VỤ “TÍNH CẢ LÃI ĐỂ XÁC ĐỊNH TIỀN CHIẾM ĐOẠT”

Cơ quan điều tra hình sự hóa quan hệ dân sự

Bà Chiến còn phản ánh mới đây CQĐT kết luận số tiền bà lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt lên đến 5,2 tỉ đồng nhưng trong đó có 2,3 tỉ đồng là tiền lãi...

Căn cứ vào nội dung báo nêu, trước hết tôi khẳng định rằng CQĐT đã hình sự hóa quan hệ dân sự và khiếu nại của bà Chiến là hoàn toàn có căn cứ.

Theo báo phản ánh, tháng 7-2010, bà Chiến ký hợp đồng vay của ông T. 9 tỉ đồng với lãi suất 2%/tháng. Đến tháng 4-2012, hai bên chốt nợ còn 2,9 tỉ đồng (gồm 2,5 tỉ đồng tiền gốc và 400 triệu đồng tiền lãi). Sau đó bà Chiến không trả được nợ nên tháng 11-2013, ông T. làm đơn tố cáo bà Chiến chiếm đoạt của ông 2,9 tỉ đồng.

Đây chỉ là quan hệ vay mượn giữa bà Chiến với ông T. Nếu sau khi chốt nợ với ông T. mà bà Chiến bỏ trốn, hoặc có thủ đoạn gian dối, hoặc sử dụng 2,9 tỉ đồng đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả nợ thì việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với bà là đúng. Tuy nhiên, từ sau khi chốt nợ với ông T., bà Chiến không có một trong những hành vi trên thì không bao giờ phạm tội cả.

Còn việc CQĐT tính cả tiền lãi làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với bà Chiến, trong trường hợp này rõ ràng là sai vì như nhiều chuyên gia đã phân tích, thực tiễn xét xử các tòa án cũng không chấp nhận tính cả tiền lãi làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý là không phải trường hợp nào cũng không được tính tiền lãi để truy cứu trách nhiệm hình sự mà phải căn cứ vào tình tiết cụ thể của vụ án. Ví dụ: A vay B 5 tỉ đồng với lãi suất 1%/tháng trong thời hạn sáu tháng. Hết sáu tháng, A không trả được cả gốc lẫn lãi mà bỏ trốn thì giá trị tài sản mà A chiếm đoạt của B phải là 5 tỉ đồng tiền gốc cộng với 300 triệu đồng tiền lãi theo thỏa thuận là 5,3 tỉ đồng. Tiền chiếm đoạt để làm căn cứ định tội, định khung hình phạt là tiền gốc cộng tiền lãi theo thỏa thuận trước khi A bỏ trốn. Còn số tiền lãi phát sinh sau khi A bỏ trốn thì A phải bồi thường cho B.

Hiện nay, ở nhiều địa phương, cơ quan tố tụng rất lúng túng và thận trọng khi xử lý tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (Điều 140 BLHS). Có trường hợp người vay bỏ địa phương đi nơi khác không để lại địa chỉ, thay số điện thoại, CQĐT triệu tập nhiều lần nhưng không có mặt, CQĐT vẫn không khởi tố vì sợ hình sự hóa. Trong khi đó thì ở Bình Phước, CQĐT lại khởi tố bà Chiến dù hành vi của bà không cấu thành tội phạm. Đã vậy, CQĐT còn làm sai khi tính cả số tiền lãi để xác định giá trị tài sản bị chiếm đoạt.

Có lẽ trong tình hình hiện nay, rất cần có một thông tư của liên ngành hoặc chí ít cũng là nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 140 BLHS nhằm tránh tình trạng làm oan người vô tội hay bỏ lọt tội phạm.

Ông ĐINH VĂN QUẾ, nguyên Chánh Tòa Hình sự TAND Tối cao

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm