họ tại CQĐT. Người được xét hỏi không khai tại phiên tòa. Người được xét hỏi vắng mặt hoặc đã chết.

Từ điều luật này, TS Phan Anh Tuấn (Trưởng bộ môn Luật hình sự, Trường ĐH Luật TP.HCM) khẳng định việc công bố lời khai không thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của thư ký phiên tòa. Cho dù thư ký phiên tòa cũng là một trong những người tiến hành tố tụng nhưng luật đã quy định rõ việc công bố lời khai là một hoạt động xét xử thuộc thẩm quyền của HĐXX và KSV chứ không phải thư ký phiên tòa. Vì vậy, việc chủ tọa phiên tòa nhờ thư ký phiên tòa công bố lời khai là vi phạm tố tụng.

Trao đổi, nhiều luật sư cũng đồng tình với ý kiến của TS Tuấn. Theo các ý kiến này, Điều 185 BLTTHS quy định thành phần HĐXX sơ thẩm bao gồm thẩm phán và hội thẩm nhân dân. Vì vậy, nếu chủ tọa phiên tòa thấy sức khỏe của mình yếu thì có thể để các hội thẩm nhân dân (cũng là thành viên HĐXX) công bố lời khai của bị cáo thay cho mình.

Hơn nữa, theo Điều 41 BLTTHS thì nhiệm vụ, quyền hạn của thư ký phiên tòa chỉ là phổ biến nội quy phiên tòa, báo cáo với HĐXX danh sách những người được triệu tập đến phiên tòa, ghi biên bản phiên tòa, tiến hành các hoạt động tố tụng khác thuộc thẩm quyền của tòa án theo sự phân công của chánh án. Như vậy, thư ký phiên tòa không được quyền công bố lời khai.

Không vi phạm?

Luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn Luật sư TP.HCM) lại có quan điểm khác hẳn. Theo ông, chủ tọa phiên tòa nhờ thư ký phiên tòa công bố lời khai không hề vi phạm bởi BLTTHS không cấm. Mặt khác, chủ tọa phiên tòa là người điều khiển phiên xử nên có quyền nhờ thư ký phiên tòa công bố bút lục, lời khai.

Ông Vũ Phi Long (nguyên Phó Chánh Tòa Hình sự TAND TP.HCM) và nhiều thẩm phán khác cũng đồng tình với quan điểm của luật sư Trạch. Theo các ý kiến này, khoản 2 Điều 208 BLTTHS không nêu cụ thể rằng ai là người công bố lời khai tại CQĐT trong quá trình xét hỏi tại phiên tòa mà chỉ quy định trường hợp nào phải công bố lời khai.

Mặt khác, phải xét đến cùng là việc thư ký phiên tòa công bố lời khai, bút lục theo yêu cầu của chủ tọa phiên tòa có làm thay đổi bản chất vấn đề hay không, có làm ảnh hưởng đến quyền lợi của ai hay không. Nếu không thì việc chủ tọa phiên tòa vì lý do sức khỏe mà nhờ thư ký phiên tòa công bố lời khai của bị cáo tại CQĐT cũng “chả có gì phải lấn cấn” và không phải là vi phạm tố tụng.

Một tình huống tố tụng tưởng đơn giản nhưng gây nhiều tranh cãi. Có lẽ TAND Tối cao cần có hướng dẫn nghiệp vụ về vấn đề này để việc áp dụng pháp luật được thống nhất.

KSV không có nghĩa vụ công bố lời khai?

Trước đây, Pháp Luật TP.HCM từng phản ánh tại phiên xử một vụ tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài ở TAND quận Sơn Trà (Đà Nẵng), trong phần tranh luận, luật sư của người bị hại đã đề nghị KSV công bố lời khai của những người bị hại tại CQĐT. KSV nói mình chỉ có nghĩa vụ tranh luận, còn việc công bố lời khai của người bị hại không thuộc trách nhiệm của VKS. Luật sư cho rằng có công bố lời khai mới có dẫn chứng chặt chẽ để tranh luận nên tiếp tục đề nghị KSV công bố lời khai. KSV không đồng ý. Đến khi chủ tọa phiên tòa yêu cầu thì KSV mới công bố lời khai.

Trao đổi về vụ án, ông Đinh Văn Quế (nguyên Chánh Tòa Hình sự TAND Tối cao) đồng tình với quan điểm của KSV. Theo ông, việc công bố lời khai của những người tham gia tố tụng có trong hồ sơ vụ án đối với đại diện VKS chỉ là quyền chứ không phải nghĩa vụ. Việc chủ tọa phiên tòa chấp nhận đòi hỏi của luật sư bảo vệ người bị hại, yêu cầu đại diện VKS công bố lời khai là chưa nắm chắc tố tụng...

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Hôm nay, chủ tịch Tân Hoàng Minh hầu tòa

Hôm nay, chủ tịch Tân Hoàng Minh hầu tòa

(PLO)- Cáo trạng xác định có hơn 6.600 khách hàng đã ký hợp đồng đầu tư trái phiếu, hợp đồng chuyển nhượng và bị Tập đoàn Tân Hoàng Minh chiếm đoạt 8.600 tỉ đồng.