NÂNG CHẤT TRANH TỤNG - BÀI 3

Có chế tài buộc kiểm sát viên tranh luận

Lý giải chuyện một số kiểm sát viên yếu kém trong tranh tụng, kiểm sát viên cao cấp Võ Văn Thêm (Viện Phúc thẩm III VKSND Tối cao) đã chỉ ra nhiều nguyên nhân.

Việc nhiều, chuyên môn kém…

Theo ông Thêm, trước hết các kiểm sát viên đang bị quá tải về công việc. “Một kiểm sát viên đang phải ôm một lúc nhiều vụ án. Ngay nội một chuyện kiểm sát về thời hạn tố tụng thôi cũng làm chưa xuể, nói gì đến việc nắm chắc, nắm hết nội dung vụ án”. Điều này dẫn đến việc ra tòa, kiểm sát viên rất dễ “ấm ớ” khi tranh luận.

Dĩ nhiên cũng có trường hợp không nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án là do lười biếng, cẩu thả hoặc dễ dãi. Hệ quả là kiểm sát viên không hệ thống được đầy đủ các chứng cứ, chuẩn bị đề cương thẩm vấn không đúng trọng tâm, chuẩn bị dự thảo luận tội không kỹ...

Ngoài ra, trình độ chuyên môn của đội ngũ kiểm sát viên chưa đồng đều. Một số người kỹ năng thực hành quyền công tố và kỹ năng tranh tụng còn kém. Chưa kể ra tòa, có người còn chưa tập trung chú ý đến diễn biến phiên xử, thiếu sự phản ứng linh hoạt, khả năng đối đáp hạn chế nên ngại tranh luận. Lúc căng thẳng, có kiểm sát viên không giữ được bình tĩnh lại nóng nảy, đôi co không cần thiết với bên gỡ tội…

Phải quy định chế tài cụ thể

Ông Võ Văn Thêm cho biết quy chế nghiệp vụ của ngành kiểm sát bắt buộc kiểm sát viên phải tranh luận, đối đáp với bên gỡ tội. Nếu không thực hiện, kiểm sát viên sẽ bị xem xét, đánh giá về thành tích thi đua.

Có chế tài buộc kiểm sát viên tranh luận ảnh 1

Kiểm sát viên đang tranh tụng tại một phiên tòa lưu động. Ảnh: HTD

“Như thế là chưa đủ” - thẩm phán Phạm Công Hùng (Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM) thốt lên. “Có tranh tụng thì mới làm rõ được sự thật để tòa quyết định về số phận của bị cáo. Kiểm sát viên không thực hiện đúng chức trách, về chỉ bị cơ quan xem xét đánh giá thi đua là chưa công bằng” - ông Hùng thẳng thắn.

Từ đó, ông Hùng đề xuất nên có quy định chế tài cụ thể đối với kiểm sát viên ra tòa không chịu tranh luận. Có như vậy thì mới khắc phục được tồn tại này. Bởi lẽ nhiều phiên xử, chủ tọa nhắc nhở kiểm sát viên tranh luận với luật sư, bị cáo nhưng nếu kiểm sát viên lắc đầu “bảo lưu quan điểm” thì tòa cũng bó tay.

Đồng tình, thẩm phán Vũ Phi Long (Phó Chánh Tòa Hình sự TAND TP.HCM) cũng nói cần phải có các biện pháp mạnh hơn. Cơ chế xử lý kiểm sát viên không thực thi đúng nhiệm vụ cần phải được ghi nhận trong luật.

Không đơn thuần chỉ buộc tội

“Luật sư nêu ra 10 vấn đề, kiểm sát viên cũng phải đối đáp lại 10 vấn đề, chấp nhận hay bác bỏ đều phải có lý do vì sao. Ngay cả khi luật sư lan man trượt vấn đề, kiểm sát viên cũng cần phân tích là trượt như thế nào. Chúng tôi rất mong quan điểm của mình được kiểm sát viên bác bỏ bằng chứng cứ, bằng quy định, bằng lập luận thuyết phục” - luật sư Trương Trọng Nghĩa (Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam) khẳng định.

“Nhưng không phải phiên tòa nào cũng cần phải tranh tụng” - ông Đinh Văn Quế, nguyên Chánh Tòa Hình sự TAND Tối cao, nhận xét. Theo ông, thực tiễn có khá nhiều phiên xử mà bị cáo, luật sư đều đồng ý với bản luận tội của VKS, chỉ xin tòa khoan hồng. “Nếu không phát sinh vấn đề gì để tranh tụng thì đừng bắt buộc phải cố tranh tụng làm gì” - ông Quế kết luận.

Ông Quế còn chỉ ra một điều mà luật đã quy định nhưng lâu nay ít ai để ý. Đó là bản luận tội của VKS tại phiên tòa không nhất nhất chỉ đi theo hướng buộc tội mà còn phải xem xét cả các yếu tố gỡ tội, các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo. Căn cứ vào diễn biến phiên tòa, kiểm sát viên có thể rút truy tố hoặc chuyển tội danh, chuyển khung hình phạt nhẹ hơn… Dù vậy, trên thực tế, nhiều kiểm sát vẫn rất nặng về tâm lý buộc tội mà chưa chú trọng làm tốt việc này.

Những chuyện “dở khóc dở cười”

Lúc trà dư tửu hậu, nhiều luật sư hay nhắc lại câu tranh luận của một kiểm sát viên trong vụ án Epco - Minh Phụng trước đây: “Luật sư N. đã lập lờ đánh lận con đen, đưa hội đồng xét xử vào một vùng tăm tối của tư tưởng”. Trong các phiên tòa sau này, lại xuất hiện thêm nhiều câu nói “quái chiêu” nữa của kiểm sát viên.

Chẳng hạn, ở một phiên phúc thẩm tại TAND tỉnh T., kiểm sát viên nói với luật sư của bị cáo: “Luật sư cố gắng thuyết phục bị cáo nhận tội cho rồi vì nó đã rõ mười mươi, cãi làm gì nữa, mất thời gian quá”. Vụ khác, tranh luận tại một phiên xử cố ý gây thương tích, kiểm sát viên bĩu môi: “Không hiểu luật sư kinh có nghiệm bao nhiêu năm rồi mà bào chữa như thế”. Ở phiên xử vụ mua bán ma túy tại TAND một quận ở TP.HCM, kiểm sát viên bảo: “Tôi không biết luật sư học luật ở đâu mà bào chữa vô lý vậy”. Còn trong một phiên xử ở TAND tỉnh Dăk Lăk, kiểm sát viên phán: “Bài bào chữa của luật sư trơ trẽn như lời biện hộ của bị cáo” (!)

Không chỉ luật sư, đã có trường hợp kiểm sát viên ngang phiên bỏ phiên xử ra về khiến tòa không biết làm sao, đành hoãn xử. Đó là phiên xử vụ bị cáo Trương Thị Kim Hoàn bị truy tố về tội mua bán trái phép chất ma túy tại TAND quận 1 (TP.HCM) đầu năm 2009. Xong phần xét hỏi, kiểm sát viên đề nghị tòa hoãn xử. Không được đáp ứng, kiểm sát viên ngồi im, không luận tội. Khi luật sư của bị cáo đang bào chữa, kiểm sát viên giơ tay xin phát biểu nhưng bị tòa từ chối nên bỏ ra ngoài. Trở vào, nghĩ một lúc, ông đứng lên nói: “Vì tòa vi phạm tố tụng nên tôi không tham gia phiên xử nữa”. Nói xong, ông xách cặp rời phòng xử bỏ về trong sự ngỡ ngàng của mọi người.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Dương Thanh Biểu (Phó Viện trưởng VKSND Tối cao lúc đó) cho rằng hành động trên của kiểm sát viên là sai luật, vi phạm tố tụng, vi phạm văn hóa ứng xử của người giữ quyền công tố tại phiên tòa...

Ở một phiên xử của TAND huyện Dĩ An (Bình Dương), khi bị cáo nói mình bị oan, kiểm sát viên dõng dạc: “Tôi bảo lưu quan điểm luận tội”. Còn tại phiên xử lưu động một vụ cướp tiệm vàng của TAND TP.HCM tại huyện Củ Chi, sau khi kiểm sát viên luận tội, mẹ nạn nhân trình bày: “Tôi chỉ có một đứa con để nương tựa tuổi già nay bị giết mà hung thủ chỉ bị đề nghị 12 năm tù vì các ông bảo nó nhỏ tuổi. Tôi không đồng ý. Nhỏ tuổi mà lại biết sang Campuchia mua súng để cướp, rồi lạnh lùng bắn chết con tôi như thế à?”. Bà cụ vừa dứt lời, hàng trăm người dân ngồi dự đồng loạt vỗ tay tán thưởng. Thấy vậy, vị chủ tọa quay sang hỏi kiểm sát viên có ý kiến gì không thì chỉ nhận được cái lắc đầu. Trong khi đó, lẽ ra kiểm sát viên phải giải thích cặn kẽ cho bà cụ và cả người dân tham dự chính sách nhân đạo đối với người chưa thành niên phạm tội, việc đề nghị mức hình phạt như thế là đúng luật.

Được biết, tại TP.HCM, hiện nay VKS TP đã ban hành quy định kiểm sát viên phải tranh luận đầy đủ với luật sư và đáp lại ý kiến của hội đồng xét xử tại phiên tòa. Nếu ai làm chưa đạt, bị phàn nàn, phản ánh là bị nhắc nhở ngay. Sắp tới, VKS TP sẽ soạn thảo và ban hành khung chế tài cụ thể để xử lý người vi phạm, không chỉ là nhắc nhở nữa.

THANH TÙNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm