Chứng cứ viết đáng tin hơn lời kể?

Ông Bùi Đăng Mạnh (ngụ quận 8, TP.HCM) vừa nộp đơn đề nghị giám đốc bản án tranh chấp quyền sử dụng đất giữa ông với ông Bùi Văn Thơm. Vụ án gây chú ý vì cùng một mảnh đất, cùng các sự kiện pháp lý như nhau nhưng hai anh em trình bày sự việc không giống nhau với hai nguồn chứng cứ khác nhau. Vậy tòa đánh giá chứng cứ thế nào để xem xét giải quyết vụ án?

Chuyện 10 chỉ vàng 22 năm trước

Ông Mạnh trình bày cha mẹ ông có chín người con, hiện năm người còn sống. Năm 1982, cha mẹ chia cho mỗi người con một phần đất để canh tác. Trong đó, ông Bùi Văn Khen được khoảng 1.200 m2. Sau khi được chia, ông Khen bỏ đất hoang đến năm 1988 rồi nói không sử dụng thửa đất này để đòi cha mẹ chia cho 10 chỉ vàng. Cha mẹ ông đã họp gia đình thông báo việc này và nói nếu ai trong số các người con đưa cho ông Khen 10 chỉ vàng thì sẽ được quyền sử dụng phần đất ấy.

Theo ông Mạnh, điều này có nghĩa ai mua lại phần đất này của ông Khen thì trả cho ông Khen 10 chỉ vàng như cha mẹ đã nói. Việc ấy xuất phát từ mong muốn của ông Khen và cũng là cách giải quyết chuyện ông Khen bỏ hoang đất. Việc giao số vàng để đổi đất có làm biên bản xác nhận tại UBND xã.

“Sau khi giao tiền và ông Khen trả lại đất thì tôi có giao cho ông Thơm tạm thời canh tác với lý do tôi ở trên thành phố nên không có điều kiện trực tiếp thực hiện việc này. Việc bàn giao giữa anh em với nhau nên chỉ nói miệng mà không lập biên bản gì. Qua quá trình sử dụng, ông Thơm cố tình tự kê khai tên mình và đến năm 2001 được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà tôi hoàn toàn không hay biết. Vào năm 2009, khi biết sự việc, tôi có yêu cầu ông Thơm phải trả lại thửa đất mà tôi đã cho mượn nhưng ông Thơm không trả nên tôi phải khởi kiện ra tòa” - ông Mạnh kể.

Ngược lại, ông Thơm cho rằng phần đất trên ông Khen giao trả lại cho cha mẹ rồi cha mẹ giao cho ông sử dụng từ năm 1979, đến năm 2001 ông đi đăng ký và được cấp giấy đỏ đứng tên chủ quyền đến nay. Việc ông Khen nhận 10 chỉ vàng là phần của ông Khen trong căn nhà ở thành phố mà ông Mạnh đang ở.

Chứng cứ nào có giá trị hơn?

Xử sơ thẩm, TAND huyện Cần Giuộc bác yêu cầu của ông Mạnh đòi ông Thơm trả lại thửa đất. Theo tòa, lời trình bày của các đương sự kết hợp với các chứng cứ cho thấy: Đối với phần đất đang tranh chấp, cha mẹ ông Mạnh sau khi phân chia có lấy lại để sử dụng và giao cho ông Khen 10 chỉ vàng chớ hoàn toàn không có nói là vàng của ông Mạnh bỏ ra giao cho ông Khen, phần đất trên giao lại cho ông Mạnh. Ông Mạnh cũng không chứng minh được bằng giấy tờ nào khác về quyền sử dụng của mình đối với phần đất đang tranh chấp…

Xử phúc thẩm, TAND tỉnh Long An nhận định theo lời khai của các bên và nhân chứng thì có sự kiện pháp lý chia tài sản trong gia đình và được lập thành văn bản tại UBND xã năm 1988. Trong đó có nội dung cha mẹ lấy lại thửa đất chia cho ông Khen để sản xuất. Và có sự kiện chia cho ông Khen 10 chỉ vàng, có sự kiện 10 chỉ vàng do ông Mạnh giao cho ông Khen. Nhưng sự kiện ông Mạnh được cha mẹ giao hay bán lại phần đất này không được bị đơn thừa nhận và không được ghi nhận trong văn bản trên tại UBND xã, sau đó cũng không có văn bản nào xác định có sự kiện này.

Tòa nhận định: “Trong cùng một sự kiện pháp lý có cùng hai nguồn chứng cứ: Chứng cứ viết và chứng cứ thuật lại một sự kiện cách nay 22 năm không được toàn thể những người tham gia tố tụng ký tên trong văn bản thừa nhận, trong trường hợp này chứng cứ viết có giá trị tin cậy nhất… Vì vậy, không có căn cứ xác lập quyền sử dụng đất cho nguyên đơn theo luật định”. Từ đó, tòa bác kháng cáo của nguyên đơn và tuyên y án sơ thẩm.

Bản án đã có hiệu lực pháp luật, song ông Mạnh vẫn còn ấm ức vì cho rằng chưa chắc chứng cứ chữ viết đã có giá trị hơn chứng cứ lời nói, lời kể của các nhân chứng khác. Vì vậy, ông Mạnh làm đơn đề nghị giám đốc thẩm.

Cần đối chiếu với nhiều chứng cứ khác

Theo tôi, tòa khẳng định chứng cứ viết và chứng cứ thuật lại thì chứng cứ viết đáng tin cậy là chủ quan. Bởi vì việc xem xét, đánh giá chứng cứ phải dựa trên nền tảng sự phù hợp của những chứng cứ này đối với những chứng cứ khác và phù hợp với sự kiện pháp lý đang xem xét. Đó là có sự kiện ông Mạnh giao cho ông Khen 10 chỉ vàng, có việc những người làm chứng xác nhận việc giao vàng này nhằm để đổi thửa đất, có việc bản thân người chứng nhận của xã Long Thượng xác nhận việc này là đúng. Ông Thơm không có hồ sơ, giấy tờ thể hiện việc cha mẹ giao đất cho ông; UBND xã Long Thượng xác định việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Thơm là sai sót…

Luật sư TRẦN BÁ HỌC (Đoàn Luật sư TP.HCM)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm