NÂNG CHẤT TRANH TỤNG - BÀI 4

Chủ tọa phải có bản lĩnh

Đã có không ít phiên tòa, chủ tọa có tâm lý “làm lơ” phần tranh luận vì cho rằng đây là phần dành cho luật sư và công tố viên, mặc kệ cho họ “cãi” nhau. Điều này dẫn đến việc bản án không ghi nhận đầy đủ ý kiến tranh luận của luật sư và công tố viên. Nó khiến cho bao nhiêu công sức nghiên cứu vụ án của luật sư và công tố viên, nhiều ý đối đáp qua lại tại tòa đều hóa vô ích...

Chủ tọa bỏ ra ngoài

Một luật sư ở Đoàn Luật sư TP.HCM kể có lần ông bào chữa một vụ trộm cắp tài sản, chủ tọa tuyên bố bắt đầu phần tranh luận xong đã bỏ ra ngoài nghe điện thoại. Khoảng 2 phút sau chủ tọa quay trở lại rồi cúi xuống nhắn tin điện thoại, mặc kệ cho công tố viên đang luận tội. Chưa hết, đến phần bào chữa của luật sư, chủ tọa lại tựa đầu vào thành ghế mắt lim dim như đang rất… buồn ngủ và mệt mỏi. Luật sư bào chữa xong, chủ tọa vẫn ngồi bất động, phải nhờ một vị hội thẩm “khều khều”, chủ tọa mới bật dậy tiếp tục điều khiển phiên tòa.

Ở một phiên xử khác của TAND một huyện của tỉnh Đ., trong phần bào chữa của luật sư, vị chủ tọa đã cầm tờ báo để sẵn trên bàn đọc. Đến khi tuyên đọc bản án, tòa nhận định một câu gọn: “Xét ý kiến, lời bào chữa của luật sư không có cơ sở, không thể chấp nhận được, nghĩ nên bác…”.

Cuối năm 2008, Văn phòng luật sư Cao Minh Triết (Tiền Giang) có văn bản kiến nghị chánh án TAND TP Mỹ Tho đính chính một bản án vì tòa ghi sai lời bào chữa của luật sư tại tòa. Hai luật sư của văn phòng này cho rằng khi bào chữa, họ đã đề nghị tòa tuyên thân chủ không phạm tội hoặc trả hồ sơ điều tra bổ sung. Tuy nhiên khi tuyên đọc bản án, chủ tọa nhận định hai luật sư nói chung chung, không rõ quan điểm về vụ án nên bác lời bào chữa. Ngay sau khi kết thúc phiên tòa, một luật sư gặp chủ tọa phản ánh thì chỉ nhận được cái cười xòa: “Án xử xong rồi còn bàn cãi gì nữa...”. Luật sư này kể: “Lúc bào chữa tôi thấy chủ tọa cứ cắm cúi ghi chép gì đó nên không để ý gì đến diễn biến”...

Chủ tọa phải có bản lĩnh ảnh 1

Vai trò của chủ tọa rất quan trọng cùng các thành viên HĐXX nhìn nhận khách quan vụ việc khi ra phán quyết. Ảnh: HTD

Không được làm qua loa

“Phần tranh luận chính là lúc chủ tọa phiên tòa phải nghe thật kỹ, tập trung trí tuệ để phát hiện ra những điều mấu chốt của vụ án làm cơ sở nghiên cứu ra bản án chứ không nên có tư tưởng làm qua loa” - nguyên Chánh Tòa Hình sự TAND Tối cao Đinh Văn Quế nói. Theo ông, vai trò điều khiển của chủ tọa rất quan trọng thể hiện đúng tính chất mình là người trọng tài, có trách nhiệm nhìn nhận khách quan hai bên để ra phán quyết cuối cùng. Không chỉ tập trung nghe, chủ tọa còn phải thể hiện vai trò điều khiển việc tranh luận đi đúng hướng, đúng đường. Chẳng hạn, khi phát hiện bài bào chữa của luật sư chỉ dựa vào cáo trạng mà không dựa vào diễn biến phiên tòa thì chủ tọa phải nhắc nhở: “Đề nghị luật sư bào chữa những nội dung mà VKS đề cập trong lời luận tội chứ không phải những nội dung trong cáo trạng hoặc những căn cứ khác…”.

Theo ông Quế, muốn làm được điều này thì thẩm phán phải có đủ trình độ và nhận thức để phân biệt. Chủ tọa có khi phải bênh VKS nhưng đôi khi phải bênh luật sư thì mới tạo sự công bằng. “Bênh ở đây là bênh về mặt tố tụng, về quyền và nghĩa vụ chứ không phải bênh về quan điểm về nội dung vụ án” - ông Quế nói rõ.

Thẩm phán Vũ Phi Long (Phó Chánh Tòa Hình sự, TAND TP.HCM) phân tích thêm, chủ tọa cũng phải ghi nhận đầy đủ diễn biến phần tranh luận vào bản án. Từ lời luận tội đến lời bào chữa và cả những ý đối đáp giữa hai bên thì mới thể hiện sự đánh giá công bằng. Ông Long nói: “Tôi biết có những luật sư phải bỏ nhiều công sức, trí tuệ tìm tòi để đầu tư mới viết được bài bào chữa. Có những cuộc tranh luận hai bên cãi nhau nảy lửa nhưng khi tuyên án tòa không ghi nhận vào bản án, không nhận định đánh giá thì chuyện người ta bức xúc phản ứng tòa là phải…”.

Phải thể hiện bản lĩnh

Theo ông Đinh Văn Quế, bản lĩnh thể hiện ở chỗ chủ tọa phải biết “đánh lừa” tất cả mọi người bằng thái độ, cử chỉ, lời nói. Ngay từ khâu xét hỏi đến tranh luận hay khi đọc bản án, chủ tọa nên giữ thái độ, sắc mặt, giọng nói ở mức vừa phải để không ai đoán được mình đang nghĩ gì và sẽ tuyên án theo hướng nào. Mục đích của việc này là để cho những người tiến hành và tham gia tố tụng làm đúng nhiệm vụ, nghĩa vụ. Cạnh đó nó đảm bảo việc chủ tọa chỉ bày tỏ quan điểm trong bản án kèm theo các nhận định, đánh giá phân tích. Trước tòa, người thẩm phán phải thể hiện tư cách đại diện Nhà nước, chứ không phải là cá nhân, không mắng mỏ, dọa nạt hay o ép ai. Nhưng tiếc rằng do nhận thức, trình độ của thẩm phán hiện còn yếu nên chưa làm được điều này.

Thẩm phán Phạm Công Hùng (Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM) nhận định chủ tọa hoàn toàn có quyền yêu cầu công tố viên phải đối đáp trong trường hợp vị này “lười cãi”. Cạnh đó, trong phiên tòa không có luật sư chủ tọa cũng có quyền gợi ý câu hỏi cho bị cáo tranh luận lại với công tố viên. Phần điều hành này đảm bảo cho việc tất cả các ý kiến đưa ra tại phiên tòa được VKS tranh luận đầy đủ. Tất nhiên những đối đáp theo kiểu vẽ hươu vẽ cuội mà luật sư đưa ra thì chủ tọa có quyền cắt... Làm như vậy vừa đảm bảo nhiệm vụ điều khiển vừa hạn chế những ý bào chữa dông dài, sáo rỗng, nói cho “sướng tai” thân chủ...

Tòa đã tạo điều kiện để tranh tụng

Tháng 4 vừa qua, báo cáo với TAND Tối cao, Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp TP.HCM cho biết tòa án đã chú trọng chất lượng tranh tụng, tạo điều kiện cho các bên trình bày ý kiến dân chủ, bình đẳng, làm cơ sở xác định sự thật vụ án. Chủ tọa đã thể hiện vai trò gợi mở những vấn đề chưa sáng tỏ để các bên tranh luận làm rõ. Tuy nhiên, vẫn còn trường hợp HĐXX chưa làm tốt vai trò điều khiển, gây ngộ nhận phiên tòa chưa kết thúc mà bị cáo đã bị kết tội.

Không bán dâm là mất uy tín!?

Xử một vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản ở TAND một huyện, khi thấy bị cáo cãi có vẻ cố đấm ăn xôi, chủ tọa nóng mặt quát: “Bị cáo là người vô nhân đạo. Đã nhận tiền của người ta thì phải đi bán dâm chứ ai nhận tiền rồi lại xù như thế. Làm ăn như thế là mất uy tín...”. Không riêng người dự phiên tòa, ngay cả các thành viên khác trong HĐXX cũng phải cố nhịn cười.

Cấm cãi...!

Cuối năm 2010, TAND tỉnh B. xử phúc thẩm một vụ giết người theo kháng cáo kêu oan của bị cáo. Sau khi công tố viên phát biểu quan điểm bác kháng cáo, tranh luận lại bị cáo vẫn một mực nói mình oan. Lúc này chủ tọa ngồi bật dậy gắt: “Cãi gì nữa”. Nói đoạn ông đập đập tay lên chồng hồ sơ nói: “Chứng cứ rành rành thế này mà cứ cãi kêu oan hoài, ngồi xuống ngay đi. Loanh quanh chối tội hoài...”.

Vui sướng gì mà cười...

Khi vị luật sư của người bị hại phát biểu xong quan điểm trong một vụ đánh ghen ở TAND một tỉnh, những người tham dự phiên tòa đồng loạt vỗ tay tán thưởng. Thấy vậy, vị chủ tọa phiên tòa liền trừng mắt: “Thôi đi! Vụ án này có người chết, kẻ đi tù. Vui sướng gì mà bà con ngồi đó nhăn ra cười rồi vỗ tay?”.

THANH TÙNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm