Chuyển phạt tiền sang phạt tù: Còn nhiều e ngại

Theo Điều 35 dự thảo BLHS (sửa đổi), trường hợp người bị kết án phạt tiền không chấp hành hình phạt tiền thì hình phạt này sẽ được thay thế bằng hình phạt tù có thời hạn được quy định trong điều khoản tương ứng đó. Khi tuyên hình phạt tiền là hình phạt chính, tòa tuyên luôn là nếu trong thời hạn sáu tháng kể từ ngày bản án có hiệu lực mà người bị kết án không chấp hành thì hình phạt tiền được chuyển đổi thành hình phạt tù, đồng thời ấn định mức phạt tù mà người đó phải chấp hành.

Tương tự, trường hợp người bị kết án không có việc làm ổn định hoặc mất việc làm trong thời gian chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ thì phải thực hiện một số công việc phục vụ cộng đồng trong một thời hạn nhất định do tòa quyết định. Theo đó, người bị kết án bị buộc lao động không quá bốn giờ/ngày và năm ngày/tuần, loại công việc cụ thể tùy thuộc vào độ tuổi, tình trạng sức khỏe, khả năng, hoàn cảnh điều kiện thực tế của người bị kết án. Việc lao động này sẽ không áp dụng đối với người khuyết tật, phụ nữ có thai, người già yếu. Để tăng tính cưỡng chế, nếu người bị kết án cố tình không chấp hành thì hình phạt này sẽ chuyển sang phạt tù có thời hạn theo công thức ba ngày cải tạo không giam giữ bằng một ngày tù.

Nhiều thẩm phán ít khi tuyên phạt tiền đối với các bị cáo. Ảnh minh họa: V.NGỌC

Nếu người bị kết án đang túng quẫn thì sao?

Tại hội thảo bàn về BLHS (sửa đổi) do Bộ Tư pháp vừa tổ chức tại Đà Nẵng, bà Ngô Thị Tuyết Hồng (Viện trưởng VKSND quận Hải Châu) góp ý: Cần phải cân nhắc liệu việc chuyển từ hình phạt tiền sang hình phạt tù có làm xấu đi tình trạng của người bị kết án hay không. Cạnh đó, dự thảo cũng cần xem xét loại trừ trách nhiệm hình sự cho trường hợp người bị kết án không nộp phạt được vì đang thật sự rơi vào hoàn cảnh bất khả kháng, quá khó khăn, túng quẫn. Trong trường hợp này, nếu cứ quy đổi sang hình phạt tù thì không hợp tình, không đảm bảo tính nhân đạo.

Bên cạnh đó, bà Hồng đề xuất: “Việc chuyển đổi nên chăng có bước tăng dần là từ phạt tiền sang phạt cải tạo không giam giữ rồi mới phạt tù. Chứ không nên chuyển một phát thành phạt tù luôn, như vậy thì ảnh hưởng đến quyền lợi của người bị kết án”.

Một đại biểu thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Thừa Thiên-Huế cũng cho rằng để đạt tính khả thi thì dự thảo cần phải thống kê có bao nhiêu điều luật áp dụng hình phạt tiền và cải tạo không giam giữ kèm theo. Luật sư này đưa ra kiến nghị: Thay vì quy phạt tiền thành phạt tù thì tòa chỉ nên tuyên phạt tù, kèm theo đó tòa tuyên nếu trong thời hạn sáu tháng, người bị kết án phạt tù đó nộp xong khoản tiền bao nhiêu thì sẽ được xem là thi hành xong bản án tù. Tuy nhiên, ông Trần Văn Dũng (Vụ pháp luật hình sự-hành chính, Bộ tư pháp) không đồng tình vì làm như vậy giống với việc lấy tiền chuộc tội.

Quy định mức phạt tiền tối thiểu

“Luật cần phải quy định rõ ràng, cụ thể xác định mức phạt tiền tối thiểu để áp dụng chuyển đổi sang hình phạt tù trong trường hợp người bị kết án phạt tiền không chịu chấp hành án. Không nên chuyển đổi hình phạt tù nếu mức phạt tiền quá nhỏ” - ông Nguyễn Công Long (Phó Vụ trưởng Vụ Tư pháp - Văn phòng Quốc hội) góp ý.

Ở một góc độ khác, ông Nguyễn Công Hồng (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội) đề nghị: Để hạn chế việc án tuyên bị bỏ lửng (không thể thi hành) vốn đang xảy ra rất nhiều ở nước ta thì khi tuyên án, thẩm phán phải cân nhắc. Với cùng một vụ án, nếu xét các bị cáo đều có thể tuyên phạt tiền hoặc cải tạo không giam giữ được thì lúc này tòa phải xem xét là người nào có điều kiện nộp phạt thì tuyên phạt tiền, còn không có điều kiện (không nghề nghiệp, không tài sản, vô gia cư…) thì phải tuyên phạt tù. Bởi lẽ không thể tuyên phạt tiền với họ vì họ không có khả năng thi hành án, cũng không thể tuyên cải tạo không giam giữ, giao về cho địa phương giáo dục vì trong điều kiện này là không thể giáo dục được.

Tuyên phạt tiền, thẩm phán còn e ngại

Ông Trần Văn Dũng (Vụ Pháp luật hình sự - hành chính, Bộ Tư pháp) cho biết thực tiễn tố tụng hình sự trong 14 năm qua cho thấy một số hình phạt ít được áp dụng như phạt tiền, cải tạo không giam giữ. Việc áp dụng một số hình phạt thiên về ý nghĩa giáo dục còn rất hạn chế như các hình phạt cảnh cáo, trục xuất, tước một số quyền công dân.

Theo ông Nguyễn Công Hồng (Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của quốc hội), hình phạt tiền ít được áp dụng xuất phát từ tâm lý e ngại của đội ngũ thẩm phán: “Đôi khi thẩm phán xác định có thể phạt tiền bị cáo thay cho phạt tù nhưng nếu họ tuyên như vậy lại sợ bị hiểu sai nên sinh tâm lý e ngại. Ngoài ra, do quy định của pháp luật có nhiều hình phạt khác nhau để lựa chọn nên khi xét xử, thẩm phán sẽ lựa cái gì đỡ phiền hà về sau”.

Một lý do nữa mà ông Hồng đưa ra là do thực tiễn lạm dụng tạm giữ, tạm giam của cơ quan điều tra. “Khi phát hiện nghi phạm, thông thường cơ quan điều tra sẽ tạm giữ, tạm giam để thuận lợi trong việc lấy lời khai. Mà một người khi đã bị tạm giữ, tạm giam thì rất khó để được tòa tuyên phạt tiền hay cải tạo không giam giữ mà thường là án tù” - ông Hồng nêu ý kiến.

Quy định chuyển đổi ở một số nước

- Hoa Kỳ: Nếu người bị kết án không chịu nộp tiền phạt sẽ bị thay thế bằng biện pháp buộc lao động công ích hoặc phạt tù giam.

- Nga: Phạt tiền được thay thế bằng lao động bắt buộc, lao động cải tạo hoặc phạt giam tương đương với mức tiền phạt.

- Đức: Tiền phạt từ năm ngày lương đến 365 ngày lương. Nếu không nộp tiền phạt có thể bị quy đổi một ngày lương thành một ngày tù.

- Thụy Điển: Nếu người bị kết án không nộp tiền phạt, hình phạt tiền sẽ được chuyển thành phạt tù với thời hạn từ 14 ngày tù đến ba tháng tù.

- Nhật Bản: Người không có khả năng nộp đủ tiền phạt sẽ bị giam ở nhà tế bần với thời hạn tù một ngày đến hai năm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm