Có cần người làm chứng di chúc?

Theo hồ sơ, năm 1994, mẹ của bà Lệ và bà Nhơn làm di chúc giao căn nhà cho bà Nhơn sở hữu. Sau đó bà Lệ khởi kiện yêu cầu hủy tờ di chúc trên vì cho rằng không hợp pháp do chỉ có công chứng viên chứng nhận mà không có người làm chứng.

Trước sau bất nhất

Tháng 8-2007, TAND TP Đà Lạt xử sơ thẩm, tuyên bác yêu cầu của nguyên đơn, công nhận tính hợp pháp của bản di chúc, công nhận căn nhà trên thuộc sở hữu của bà Nhơn. Phía bà Lệ kháng cáo. Ngày 31-3-2008, TAND tỉnh xử phúc thẩm cũng tuyên bác yêu cầu của bà Lệ.

Bà Lệ tiếp tục làm đơn khiếu nại giám đốc thẩm. Tháng 10-2008, Tòa Dân sự TAND Tối cao có văn bản trả lời không có cơ sở chấp nhận yêu cầu vì hai cấp tòa xử bác yêu cầu hủy di chúc là hoàn toàn có căn cứ đúng luật. Cụ thể, Điều 14 Pháp lệnh Thừa kế quy định trong trường hợp người lập di chúc không đọc được, không ký hoặc điểm chỉ được thì mới phải nhờ người làm chứng xác nhận. Cạnh đó, khoản 2 Điều 661 BLDS năm 1995 và Điều 658 BLDS năm 2005 cũng khẳng định chỉ khi người lập di chúc không đọc, không nghe, không ký tên, không điểm chỉ được thì mới cần người làm chứng. Trong vụ án này, mẹ của hai bên đương sự đã nghe đọc lại bản di chúc và điểm chỉ trước sự chứng kiến của công chứng viên, công chứng viên cũng đã xác nhận điều này nên bản di chúc hợp pháp, có giá trị thực thi.

Có cần người làm chứng di chúc? ảnh 1

Sau công văn trả lời khiếu nại khá rõ của Tòa Dân sự TAND Tối cao, Chi cục Thi hành án Dân sự TP Đà Lạt đã chuẩn bị lên kế hoạch thi hành án theo yêu cầu nhưng bất ngờ vào phút cuối, ngày 25-3-2011 (tức còn sáu ngày nữa là hết hạn ba năm kháng nghị giám đốc thẩm), Phó Chánh án TAND Tối cao Từ Văn Nhũ đã ký quyết định kháng nghị, đề nghị Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao xử hủy cả hai bản án, trả hồ sơ cho cấp sơ thẩm xét xử lại từ đầu bởi tờ di chúc trên không có người làm chứng nên không hợp pháp. Cạnh đó, hai cấp tòa cần phải xác minh rõ bà Nhơn có chăm sóc mẹ chu đáo và thờ cúng sau khi chết như trong bản di chúc hay không.

Vẫn tranh cãi

Từ quyết định kháng nghị này của TAND Tối cao đã xuất hiện hai quan điểm khác nhau về vụ án này.

Một quan điểm cho rằng nội dung trong bản di chúc thể hiện rõ bà Nhơn là người duy nhất quan tâm đến cha mẹ lúc còn sống cũng như đã chết. Trong hồ sơ để lập di chúc, bà Nhơn cũng được UBND phường xác nhận đơn đã nuôi dưỡng cha mẹ suốt 30 năm. Thấy mẹ con bà Lệ có biểu hiện quậy phá nên mẹ bà sợ và quyết định lập bản di chúc. Mặt khác theo quy định, người lập di chúc không đọc được, không nghe, không ký hoặc điểm chỉ được… thì mới phải nhờ người làm chứng xác nhận. Công chứng viên đã xem xét tất cả tình huống này, thấy không có vi phạm và đã đọc lại bản di chúc cho mẹ bà Nhơn nghe. Bà này cũng không bị hạn chế nhận thức… nên việc công chứng viên nhận định là phù hợp.

Ý kiến khác bảo phó chánh án TAND Tối cao kháng nghị vẫn có cơ sở. Bởi lẽ rất khó có cơ sở cho rằng mẹ bà Nhơn minh mẫn khi làm di chúc. Dù công chứng viên có xác nhận nhưng tòa vẫn chưa làm rõ bà Nhơn có chăm sóc mẹ chu đáo và thờ cúng sau khi chết như trong bản di chúc hay không nên vẫn có thể xem xét lại để bảo vệ quyền lợi của những người liên quan…

Lý do để kháng nghị là sai

Về thẩm quyền, thời hạn của việc kháng nghị giám đốc thẩm không sai nhưng tôi cho rằng nội dung để kháng nghị có vấn đề. Bởi khoản 3 Điều 4 Pháp lệnh Thừa kế nêu rõ: “Trong trường hợp người lập di chúc không đọc bản di chúc được, không ký hoặc điểm chỉ được thì phải nhờ người chứng kiến”. Tiếp đó Điều 658 BLDS cũng quy định: “Người lập di chúc có quyền ký hoặc điểm chỉ vào bản di chúc sau khi xác nhận bản di chúc đã được ghi chép chính xác và thể hiện đúng ý chí của mình”. Trong vụ án này, hồ sơ thể hiện mẹ bà Nhơn đủ sức khỏe, đủ minh mẫn và sau khi được nghe đọc lại đã điểm chỉ vào tờ di chúc trước sự chứng kiến và xác nhận của công chứng viên. Như vậy, mọi điều kiện thủ tục đã được hoàn tất nên bản di chúc trên hợp pháp và có giá trị pháp lý, không có tình tiết gì mới thể hiện có dấu hiệu của sự ép buộc giữa hai bên khi thực hiện di chúc. Kể cả khi cho rằng người lập di chúc không biết đọc, biết viết là có nhược điểm về thể chất thì cũng không cần người làm chứng riêng vì bản thân công chứng viên đã là người làm chứng quan trọng nhất. Vì họ có đủ trình độ, đạo đức, thân phận pháp lý khi hành nghề. Do đó, TAND Tối cao xác định do không có người làm chứng nên kháng nghị giám đốc thẩm, đề nghị hủy hai bản án là không đúng quy định pháp luật. Cạnh đó, bản thân việc kháng nghị ở “phút 89” gây cảm giác bất thường xung quanh quyết định này.

Luật sư TRƯƠNG XUÂN TÁM,
Ủy viên BCH Liên đoàn Luật sư Việt Nam

THANH TÙNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm