Có toà án có đến 100% án bị... huỷ, sửa

Sáng 14-1, VKSND Cấp cao tại TP.HCM tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2018 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm, đề ra giải pháp thực hiện năm 2019.

Theo VKSND Cấp cao tại TP.HCM, chất lượng công tác giải quyết án hình sự của các tòa địa phương trong khu vực còn nhiều hạn chế. Tỷ lệ Tòa cấp cao xử phúc thẩm tuyên y án sơ thẩm là 58%, giảm 5,5% so với cùng kỳ 2017. Án sơ thẩm bị Tòa cấp cao xử phúc thẩm tuyên hủy, sửa án còn chiếm tỷ lệ cao (248 vụ/591 vụ xét xử, chiếm tỷ lệ 41,9%).
Một số địa phương có số lượng án bị hủy, sửa nhiều như: Trà Vinh (3 vụ/3 vụ xét xử, chiếm tỷ lệ 100%), Bạc Liêu (15 vụ/20 vụ xét xử, chiếm tỷ lệ 75%), Long An (12 vụ/16 vụ xét xử, chiếm tỷ lệ 75%), Đăk Nông (18 vụ/26 vụ xét xử, chiếm tỷ lệ 69,2%).

VKSND Cấp cao tại TP.HCM liệt kê các vi phạm phổ biến là: Việc điều tra thu thập chứng cứ chưa đầy đủ để làm căn cứ kết tội, vi phạm trong việc khám nghiệm hiện trường, thu giữ vật chứng, thực nghiệm điều tra, giám định, vi phạm trong việc áp dụng các tình tiết định khung tăng nặng, áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, vi phạm trong việc cho bị cáo hưởng án treo…

Theo VKSND Cấp cao tại TP.HCM, đối với Tòa cấp cao, vi phạm phổ biến là: Vi phạm về thời hạn chuẩn bị xét xử; vi phạm về thời hạn chuyển hồ sơ vụ án cho VKS nghiên cứu (nhiều vụ án chuyển sang khi đã có lịch xét xử, không đảm bảo thời hạn VKS nghiên cứu hồ sơ theo luật định); vi phạm về việc chuyển giao các quyết định, lệnh, giấy triệu tập của Tòa án cho những người tham gia tố tụng (Tòa án thường chuyển giao văn bản qua Bưu điện nhưng nhiều trường hợp không thu thập xác nhận của Bưu điện về việc đã chuyển văn bản đến đúng địa chỉ, người nhận hay chưa); vi phạm về thời hạn hoãn phiên tòa (nhiều vụ án phải hoãn đi hoãn lại nhiều lần và mỗi lần hoãn đều kéo dài hơn thời hạn luật định); vi phạm về việc giao bản án và quyết định phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm cho Viện cấp cao (số quá hạn chiếm tỷ lệ lớn); nhiều bản án, quyết định phúc thẩm, giám đốc thẩm của Tòa cấp cao tuyên xử không đúng quy định pháp luật.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm