Chuyện xưa chuyện nay: “Tư pháp” là cơ quan nào?

Như vậy, giữa hai loại cơ quan cùng gọi tên là “tư pháp” này, có gì khác nhau không và làm sao để phân biệt cho rạch ròi?", TRẦN VĂN THÀNH (sinh viên Trường Đại học Kinh tế-Luật TP.HCM) hỏi.

ANH PHÓ trả lời: Em Trần Văn Thành thân mến,

Trong thuật ngữ tiếng Việt, chữ “tư pháp” mà em hỏi đó có tới ba nghĩa hoàn toàn khác nhau:

Trước hết, “tư pháp” là quyền xét xử (tiếng Pháp viết là: pouvoir judiciaire, tiếng Anh viết là judiciary power). Khái niệm “tư pháp” dùng trong trường hợp này để chỉ các cơ quan tham gia vào hoạt động xét xử của nhà nước đối với các hành vi vi phạm pháp luật và các vụ kiện tụng về dân sự giữa công dân với nhau. Cụ thể, đó là các cơ quan phụ trách công tác điều tra, công tố, xét xử để xử lý tội phạm theo trình tự tố tụng hình sự và tố tụng dân sự. Chữ “cải cách tư pháp” dùng hiện nay là nhằm cải cách tổ chức và hoạt động ở các cơ quan điều tra (công an) công tố (viện kiểm sát) và xét xử (tòa án).

Trong học thuyết tam quyền phân lập, nhà nước có ba quyền: lập pháp (làm pháp luật), hành pháp (thi hành pháp luật) và tư pháp, thì chữ tư pháp này được dùng để chỉ một nhánh quyền lực nhà nước phụ trách công việc xét xử và bảo vệ pháp luật. Hiểu theo nghĩa này, hiện nay chúng ta cũng có từ “tư pháp lý lịch” hay “lý lịch tư pháp” nghĩa là loại giấy tờ do cơ quan chuyên trách lập, ghi các quyết định của tòa án đối với người phạm tội theo bản án của tòa án tuyên (chú ý: cơ quan phụ trách tư pháp lý lịch hiện nay lại thuộc ngành hành pháp, hành chính nói dưới đây, chứ không thuộc ngành tòa án).

“Tư pháp” còn có nghĩa là sự công bằng, pháp luật (tiếng Pháp và tiếng Anh đều viết là Justice). Trong nhánh hành pháp (chú ý: không phải là nhánh tư pháp như nói trên) của nhà nước, ở nhiều nước đều có ngành phụ trách các công việc liên quan đến pháp luật. Hiểu theo nghĩa này, ở nước ta hiện nay có Bộ Tư pháp (cơ quan thành viên của Chính phủ), Sở Tư pháp (cơ quan chuyên môn giúp việc cho UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương), Phòng Tư pháp (cơ quan chuyên môn giúp việc cho UBND quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh) và các cán bộ Tư pháp - Hộ tịch giúp việc cho UBND ở cấp phường, xã, thị trấn. Các cơ quan này phụ trách hoạt động quản lý nhà nước (hành chính) chuyên môn liên quan đến pháp luật như: xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ pháp luật; và các tổ chức phụ trách quản lý các hoạt động chuyên môn khác như: công chứng, thi hành án dân sự, giám định pháp y, luật sư, tư vấn pháp luật, thừa phát lại... gọi chung là “bổ trợ tư pháp”.

Để dễ phân biệt, theo tôi chữ “tư pháp” nói ở phần trên là danh từ chung (nên viết chữ thường, không viết hoa); còn chữ “Tư pháp” nói ở phần dưới, vì là danh từ riêng nên phải viết hoa, cũng như tên các cơ quan hành chính chuyên môn phụ trách các lĩnh vực khác (Giao thông-Vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Thông tin và Truyền thông, Giáo dục và Đào tạo...).

Ngoài ra, chữ “tư pháp” còn có một nghĩa khác nữa là ngành luật tư (tiếng Pháp viết là droit privé, tiếng Anh viết là private law). “Luật tư” (tư pháp) nghĩa là ngành luật điều chỉnh các quan hệ giữa tư nhân với nhau (như: luật dân sự hay dân luật, luật hôn nhân và gia đình, luật thương mại...) khác với “luật công” (công pháp) là ngành luật điều chỉnh các quan hệ mang tính chất nhà nước (như luật hiến pháp, luật hành chính, luật hình sự, luật tố tụng...).

Vì việc bạn hỏi thuộc vấn đề học thuật chuyên môn, rắc rối, nên tôi nói hơi nhiều và hơi khó hiểu! Tôi ráng phân tích dài dòng cặn kẽ vậy để bạn cũng ráng hiểu cho rõ nhe!

Thân chào bạn.

(Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM số 174)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm